Nhằm chuyển đổi từ mô hình quản lý hành chính truyền thống sang quản trị phục vụ người dân, việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được đánh giá là rất cấp thiết.
Chuẩn hóa cán bộ, công chức cấp xã
Trong bối cảnh vận hành chính quyền địa phương 2 cấp với khối lượng công việc rất lớn, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã - những người trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho người dân - đang đứng trước đòi hỏi nâng cao năng lực, kỹ năng và tư duy công vụ hiện đại.
Theo đó, cán bộ, công chức không chỉ cần am hiểu nghiệp vụ mà còn phải có tư duy đổi mới, sẵn sàng thích ứng với mô hình quản trị số và hành chính phục vụ.
Việc chuẩn hóa đạo đức, trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ được xem là nền tảng quan trọng để đáp ứng kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp cũng như mục tiêu xây dựng nền quản trị địa phương hiệu quả, minh bạch.

Học viên Học viện Cán bộ TP HCM thường xuyên tham gia công tác xã hội để nâng cao kỹ năng giao tiếp với người dân
TS Nguyễn Thụy Vũ, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nâng cao TP HCM, cho rằng một trong những bước đột phá quan trọng trong công tác cán bộ, công chức hiện nay là chuyển mạnh sang quản lý theo vị trí việc làm.
Thay vì phân bổ theo biên chế cứng như trước thì nay cần phải lấy vị trí việc làm làm trung tâm, dựa vào yêu cầu cụ thể và kết quả thực thi để tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm. Đây là cách tiếp cận mới, khoa học, phù hợp nguyên tắc quản trị công hiện đại.
Theo TS Nguyễn Thụy Vũ, Bộ Nội vụ đang từng bước ban hành và hướng dẫn tiêu chuẩn chức danh công chức cấp xã theo hướng mới, bao gồm phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ lẫn trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc trong môi trường số. Đây không chỉ là những yêu cầu mới đối với nền công vụ mà còn là một trong những tín hiệu mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước.
"Chính đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính sẽ là lực lượng quyết định sự thành công của giai đoạn chuyển mình mà Đảng đang dẫn dắt" - TS Nguyễn Thụy Vũ nhấn mạnh.
Chuyển động từ các cơ sở đào tạo
Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ quản lý hành chính truyền thống sang mô hình quản trị phục vụ người dân, các cơ sở đào tạo nhân lực hành chính - công vụ đã điều chỉnh mạnh mẽ về chương trình đào tạo.
Tại Phân viện Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP HCM, một trong những thay đổi lớn là nâng cấp học phần tin học căn bản thành nội dung đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và kỹ năng sử dụng công nghệ số. Đây là những năng lực quan trọng đối với đội ngũ công chức "thế hệ mới".
TS Nguyễn Thế Tài, Phòng Quản lý Đào tạo và Khoa học - Phân viện Học viện Hành chính và Quản trị công tại TP HCM - cho biết học viện đã thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng tập trung vào kiến thức, kỹ năng công nghệ số. Đến nay, ít nhất 70% nội dung chương trình đã đáp ứng yêu cầu mới của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Song song với việc đào tạo sinh viên mới, các cơ sở đào tạo cũng đang tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức đương nhiệm, nhất là ở cấp xã, phường - vốn đang gánh vác thêm khoảng 120 nhiệm vụ mới từ cấp quận, huyện theo mô hình chính quyền 2 cấp.
Việc cập nhật kiến thức về các luật mới, nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trở thành yêu cầu bắt buộc, nhất là từ sau ngày 1-7, khi nhiều quy định pháp lý mới có hiệu lực.
"Chúng tôi ghi nhận có 28 nghị định về phân quyền cần nắm vững để triển khai hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp. Vì thế, đội ngũ công chức các ngành, địa phương cần được đào tạo lại để vận hành thông suốt" - TS Tài nhấn mạnh.
Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP HCM), các học phần liên quan quản lý nhà nước, quản trị công, đổi mới sáng tạo, tư duy chiến lược cũng được điều chỉnh để phù hợp với xu thế hành chính hiện đại.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Trưởng Bộ môn Quản lý công, Trường ĐH Kinh tế - Luật, thông tin nhà trường bám sát tiến trình cải cách hành chính trong nước và quốc tế để giúp sinh viên hiểu rõ nhiều mô hình quản trị, từ đó phát triển kỹ năng điều hành trong môi trường số và thích nghi tốt với mô hình quản trị nhà nước.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hòa, để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thành công, bên cạnh cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức, yếu tố con người đóng vai trò quyết định.
Do vậy, cần một thế hệ công chức hiểu công nghệ, giỏi chuyên môn, chuẩn đạo đức, mạnh tinh thần phục vụ. Điều đó không thể tự đến mà phải bắt đầu từ trường học, từ chương trình đào tạo được thiết kế đúng hướng, gắn với thực tiễn, hướng đến tương lai.
"Một chính quyền hiện đại, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm sẽ không thể thành hình nếu thiếu đội ngũ công chức có tư duy mới, năng lực mới. Đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để hệ thống đào tạo và quản trị công vụ Việt Nam thực sự bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng" - PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hòa nhìn nhận.
Tạo sự công bằng, bền vững
Ngay sau khi Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) năm 2025 được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng các dự thảo nghị định trình Chính phủ, tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là ở cấp xã.
Chính sách lần này cũng ưu tiên chăm lo đội ngũ cán bộ, công chức là nữ, người dân tộc thiểu số nhằm tạo sự công bằng và bền vững trong phát triển nguồn nhân lực khu vực công.
Bình luận (0)