Mới đây, ca sĩ Khánh Phương, Châu Khải Phong bị dư luận chú ý khi xuất hiện trong các clip quảng cáo cho một nền tảng cờ bạc trực tuyến trá hình cùng với một nhân vật tên Bảo Lasvegas.
Hiện, cả hai ca sĩ đều phủ nhận quay clip nhằm mục đích cho hoạt động quảng cáo trên. Khánh Phương và Châu Khải Phong đều nói mình được mời đến quay clip tiểu phẩm.
Liên quan thông tin trên, luật sư Phùng Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+), nhìn nhận có hai tình huống cần làm rõ.
Tình huống thứ nhất, 2 ca sĩ quay clip quảng cáo cho dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép.
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, việc quảng cáo dịch vụ bị cấm quảng cáo có thể bị xem xét phạt tiền đến 70 triệu đồng.
Đồng thời, người quảng cáo hoặc kinh doanh dịch vụ quảng cáo có thể bị buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo.
Như vậy, trường hợp người nổi tiếng quảng cáo dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép có thể bị xem xét xử phạt như quy định trên đây là phạt tiền lên đến 70 triệu đồng và bị buộc gỡ quảng cáo.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự, việc quảng cáo tổ chức đánh bạc qua mạng có dấu hiệu hình sự của Tội tổ chức đánh bạc.
Theo đó, mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể phạt tù lên đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tình huống thứ hai, hai ca sĩ được mời đến quay clip tiểu phẩm và bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo mà chưa xin phép. Căn cứ theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm, cá nhân có quyền hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh người khác phải được người đó cho phép. Khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự quy định cá nhân bị sử dụng hình ảnh trái phép có thể khởi kiện đến Tòa án yêu cầu người sử dụng hình ảnh trái phép thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Các mức hình phạt cao nhất lần lượt đối với hai hành vi vi phạm trên là 20 triệu đồng và 40 triệu đồng đối với cá nhân và 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, người có hình ảnh bị xâm phạm có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc người sử dụng trái phép tháo gỡ quảng cáo, buộc xin lỗi cá nhân bằng văn bản theo quy định tại các điểm a, b khoản 8 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Nghiêm trọng hơn nữa, người có hình ảnh bị xâm phạm có thể tố giác đến cơ quan công an về hành vi có dấu hình hình sự của Tội vu khống. Mức hình phạt có thể áp dụng đối với tội danh này có thể lên đến 7 năm tù...
Bình luận (0)