Sáng 29-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội và nhiều nội dung khác. Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp) cho biết trong báo cáo Chính phủ có nêu các yếu tố gây bất ổn đến nền kinh tế, như: Thiên tai, hạn hán, thời tiết cực đoan, sạt lở tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề.
Theo đại biểu Trần Văn Sáu, đối chiếu các yếu tố này dường như có mặt đầy đủ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bà con ĐBSCL lo lắng hết sống chung với lũ giờ lại sống chung với hạn, xâm nhập mặn, sạt lở thì luôn rình rập, bủa vây. Cũng không thể tưởng tượng hết vùng đồng bằng sông nước mà bà con phải thức đêm đi hàng mấy cây số để xin từng xô nước cứu trợ...
Đại biểu Trần Văn Sáu cho rằng năm 2024, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khốc liệt hơn và không có điểm dừng với 11/13 tỉnh ĐBSCL phải ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn. Nhiều giải pháp cấp bách được triển khai, như: Trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, khởi động xây dựng lại các hồ chứa nước ngọt, thay đổi tập quán canh tác…
Mặc dù Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng đã tập trung nhiều giải pháp nhưng tình hình còn nhiều khó khăn. Nhằm hạn chế với tình trạng hạn hán xâm nhập mặn, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Chính phủ quan tâm một số chính sách, giải pháp mà các nhà khoa học đã khuyến cáo.
Thứ nhất là đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo hạn mặn. Nhiều năm qua việc đào thêm nhiều kênh rạch để tháo chua, rửa phèn đưa phù sa vào đồng ruộng, biến những cánh đồng chết thành những vựa lúa, nay chính những con kênh này đưa nước biển vào đồng ruộng. Vì vậy, công tác dự báo phải thường xuyên, chính xác, kịp thời để bà con thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp.
Thứ hai là tăng cường quản lý và khai thác tài nguyên nước dưới mặt đất và khoáng sản. Thời gian qua việc khai thác nước ngầm chưa phù hợp dẫn đến tình trạng sụt lút. Việc khai thác cát ở lòng sông quá mức dẫn đến hạ thấp đáy sông, tạo điều kiện nước mặn xâm nhập đồng rộng.
Hiện nay, có khuyến cáo cần xây dựng đập ngầm, đây là giải pháp cần được tham khảo đối với Việt Nam, giải pháp này được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Khi nước mặn có tỉ trọng lớn hơn nước ngọt sẽ nằm ở dưới nước ngọt, việc xây dựng đập ngầm sẽ giúp ngăn mặn, lại không cản trở tàu bè hoạt động.
Đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị nhà nước ưu tiên nguồn vốn xây dựng, hoàn thiện các hệ thống công trình trữ nước ngọt cho tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Đồng thời triển khai quy hoạch cấp nước ngọt cho vùng, đảm bảo cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân.
Về lâu dài cần xây dựng hệ thống đê biển, cùng các cống đập kiểm soát nước mặn, đây là dự án lâu dài, bền vững để ứng phó nước biển dâng. Đây không chỉ là để ngăn mặn, còn là câu chuyện duy trì lãnh thổ quốc gia.
"Sạt lở, sụt lún, nước biển dâng… nếu chúng ta không hành động kịp thời thì chỉ vài chục năm nữa sẽ không còn ĐBSCL. Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, cuộc sống người dân sẽ khó khăn hơn. Thu nhập giảm, người nghèo ven biển, nông thôn buộc phải bỏ nhà cửa, ruộng đồng, quê hương để di cư đến nơi khác" - đại biểu Trần Văn Sáu nói.
Theo đại biểu Trần Văn Sáu, 10 năm qua có khoảng 1,7 triệu người phải di cư khỏi ĐBSCL, cao gấp đôi so với mức bình quân của cả nước. Vì vậy cần phải quy hoạch, bố trí lại dân cư, ưu tiên nguồn vốn cho công việc này. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành chuyện bình thường mới, cho thấy cần thiết phải hành động vì những thiệt hạt, mất mát vượt quá khả năng chống chịu và thích ứng của người dân trong vùng ĐBSCL. Điều này, rất cần sự quan tâm của các cấp.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn Bến Tre) cho rằng vấn đề hạn mặn đã xảy ra trong nhiều năm, liên tục và ngày càng khắc nghiệt tại vùng ĐBSCL đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân tại đây. Vừa qua, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã có những giải pháp và đầu tư rất lớn, liên tục tăng cho vùng ĐBSCL, đây là tin vui cho vùng ĐBSCL.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cần quyết liệt thực hiện các chương trình đang có để vấn đề hạn mặn không lặp lại ở ĐBSCL cũng như trong cả nước. Trong đó, cần thực hiện sớm các quy trình thủ tục đầu tư các dự án ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Đặc biệt, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa bằng cách thành lập các Ban chỉ đạo để đôn đốc công việc này.
Bình luận (0)