PGS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về những vấn đề gây ý kiến trái chiều quanh việc đặt tên mới sau khi sáp nhập phường, xã.
Phóng viên: Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập. Ngoài việc sắp xếp cán bộ, trụ sở... thì chọn tên mới cũng là vấn đề quan trọng không kém sau khi sáp nhập. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
- PGS BÙI HOÀI SƠN: Đặt tên cho một đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là công việc của chính quyền mà nó cần thể hiện truyền thống lịch sử, những dấu ấn gắn với địa phương, thể hiện niềm tự hào đã được bao thế hệ người dân ở đó vun đắp, xây dựng và cả những mơ ước của họ gửi gắm vào địa danh ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà những tên đất, tên làng trải qua thời gian, gắn bó với lịch sử luôn được đặt một cách có ý nghĩa và rất trân trọng. Vì thế, khi đặt tên mới cho đơn vị hành chính, rất cần cân nhắc yếu tố lịch sử, văn hóa và nguyện vọng của nhân dân địa phương, tránh những hệ lụy không đáng có về sau.
Không ít tên gọi mới (dự kiến) đã gây phản ứng trong dư luận vì xóa sổ toàn bộ tên địa danh gắn với lịch sử, văn hóa địa phương. Ông nghĩ sao về việc này?
- Yếu tố lịch sử, địa lý và văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đặt tên mới cho một địa phương.
Những địa danh trong quá khứ luôn ẩn chứa những giá trị lịch sử, văn hóa nhất định, nhất là đối với các làng, đơn vị cộng cư nhỏ và gần gũi nhất đối với mỗi người. Đó có thể là những mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, thường được thể hiện bằng chữ Hán, như: An Thái, Nhân Hòa, An Ninh, Thượng Thọ...; gắn với dòng họ lập làng như Bùi Xá, Cao Xá, Lê Xá...; hay gắn với đặc thù cảnh quan, môi trường thiên nhiên như Hạc Trì, Đông Sơn, Hào Nam...
Ngoài ra, tên đất, tên làng còn được kết tinh rất nhiều những giá trị đặc biệt khác, qua ca dao, tục ngữ, lễ hội, phong tục, tập quán, cả danh nhân lịch sử… Mở rộng hơn, các tổng, trấn trước kia - huyện, tỉnh bây giờ; hay cả một vùng Đông, Đoài, Sơn Nam... đều là những vùng văn hóa.
Có thể thấy, tên địa danh luôn gắn với thông điệp nào đó. Chưa kể, các địa phương có thể có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; việc sáp nhập, thay đổi tên dẫn đến hòa lẫn văn hóa, không chỉ dễ dẫn đến tình trạng làm mất bản sắc của vùng đất ấy mà còn có thể gây ra những xung đột, mâu thuẫn không cần thiết.
Làm sao để đặt tên mới phản ánh đúng lịch sử và văn hóa của địa phương? Những yếu tố nào trong quá khứ của một địa phương cần được lưu giữ trong tên mới, thưa ông?
- Đây là một điều rất khó và phụ thuộc vào từng địa phương, thậm chí là từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, có một số nguyên tắc chung:
Thứ nhất, phải nghiên cứu lịch sử và văn hóa của địa phương. Trước khi đặt tên cho một địa danh mới, chúng ta cần hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và các sự kiện quan trọng trong khu vực đó qua tham khảo tư liệu lịch sử, tìm kiếm thông tin từ các nhà nghiên cứu hoặc dân cư địa phương.
Thứ hai, tham vấn cộng đồng địa phương, bao gồm các nhóm dân tộc, văn hóa, dòng họ và các lãnh đạo địa phương qua cuộc họp cộng đồng hoặc các cuộc thăm dò ý kiến, kể cả thảo luận trên mạng.
Thứ ba, cân nhắc sử dụng ngôn ngữ địa phương. Điều này không chỉ tôn vinh, bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa bản địa mà còn giúp tạo sự liên kết mạnh mẽ hơn giữa cộng đồng và địa danh.
Thứ tư, cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Khi đặt tên cho một địa danh mới, phải cân nhắc ý nghĩa lịch sử và văn hóa của tên đó. Tránh việc chọn các từ ngữ hoặc tên gọi có thể gây tranh cãi hoặc không tôn trọng đến một phần của cộng đồng.
Thứ năm, khi thực hiện chọn tên mới, cần có quy trình chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của nhà nước.
Có nên sử dụng lại tên gọi các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính mới? Làm thế nào để bảo đảm việc sử dụng lại tên gọi này không gây rắc rối liên quan thủ tục hành chính?
- Theo tôi, không có gì là không thể, miễn là chúng ta có sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng quy trình. Thực tế, chúng ta từng làm chuyện này với khá nhiều địa danh. Thậm chí, theo tôi, đây là một lựa chọn hợp lý, nhất là khi tên đó có ý nghĩa lịch sử, văn hóa hoặc ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng việc sử dụng lại tên gọi này không gây ra rắc rối giấy tờ và hỗ trợ quá trình sáp nhập một cách thuận lợi. Để làm được điều đó, trước khi thực hiện việc sử dụng lại tên gọi, cần phải thông báo và giải thích cho cộng đồng về lý do, ý nghĩa của việc này nhằm tạo sự hiểu biết và chấp nhận từ cộng đồng.
Cần bảo đảm rằng việc sử dụng lại tên gọi cũ được thực hiện thông qua các quy trình chặt chẽ, phù hợp; bảo đảm các thông tin như địa chỉ, hồ sơ đăng ký đất đai, khai sinh, kết hôn... của đơn vị hành chính mới được cập nhật, phản ánh đúng tên gọi mới để tránh gây nhầm lẫn và rắc rối.
Cần hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về việc cập nhật thông tin liên quan tên gọi của đơn vị hành chính qua việc cung cấp thông tin trên trang web của đơn vị hành chính mới hoặc các đợt thông tin cho cộng đồng. Bảo đảm các cơ quan liên quan như ngân hàng, bưu điện... và các cơ quan nhà nước khác được thông báo về việc sử dụng lại tên gọi cũ và cập nhật thông tin liên quan.
Ông đánh giá thế nào về việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan khi đề xuất, quyết định tên gọi mới? Có nên tổ chức cuộc họp hoặc khảo sát để lắng nghe ý kiến và gợi ý tên mới từ người dân?
- Việc tham vấn cộng đồng và các bên liên quan là phương pháp rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới.
Tham vấn cộng đồng có thể giúp phát hiện những ý tưởng và gợi ý tên gọi mới mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa nghĩ đến. Người dân có thể có cách nhìn khác và cung cấp nhiều thông tin quý về lịch sử, văn hóa cũng như các yếu tố đặc biệt khác của địa phương.
Bên cạnh đó, tham vấn cộng đồng cũng giúp tạo ra sự minh bạch và công bằng trong quá trình đặt tên đơn vị hành chính mới, giúp tránh gây ra tranh cãi hay phản đối từ cộng đồng sau này. Trên hết, việc tổ chức cuộc họp hoặc khảo sát để lắng nghe ý kiến và gợi ý tên đơn vị hành chính mới sẽ giúp xây dựng sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng.
Hình thức ghép tên được áp dụng nhiều
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tất cả 56 tỉnh, thành phố có đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã gửi phương án tổng thể. Theo đó, tổng số huyện thực hiện sắp xếp là 50 đơn vị, sau khi sắp xếp dự kiến giảm 14 đơn vị. Cấp xã có 1.243 đơn vị, sau khi sắp xếp dự kiến giảm 619 đơn vị.
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, nhiều xã, phường, thị trấn phải sáp nhập, đổi tên. Các địa phương đã tổ chức chọn tên mới, lấy ý kiến người dân trước khi quyết định. Quá trình đó dẫn đến ít nhiều tranh cãi vì một số trường hợp đổi hoàn toàn tên đơn vị hành chính vốn là những địa danh có lịch sử lâu đời, gắn liền với một vùng đất. Điển hình gần đây nhất là trường hợp chính quyền huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa dự kiến đổi tên thị trấn Diên Khánh thành phường Phú Thành; sáp nhập 2 xã Diên Hồng và Diên Xuân thành xã Đồng Xuân.
Trước đó, dư luận cũng tranh cãi về việc một số đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội dự kiến được đặt tên mới "một cách máy móc". Ví dụ, ở huyện Thường Tín, 2 xã Liên Phương và Hà Hồi sáp nhập, đặt tên mới là Hà Liên; xã Vạn Điểm sáp nhập xã Vạn Nhất thành xã Vạn Nhất. Ở quận Đống Đa, 2 phường Quốc Tử Giám và Văn Miếu sáp nhập, đặt tên mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được cho là khiên cưỡng, dài dòng...
Thống kê cho thấy có 3 hình thức đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập: Đặt tên mới hoàn toàn, giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập và ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau. Trong đó, cách đặt tên đơn vị hành chính mới theo công thức lấy mỗi đơn vị một chữ ghép lại để thành tên mới rất phổ biến ở nhiều tỉnh, thành như Hải Dương, Thái Bình, Đà Nẵng...
H.Giang
Bình luận (0)