Theo TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Vương quốc Chăm Pa phát triển hưng thịnh nhất vào các thế kỷ IX - X, XI - XII. Sau thế kỷ XV, do những thăng trầm lịch sử, trung tâm của Vương quốc Chăm Pa dịch chuyển dần về phía Nam. Lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Chăm Pa cũng có nhiều biến đổi, mang những sắc thái mới. Giai đoạn từ năm 1692 (khi chúa Nguyễn đặt trấn Thuận Thành trên vùng đất Chăm Pa) đến năm 1832 (khi Chăm Pa chính thức sáp nhập vào Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng), những vấn đề về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật Chăm Pa còn ít được quan tâm, nghiên cứu.
Tại trưng bày "Báu vật Chăm Pa - Dấu ấn thời gian", lần đầu tiên những hiện vật tiêu biểu như tượng thần Shiva, tượng nam thần, nữ thần, tượng thần Ganesha, tượng Phật, tượng Bồ tát Avalokitesvara, linga - yoni, kosalinga, đầu thần Shiva, tượng bò thần Nandin… bằng chất liệu vàng, bạc gắn đá quý ra mắt công chúng.
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn, thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn công chúng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử văn hóa của Chăm Pa dường như lâu nay còn ít được biết tới.
"Báu vật Chăm Pa - Dấu ấn thời gian" diễn ra đến tháng 10-2024.
Bình luận (0)