Nhà báo PHẠM HỒNG KỲ - Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động khu vực phía Bắc:
Tự hào vô bờ bến
Bạch Long Vỹ là đảo tiền tiêu, xa bờ nhất trên vịnh Bắc Bộ thuộc TP Hải Phòng. Phải mất nhiều giờ di chuyển bằng tàu cao tốc, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Báo Người Lao Động do Thiếu tướng Bùi Quốc Oai (nay là Trung tướng) - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và nhà báo Tô Đình Tuân - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - dẫn đầu mới tới đảo tiền tiêu nằm gần như giữa vịnh Bắc Bộ trong một ngày đầu thu tháng 9-2020.
2.000 lá cờ Tổ quốc đã vượt sóng gió vịnh Bắc Bộ đến với quân và dân huyện đảo Bạch Long Vỹ. Nhìn lá cờ đỏ thắm với ngôi sao vàng 5 cánh tung bay trên hòn đảo anh hùng nằm giữa biển, ai cũng xúc động. Tôi còn nhớ lúc đó, ông Trần Quang Tường - Thành ủy viên TP Hải Phòng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ - nói chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (nay là "Tự hào cờ Tổ quốc") có ý nghĩa to lớn, là món quà tinh thần vô giá. Theo ông Tường, bà con ngư dân ngoài việc mưu sinh còn nhận thấy trọng trách giữ gìn biển, đảo quê hương, bảo vệ ngư trường của chúng ta. Đối với ngư dân, lá cờ Tổ quốc tung bay trên các phương tiện ra khơi của ngư dân khiến họ như thấy Tổ quốc luôn bên mình; giúp họ vững tin, yên tâm hơn khi bám biển. Cũng vì thế, công việc của họ hiệu quả hơn, sản lượng đánh bắt tốt hơn, từ đó giúp ngư dân nâng cao thu nhập, đời sống.
Đón nhận những lá cờ Tổ quốc ngay trên hòn đảo tiền tiêu giữa vịnh Bắc Bộ, thiếu tá Phạm Văn Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vỹ (Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hải Phòng), không giấu được niềm vinh dự. Vị chỉ huy Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vỹ bày tỏ đây là động lực to lớn, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn không ngừng phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn cách mạng mới; quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bản Nậm Tần Mông 1 thuộc xã Pa Tần - xã duy nhất của huyện vùng cao Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu có đường biên giới với Trung Quốc. Xã có 15 bản, 4 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái, Mông. Đến với bản nằm trên độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển này thật không dễ dàng.
Đúng vào ngày kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2023), đoàn công tác trao tặng cờ Tổ quốc của Báo Người Lao Động đã đến với nơi đây. Khu vực đường lên bản Nậm Tần Mông 1 vừa trải qua trận mưa lớn khiến con đường đất chỗ khô, chỗ bùn ướt. Thứ đất đỏ ấy gặp mưa như quánh lại, bám chặt vào những bánh xe máy do các chiến sĩ chở chúng tôi lên bản. Để tăng độ bám, chống trơn trượt, bánh xe máy đã được gia cố thêm một vòng dây xích. Thế mà có đoạn bánh xe máy vẫn trượt đi, văng khỏi mặt đường khiến chúng tôi ngã dúi dụi.
Người chiến sĩ biên phòng chở tôi bảo giờ đi được xe máy là khá rồi. Trước đây, các anh từ đồn biên phòng lên bản phải cuốc bộ cả ngày trời. Khi lên bản công tác về, ai cũng được cho nghỉ một ngày vì đôi chân tê cứng, nhấc không nổi.
Đoạn đường khoảng chục ki-lô- mét nhưng phải mất hơn 2 giờ chúng tôi mới tới được nhà sinh hoạt cộng đồng của bản Nậm Tần Mông 1. Bày tỏ xúc động khi nhận lá cờ Tổ quốc từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", ông Lý A Lồng - ở bản Nậm Tần Mông 1 - nói đây là món quà rất ý nghĩa với dân bản, đặc biệt là được trao tặng đúng vào sinh nhật Bác Hồ kính yêu. "Tôi sẽ treo trang trọng trước nhà. Cờ Tổ quốc sẽ luôn nhắc nhở mỗi người dân nơi đây có ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền. Mỗi người dân chúng tôi nguyện là những "cột mốc sống" bảo vệ từng tấc đất biên cương" - ông Lý A Lồng nói.
Nhìn lá cờ Tổ quốc treo lên trước nhà đồng bào ở bản nơi phên dậu biên cương, chúng tôi trang nghiêm đứng chào mà trong lòng trào dâng xúc động...
5 năm qua, những chuyến đi như thế vẫn tiếp diễn. Theo hành trình, cờ Tổ quốc đến với đồng bào, ngư dân, chiến sĩ mọi miền đất nước, những chuyến đi để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng những người thực hiện chương trình. Đó là niềm tự hào vô bờ bến!
Nhà báo ĐẶNG HOÀNG DŨNG, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Trung:
Kỷ niệm sâu sắc về những chuyến đi
Qua 5 năm thực hiện chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" tại 8 tỉnh, thành khu vực miền Trung, chúng tôi có hàng chục chuyến lên rừng xuống biển, trao tặng hơn 243.000 lá cờ Tổ quốc. Với tôi, mỗi chuyến đi trao cờ là một kỷ niệm khó quên.
Tôi còn nhớ như in chương trình đầu tiên ở miền Trung diễn ra ngày 20-7-2019, tại đảo tiền tiêu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi - nơi ngư dân cắm mốc chủ quyền, gắn bó với biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam hàng trăm năm qua. Tại chương trình, đích thân Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân đã trao tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc cùng những phần quà ý nghĩa cho ngư dân địa phương.
Người dân Lý Sơn đón nhận cờ Tổ quốc trong niềm vui vô bờ. Ngư dân Dương Văn Giàu (ngụ xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) chia sẻ lẽ ra anh cùng với anh em ra khơi những ngày trước nhưng khi nhận tin được trao cờ Tổ quốc, anh quyết định ở lại nhận cờ rồi mới đi biển. Được nghe lời tâm sự của anh Giàu, chúng tôi thấy vui trong lòng.
Những lần sau đó, chương trình đến đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), Cù Lao Xanh (tỉnh Bình Định), đảo tiền tiêu Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị)… Sự kiện trao cờ ở đảo Cồn Cỏ thật sự đã để lại cho tôi nhiều cảm xúc khó tả. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Cồn Cỏ - nơi được xem là dấu mốc để vẽ đường cơ sở của lãnh hải Việt Nam. Kết thúc chuyến công tác tại Cồn Cỏ, bác "Sáu Bình" - tên gọi thân thương, gần gũi của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" - xúc động cảm tác 2 câu thơ: "Tiền tiêu đảo nhỏ canh biển lớn/ Cồn Cỏ anh hùng trải lá gan"… tặng đoàn công tác, khiến ai cũng xúc động.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là khi phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh, LĐLĐ tỉnh tổ chức trao tặng 4.000 lá cờ Tổ quốc và túi sơ cứu y tế cho đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tại cảng cá Cửa Sót vào ngày 14-12-2022. Lúc ấy, tôi thật sự lo lắng bởi thời điểm này cả nước đang diễn ra dịch COVID-19 nên không biết chương trình có thể diễn ra như dự kiến hay không. Cả đêm trước, tôi không tài nào ngủ được, phải gọi điện thoại liên tục với Biên phòng Cửa Sót để hỏi tình hình. Rất may, sáng hôm sau, tại xã Thạch Kim chưa có ca mắc COVID-19 nào nên chương trình vẫn diễn ra. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đến dự và cùng trao cờ cho ngư dân. Rất xúc động khi nhìn ngư dân mang khẩu trang đến nhận cờ.
Sau những đợt trao tặng cờ cho ngư dân vùng biển, chúng tôi tiếp tục hành trình lên rừng để thực hiện hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương". Mỗi chuyến lên rừng là một chặng đường đầy vất vả nhưng là niềm vui, kỷ niệm sâu sắc.
Ngày 24-7-2022, chúng tôi vượt gần 200 km đường núi quanh co từ TP Đồng Hới lên đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để trao 10.000 lá cờ Tổ quốc trong hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" cho đồng bào, chiến sĩ nơi đây. Chiều ở Cà Roòng trời mưa, đất đỏ đường trơn và đoàn chúng tôi cũng đến được từng nhà để trao tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ cho người dân vùng biên. Già làng Đinh Ho (74 tuổi) xúc động: "Việc xây đền thờ cho các anh linh là điều mà già cũng như dân bản mong mỏi. Được tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ nên bà con mình phấn khởi lắm!".
Tự hào và thật xúc động khi chúng tôi được Ban Biên tập giao phó kết nối thực hiện hợp phần "Đường cờ Tổ quốc", xây dựng các đường cờ tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), khu di tích lịch sử Bệnh xá Đặng Thùy Trâm (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và Nhà lưu niệm Bác Hồ (làng Dương Nổ, xã Phú Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nhìn bóng cờ Tổ quốc trang hoàng khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ngã ba Đồng Lộc, nơi tưởng niệm 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh anh dũng tại ngã ba Đồng Lộc, cảm xúc thật đặc biệt trào dâng. Chúng tôi xem đó là sự tri ân đối với các anh linh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nhà báo NGUYỄN HỒNG ÁNH, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên:
Bình yên dưới bóng cờ Tổ quốc
Giữa tháng 5-2019, tiễn phóng viên của Văn phòng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên ra bến tàu thực hiện chuyến ra khơi xa nửa tháng, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với ngư dân, để viết loạt bài trước khi ra mắt chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" (nay là "Tự hào cờ Tổ quốc"), trong lòng tôi không khỏi lo lắng. Ấy vậy mà khi thuyền trưởng Trần Khắc Thạch leo lên cột tàu để treo lá cờ mới, chuẩn bị ra khơi thì những mối lo tan biến, thay vào đó là niềm tự hào khó tả.
Dưới ánh nắng gay gắt của những ngày giữa tháng 5, đám cá con tung tăng bơi dưới bóng cờ mới treo, phủ bóng xuống mặt nước. Những con sóng chao thuyền với ngọn gió nồm thổi làm cho bóng cờ chẳng đứng yên, đàn cá con chắc phải mỏi vây lắm khi bơi trốn nắng. Tôi bất giác cười một mình khi chợt nhớ về những ngày bé học trường làng. Cả đám bạn cuốc bộ từ trường về nhà giữa nắng trưa nên rất mừng mỗi khi có đám mây nhỏ bay qua. Cả đám đua nhau chạy theo bóng đám mây để được mát. Vừa chạy vừa sợ gió thổi mây bay hướng khác.
Tôi được dự nhiều buổi chào cờ đặc biệt vào buổi sáng Tết dương lịch trên đỉnh Mũi Đại Lãnh ở Phú Yên, nơi được xem là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc. Đặc biệt không chỉ vì nơi diễn ra rất đỗi thiêng liêng mà còn là không khí buổi chào cờ. Không nhạc đệm, không âm thanh hỗ trợ, những người đến đây chỉ hát "mộc". Vậy mà khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên tấm bia đánh dấu Mũi Đại Lãnh, Quốc ca vang lên át cả tiếng gió, tiếng sóng vỗ vào gành đá. Đội mưa mà hát, gánh gió mà hát, họ như hát bằng chính trái tim của mình. Dưới bóng cờ phần phật bay trong gió biển, tôi bắt gặp ánh mắt của những em học sinh đủ các dân tộc sinh sống ở Phú Yên về đây dự lễ chào cờ và nhận học bổng của Báo Người Lao Động. Những ánh mắt trong veo, đầy niềm tự hào và khát vọng.
... Tiết trời đầu tháng 11 ở Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thật đẹp. Hôm cùng đoàn Báo Người Lao Động chào cờ, trao cờ, học bổng nơi cột cờ Lũng Cú năm 2022 là lúc sáng sớm, trời lạnh nhưng có nắng. Bóng nắng lên đến đâu, sương mù tan đến đó, những bản làng người Lô Lô ẩn hiện nơi chân núi. Núi Rồng với lá cờ lớn trên cột cờ đổ bóng, che mát cả bản nhỏ Lô Lô Chải nơi chân núi. Dưới bóng cờ, bóng núi ấy, những mái nhà tranh đang len khói trong sương từ những người mẹ thổi cơm sớm. Nơi đầu con đường nhỏ, bóng một cậu bé vội vã dắt trâu lên nương, chắc là để kịp về cắp sách đến trường. Tôi thoáng giật thót bởi cái vỗ vai nhẹ và giọng nói đặc sệt Quảng Trị của người anh thân thương trong đoàn: "Bình yên quá em!"...
Tôi may mắn được 2 lần đặt chân nơi cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia vào mùa hoa sim nở. Cả 2 lần đều để trao cờ cho chiến sĩ, người dân từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" và trao học bổng cho học sinh vùng biên giới. Cả 2 lần đều được chào cờ nơi một tiếng gà gáy đánh thức 3 nước này. Một chiến sĩ biên phòng tại đây nói chỉ khi có những hoạt động thật sự ý nghĩa như chương trình trao cờ Tổ quốc của Báo Người Lao Động thì lễ chào cờ mới được tổ chức ở cột mốc đặc biệt này.
Quốc kỳ được lực lượng biên phòng cửa khẩu Bờ Y kéo lên đỉnh cột cờ và Quốc ca vang lên trong một buổi chiều lộng gió, ai cũng cảm nhận như tim mình trào dâng niềm tự hào về một đất nước độc lập, lãnh thổ toàn vẹn. Tôi chợt nhìn xuống cụm hoa sim gần đó đang mùa nở rộ. Ánh nắng trong như rót mật giữa tháng 3 Tây Nguyên, chiếu qua lá cờ đỏ sao vàng đang bay phấp phới, in trên nền hoa sim tím. Thật đẹp! Vẫn là miền biên viễn nhưng màu hoa sim ấy chẳng còn tím một "chiều hoang biền biệt" mà như thắm hơn, rộn ràng hơn, bình yên hơn.
Đã qua rồi một thời dưới bóng cờ là tiếng hô xung phong át cả tiếng đạn bom, là những cái vuốt mặt vội vàng cho những người nằm lại. Dưới bóng cờ hôm nay là những bước nhảy tung tăng của các em nhỏ cắp sách đến trường, là những bếp nhà ấm lửa. Tổ quốc bình yên dưới bóng cờ.
Nhà báo TRẦN CÔNG TUẤN, phụ trách Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động khu vực đồng bằng sông Cửu Long:
Buổi đầu tiên, làm sao quên!
20 năm chính thức làm việc tại Báo Người Lao Động, tôi có duyên với việc được Ban Biên tập giao nhiệm vụ chọn địa điểm mở màn cho những chương trình lớn của báo, trong đó có chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" (tiền thân là chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển"), diễn ra tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu vào ngày 1-6-2019.
Công tác chuẩn bị cho chương trình mở màn này rất gấp rút, trong khi các đầu mối liên hệ tại tỉnh Bạc Liêu còn rất mơ hồ. Thời điểm ấy, cơ quan chủ quản của báo đang là LĐLĐ TP HCM nên tôi được giao nhiệm vụ liên hệ với LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu để phối hợp trong việc chọn ngư dân từ các nghiệp đoàn nghề cá đến nhận cờ Tổ quốc, ngư cụ và túi sơ cứu y tế. Sau đó, tôi liên hệ với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu để nhờ chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ thực hiện chương trình. Khi được giới thiệu về chương trình này, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đồng ý ngay. Giám đốc sở nhận thấy chương trình rất có ý nghĩa đối với ngư dân tỉnh nhà cũng như ngư dân cả nước nên đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với Báo Người Lao Động gấp rút chọn 20 ngư dân tiêu biểu để tham dự chương trình.
Sáng 1-6-2019, tại Quảng trường Hùng Vương - quảng trường lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long - đông nghịt người dân đến theo dõi Tuần lễ. Giữa dòng người đông đúc ấy, việc tìm kiếm 20 ngư dân tại quảng trường khiến chúng tôi… toát mồ hôi hột. Đến sát giờ khai mạc, chúng tôi phát hiện họ đang ngồi ở một góc xa của quảng trường. Quanh năm vươn khơi bám biển và làm bạn với sóng gió giữa trùng khơi nên có lẽ những ngư dân này cảm thấy choáng trước dòng người đang ngồi kín cả quảng trường để chờ sự kiện lớn nhất sắp diễn ra tại tỉnh nhà. Chúng tôi nắm chặt tay từng người, trao từng chiếc áo cờ đỏ sao vàng và hướng dẫn họ mặc để dự lễ.
Sau các nghi thức của lễ khai mạc Tuần lễ Biển và Hải đảo, Ban Tổ chức đã trân trọng sắp xếp chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" diễn ra một cách trang trọng. Từng ngư dân được gọi tên bước lên sân khấu để nhận những lá cờ Tổ quốc tươi thắm, còn thơm mùi vải mới khiến họ rất xúc động. Phía dưới quảng trường, tiếng vỗ tay vang lên liên hồi khi lãnh đạo của Chính phủ và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cùng trao cờ Tổ quốc, ngư cụ và túi sơ cứu y tế cho 20 ngư dân tiêu biểu.
Kết thúc buổi lễ, những ngư dân này không chịu về mà cố nán lại để nhờ phóng viên chụp giúp nhiều bức ảnh họ đang ôm trong tay những lá cờ Tổ quốc mới tinh cùng chiếc áo cờ đỏ sao vàng đang mặc với lý do "quá cảm xúc, quá vui, quá tự hào và quá yêu quê hương, đất nước".
Chiều hôm đó, đoàn tiếp tục di chuyển về Mũi Cà Mau để sáng hôm sau thực hiện nghi thức chào cờ và trao cờ Tổ quốc đến ngư dân ở vùng cực Nam của Tổ quốc. Do trực tiếp chứng kiến chương trình mở màn tại Bạc Liêu nên một phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo lực lượng biên phòng Đất Mũi và các đơn vị liên quan tổ chức buổi lễ chu đáo, diễn ra rất trang nghiêm nhưng rất ấm áp tại Tượng đài Mũi Cà Mau - tượng đài có biểu tượng hình con thuyền đánh dấu lãnh thổ quốc gia, có ý nghĩa vô cùng quan trọng và thiêng liêng, thể hiện niềm tự hào của người dân đất Việt.
"Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau". Hai câu thơ trong bài thơ "Mũi Cà Mau" của nhà thơ Xuân Diệu được một ngư dân ngân nga sau buổi lễ chào cờ và nhận cờ Tổ quốc làm tôi nhớ mãi nguyên vẹn cảm xúc của những ngày đầu thực hiện chương trình.
Bình luận (0)