Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát kịch IDECAF cho biết, ngày rằm tháng giêng, ê kíp sáng tạo vở kịch sử Việt "Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt" đã đến thắp hương tại Lăng Ông Bà Chiểu, tham quan quần thể khu đền, ngôi mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và vợ là bà Đỗ Thị Phận, lắng nghe những câu chuyện về phần mộ do Ban quản lý Lăng Ông Bà Chiểu giới thiệu.
Sau đó, ê kíp sáng tạo đã tổ chức dâng hương khởi công tập dợt theo kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý, biên đạo Võ Tử Uyên, họa sĩ Lê Văn Định, đạo diễn Hoàng Duẩn dàn dựng.
"Tham gia vở có các diễn viên: Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Đình Toàn, Đại Nghĩa, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Quang Thảo, Minh Dũng… dự kiến có hơn 30 diễn viên quần chúng đóng các vai dân làng. Vở sẽ ra mắt vào cuối tháng 3" - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Nghệ sĩ Đình Toàn cho biết tuổi thơ của anh gắn liền với khuôn viên Lăng Ông Bà Chiểu vì nhà của anh ở quận Bình Thạnh.
Từ nhỏ anh đã được theo ba mẹ đến viếng Lăng Ông vào dịp lễ Tết, cảm nhận được sự linh thiêng và được xem nghệ thuật hát bội biểu diễn tại Lăng. Khi lớn lên được đọc nhiều tài liệu, sách sử viết về ông nên trong tâm trí của anh đó là một vị tướng tài ba, một vị tướng hết mực thương dân.
"Tất cả các diễn viên đều cảm nhận sâu sắc vai diễn của mình. Riêng bản thân tôi thấy mình hồi hộp và căng thẳng. Bởi, đọc sử sách viết về cuộc đời ông, những chiến tích ông đạt được, tôi thấy tầm vóc của ông vĩ đại quá. Do vậy, chúng tôi càng lo lắng, và dặn lòng phải kỹ càng hơn, thận trọng hơn khi làm tác phẩm này" - diễn viên Đình Toàn chia sẻ.
Vở kịch xoay quanh cuộc đời Tả quân Lê Văn Duyệt và điểm nhấn chính là việc xử án nhân vật Huỳnh Công Lý dựa vào thế lực của vua bức hiếp dân lành. Vai Lê Văn Duyệt do nghệ sĩ Đình Toàn đảm nhận, Đại Nghĩa đóng vai Huỳnh Công Lý.
Tả quân Duyệt là một trong những vị tướng, quân sư tài ba có công rất lớn đối với triều đình nhà Nguyễn. Ông phục vụ dưới 2 triều vua là vua Gia Long và vua Minh Mạng.
Tuy nhiên, dưới thời vua Minh Mạng năm 1835 đã xảy ra vụ biến loạn thành Phiên An. Sau khi ông đã mất, vua Minh Mạng ra lệnh san bằng mộ, dựng bia đá khắc 8 chữ "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xử" (chỗ tên hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội).
Mãi đến đời vua Thiệu Trị (năm 1841), ông mới được giải oan, trụ đá được dẹp bỏ, mộ ông được đắp lại cao và rộng hơn.
Bình luận (0)