Sông Trà Bồng đẹp lắm. Mùa hạ về, con nước lững lờ trôi. Nhưng mùa mưa sông cuồng nộ, giận dữ, quét đôi bờ, gây bao cảnh tan thương ở xã Bình Minh và Bình Chương (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư xây dựng kè khẩn cấp. Không như nhiều nơi khác ì ạch trong việc giải tỏa đền bù, dân Bình Minh và Bình Chương đồng loạt hiến đất xây kè.
Xói lở triền miên
Đứng bên tuyến kè chống sạt lở sông Trà Bồng đoạn qua thôn Tân Phước Đông, xã Bình Minh mà đáy kè, thân kè đã hoàn chỉnh, đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện mặt kè, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Quảng Ngãi Ngô Văn Dụng nói: "Mong cho trời nắng ít bữa nữa là thi công xong thì mùa mưa bão năm nay sẽ không còn lo sợ sông ngoạm đất, phá làng nữa".
Nhà ông Lê Minh Dũng sát bờ sông Trà Bồng. Nghe có đoàn về kiểm tra tiến độ công trình, ông ra góp chuyện. Ông nói: "Thôn Tân Phước, mà nói rộng hơn là xã Bình Minh, thuộc rốn lũ của sông Trà Bồng. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, cứ vài ba năm xã lại bị lũ quét, ngập sâu".
Như năm 2005, trong bão số 8, 133 ngôi nhà sập đổ, hư hỏng nặng; 700 ngôi nhà bị tốc mái. Còn năm 2009, bão số 9 làm cho 150 ngôi nhà bị sập đổ, 2.500 ngôi nhà bị ngập. Theo thời gian, sự thiệt hại của những cơn bão lũ nối dài thêm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn từ lâu đã khoanh vùng rốn lũ xã Bình Minh và một phần xã Bình Chương, trang bị canô, thuyền máy, phao cứu sinh. Còn chính quyền 2 xã cũng đã chọn vùng gò cao gần các khu dân cư cho dân chất rơm rạ, làm chuồng tạm để mùa mưa bão đưa trâu bò lên tránh. Đồng thời, chọn cơ quan, trường học và nhà cao tầng kiên cố để di dời dân xen ghép khi lũ về. Các đội xung kích phòng chống thiên tai luôn được tăng cường.
Vào mùa mưa lũ, khi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai thông tin nước sẽ dâng cao, qua hệ thống loa truyền thanh là địa phương tổ chức cho người già, trẻ em đi trước. Cánh đàn ông phải lo kê đồ đạc lên cao rồi mới đóng cửa nhà, rời đi. Khi lũ rút thì kéo nhau về bơm nước, dọn bùn non nơi nhà cửa, sân vườn, phát dọn cây ngã đổ dọc đường đi.
Cố gắng thật nhiều nhưng có một điều không thể chống đỡ được, đó là mỗi mùa mưa lũ, con nước hung hăng ngoạm vào bờ sông từ 5-7 m. Những bụi tre ven sông được người dân đời nọ nối tiếp đời kia trồng để trị thủy nhưng rồi trong những cơn lũ dữ, nước sông Trà xói vào bờ nên bật gốc ngã chỏng quèo. Những ngôi nhà nằm sâu trong xóm, sau nhiều năm đã lộ dần ra mé bờ sông.
Ông Ngô Tấn Xây, nhà ở ven sông Trà Bồng, bộc bạch: "Có ở yên mới lo xóa nghèo. Nhưng sông ngoạm ngày càng dữ hơn nên nỗi lo càng lớn".
Đã nhiều lần đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh về tiếp xúc cử tri, bà con và chính quyền địa phương luôn kiến nghị xây kè nhưng kinh phí hạn hẹp nên đành chờ mà thôi.
Công trình của lòng dân
Cho đến năm 2024, tỉnh Quảng Ngãi quyết định xây dựng 4 đoạn kè trên sông Trà Bồng, trong đó có 3 đoạn kè nằm ở thôn Tân Phước và Tân Phước Đông, xã Bình Minh và một đoạn kè nằm ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương.
Ông Ngô Văn Dụng cho hay đây là công trình khẩn cấp để chống sạt lở bờ sông, bảo vệ nhà ở, đất sản xuất tại các khu dân cư nên kinh phí giải tỏa đền bù không có. Mà như vậy, nếu người dân không đồng thuận thì công trình làm sao khởi công được. Mặt khác, đến tháng 10 là Quảng Ngãi vào mùa mưa bão, nếu khởi công chậm thì không thể bảo đảm tiến độ vượt lũ năm 2024. Còn nếu tệ hơn, công trình chưa khởi công thì bước sang năm 2025 dự án sẽ bị điều chỉnh hoặc cắt vốn, bởi Quảng Ngãi đang có nhiều công trình cần đầu tư xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền kể khi tỉnh thông báo sẽ đầu tư xây dựng kè sông Trà Bồng, địa phương mừng lắm. Bởi như thế sẽ khắc phục được cảnh sông ngoạm bờ triền miên. Tính tới tính lui chỉ còn cách vận động bà con hiến đất để xây dựng công trình càng nhanh, càng sớm mà thôi.
Tháng 5-2024, công tác khảo sát đo đạc vùng bị ảnh hưởng khi xây dựng kè được tiến hành nhanh chóng. Rồi sau đó, địa phương phổ biến cho dân qua trưởng thôn, đồng thời thành lập ngay ban vận động người dân hiến đất xây kè.
Công trình kè Trà Bồng rồi cũng sẽ đến ngày hoàn thành như bao công trình khác. Đơn vị thi công rồi cũng sẽ chuyển máy móc, phương tiện đi nơi khác. Nhưng sẽ mãi còn tấm lòng của người dân yêu đất và sẵn sàng hiến đất để xây công trình bảo vệ xóm làng, khu dân cư.
Chủ tịch UBND xã Bình Minh - ông Nguyễn Văn Thăng - bộc bạch: "Nói thì ngắn gọn vậy nhưng đâu có dễ dàng. Bởi ai cũng biết chuyện sạt lở bờ sông là nhức nhối nhưng bà con nơi đây sống nhờ sản xuất nông nghiệp. Mùa nối mùa trồng lúa, trồng khoai rồi nuôi thêm con bò, con heo để bán đắp đổi cuộc sống, xây dựng nhà cửa, cho con đi học. Mồ hôi của bà con đổ xuống trên cánh đồng làng nhưng rồi cứ mưa lũ đến thì hạt thóc, thúng khoai đổ vào bồ rồi có khi vẫn mất. Đất sản xuất ngày càng hẹp dần vì lũ nên chuyện làm ăn ngày một khó khăn hơn. Bởi vậy, đặt vấn đề tuyên truyền vận động bà con hiến đất thì phải thấu tình đạt lý".
Vậy rồi, thông qua số liệu thống kê diện tích đất, chủ sử dụng đất theo hiện trạng do Công ty CP Đo đạc và Xây dựng 186 Quảng Ngãi cung cấp, huyện Bình Sơn và xã Bình Minh đã nhiều lần tổ chức họp dân, phát phiếu lấy ý kiến dân là đồng ý hay không đồng ý việc xây dựng công trình kè, phần nữa là chuyện hiến đất, ai đồng ý hiến thì phải cam kết.
Riêng với phần hoa màu trên đất thì đơn vị thi công sẽ hỗ trợ một phần cho bà con. Nhiều hộ như bà Nguyễn Thị Ri, ông Huỳnh Công Tiến, ông Phạm Lộc (thôn Tân Phước) đều cam kết hiến ngay 1.530 m2 đất. Hộ ông Đinh Tấn Hoàng hiến 543 m2...
Nhiều hộ dân bộc bạch đất đai là nguồn sống nhưng có xây kè mới chống được sạt lở, nên nhà nước đã đầu tư thì mình cũng vui lòng hiến đất.
Dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông Trà Bồng đoạn qua xã Bình Minh và Bình Chương gồm 4 đoạn với tổng chiều dài 1.030 m với tổng vốn đầu tư 49 tỉ đồng. Để thi công công trình này, diện tích đất phải thu hồi là 48.300 m2, trong đó có 10.995 m2 đất trồng cây, còn lại là đất giao thông, sông ngòi. Tổng cộng đã có 40 hộ dân ở xã Bình Minh và 6 hộ dân ở xã Bình Chương tham gia hiến đất.
Nhờ vậy, ngày 16-7-2024, bốn tuyến kè, trong đó có 3 tuyến ở xã Bình Minh và 1 tuyến ở xã Bình Chương nằm ở bờ Nam sông Trà Bồng, đồng loạt được khởi công. Nhiều người dân của xã Bình Chương đi làm đồng cũng tranh thủ tạt ngang xem đơn vị thi công công trình. Rồi chiều xuống, nhiều người dân trong xã lại ra mé sông xem thi công và nhìn đất, nhìn trời, mong cho công trình mau hoàn thành.
Chạy đua với thời gian
Hiểu tấm lòng của bà con và nỗi lo khi mưa lũ tràn về, nên sau ngày khởi công, các đơn vị thi công tập trung nhân lực, phương tiện, vật tư lên hiện trường, chạy đua với thời gian, với mưa bão.
Ông Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Xây dựng 76, bộc bạch: "Công ty mình thi công cũng nhiều nơi nhưng ở đây bà con ủng hộ rất nhiều. Chính vì vậy, mình đốc thúc anh em cố gắng và ngay từ đầu đã làm cả ca đêm. Cho đến đầu tháng 10, đơn vị đã thi công hoàn thành 90% khối lượng với phần móng. Thân kè đã xong và đang san ủi đổ bê-tông phần đỉnh kè, bảo đảm vượt lũ năm 2024. Ba đoạn kè còn lại cũng đã bảo đảm tiến độ trên 75%. Như vậy, kè Trà Bồng trở thành công trình xây dựng kè sông khẩn cấp của tỉnh Quảng Ngãi được thi công nhanh nhất, bên cạnh kè Liên Chiểu (xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ) và kè Ba Thành (huyện Ba Tơ).
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho hay với việc dân đồng thuận hiến đất xây kè, UBND huyện đã có văn bản tuyên dương bà con nhân dân và cán bộ, công chức xã Bình Minh và Bình Chương đã đóng góp tích cực vào việc xây kè. Đồng thời, chỉ đạo 2 xã phối hợp với Phòng Nội vụ huyện Bình Sơn tham mưu trong việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân hiến đất hoặc có vai trò tích cực trong việc giải phóng mặt bằng xây dựng kè.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông của tỉnh sẽ phối hợp địa phương để chỉnh lý biến động đất đai sau khi hoàn thành việc xây dựng kè, để người dân yên tâm sản xuất.
Bình luận (0)