Trong gần một thế kỷ đồng hành với dân tộc Việt Nam, bên cạnh những thành tựu về chính trị, kinh tế và quân sự, dấu ấn lớn mà Đảng ta để lại chính là vai trò tiên phong trong việc định hình và dẫn dắt văn hóa - hồn cốt của dân tộc.
Từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận ra văn hóa không chỉ đơn thuần là biểu tượng tinh thần mà còn là mặt trận quan trọng, gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng. Tinh thần ấy được thể hiện rõ ràng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - một bản tuyên ngôn đầy tính khai phá, khẳng định văn hóa phải phục vụ kháng chiến, kiến quốc, gắn liền với các nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII năm 1998 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được coi là bước ngoặt quan trọng. Trong đó, Đảng khẳng định văn hóa là "nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển". Đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, "văn hóa còn thì dân tộc còn".
Những tư tưởng trên không chỉ mang tính chiến lược mà còn là lời hiệu triệu để cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và từng cá nhân chung tay xây dựng một nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc, vững vàng hội nhập trong kỷ nguyên mới.
Nhờ định hướng đúng đắn của Đảng, những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc đã được bảo tồn và lan tỏa không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, ghi danh, trở thành biểu tượng của sự trường tồn và sức mạnh sáng tạo. Đó là nhã nhạc cung đình Huế với hơi thở vàng son của lịch sử một triều đại; là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - bản trường ca bất tận về núi rừng và con người nơi đại ngàn; là hát xoan Phú Thọ với những khúc ca cổ về nguồn cội và đời sống văn hóa tổ tiên...
Văn hóa Việt Nam cũng không ngừng đổi mới để thích nghi với sự thay đổi của thời đại. Các bộ môn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương đã được thổi luồng gió mới thông qua những dự án sáng tạo, vừa giữ được tinh hoa dân tộc vừa chạm đến nhịp sống đương đại.
Nhiều nghệ sĩ đã và đang mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng thế giới nhờ những buổi biểu diễn tại các sân khấu quốc tế. Điện ảnh, âm nhạc hiện đại cũng có những bước phát triển đầy ấn tượng, là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình mạnh mẽ của văn hóa - nghệ thuật.
Quan trọng hơn, văn hóa còn trở thành một động lực kinh tế quan trọng. Ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, từ bài học lịch sử và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng văn hóa Việt Nam - với cội rễ vững chắc và tinh thần đổi mới không ngừng - sẽ tiếp tục tỏa sáng, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa Việt Nam và thế giới.
Bình luận (0)