xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đau đầu với ô nhiễm trắng

NHÓM PHÓNG VIÊN

Ô nhiễm trắng do rác thải nhựa, túi ni-lông đang gia tăng cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, gọi món online...

Tại một hội thảo mới đây, ông Đoàn Quốc Tâm, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), dẫn số liệu cho thấy mua sắm trực tuyến ở Hàn Quốc và Mỹ tạo ra lượng rác thải bao bì nhiều gấp lần lượt 4,8 lần và 7 lần so với tiêu dùng truyền thống. Tại Việt Nam, cứ 1 tỉ kiện, gói hàng mua online sẽ sử dụng 80.000 tấn nhựa các loại - cao hơn so với Trung Quốc.

Khó "nói không" với bao bì nhựa

Riêng năm 2023, lĩnh vực bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam ghi nhận tới 1,84 tỉ kiện, gói hàng hóa - tương đương sử dụng 160.000 tấn carton và 145.000 tấn nhựa các loại. Bên cạnh đó, quy mô dịch vụ gọi đồ ăn đạt 1,4 tỉ USD, tạo ra 26.000 tấn rác thải bao bì, dụng cụ nhựa.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, cho rằng thách thức lớn của TMĐT trong thời gian tới là phải phát triển theo hướng xanh, bền vững. "Nếu khách đến quán ăn trực tiếp thì quán chỉ cần rửa 3 loại dụng cụ, còn bán mang về thì phải dùng đến 6 loại bao bì, vật dụng" - ông so sánh.

Thực tế, nhiều người kinh doanh đã bắt đầu có ý thức giảm sử dụng bao bì nhựa nhưng vẫn không thể "nói không" hoàn toàn. Chị Lê Hồng Diệu (quận 8, TP HCM) mới bắt đầu bán thực phẩm online hơn 2 tháng nay nhưng đã đau đầu với bài toán bao bì. Chị đang phải dùng đến 3 loại bao bì, gồm túi giấy xi-măng đựng thực phẩm đông lạnh, túi giấy trong đựng thực phẩm khô và túi ni-lông đựng trái cây.

"Tôi muốn chuyển hẳn sang dùng túi giấy, chấp nhận tốn thêm chi phí nhưng hàng hóa là trái cây thường nặng tới vài ký, túi giấy không đáp ứng được yêu cầu bảo quản. Còn nếu sử dụng túi vải thì quá đắt, làm đội giá thành lên rất nhiều, không còn lợi nhuận. Rốt cuộc, túi ni-lông vẫn là chủ yếu" - chị Diệu thừa nhận.

Chị Trần Thu Hương (quận 3, TP HCM), chuyên bán đồ ăn handmade, mới đây đã tìm được bao bì giấy, hộp bằng bìa carton phù hợp đựng bánh và thực phẩm khô. Đa số khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền cho loại bao bì thân thiện với môi trường này. Tuy nhiên, với các món ăn liền như phở, hủ tiếu, cơm, trà sữa..., hầu như chị vẫn phải sử dụng túi, bịch bằng nhựa.

"Cạnh tranh trên TMĐT rất gay gắt. Các nền tảng tính chiết khấu rất cao nên người kinh doanh những sản phẩm đại trà buộc phải cạnh tranh bằng giá. Do đó, bao bì rẻ, tiện dụng là lựa chọn hàng đầu" - chị Thu Hương nhận xét.

Trong khi đó, các siêu thị có lợi thế khi sử dụng 100% túi tự hủy thân thiện với môi trường cho các đơn hàng trực tiếp và cả bán hàng online. Tuy nhiên, vì đơn hàng online thường được đóng gói tại kho và giao qua bộ phận vận chuyển riêng - có thể là của siêu thị hoặc đơn vị giao nhận chuyên nghiệp, nên việc bảo đảm chất lượng hàng hóa là ưu tiên hàng đầu.

"Vì vậy, đa số đơn hàng vẫn phải đóng thùng rồi quấn thêm ni-lông bên ngoài hoặc cố định bằng ni-lông và băng keo để tránh xô lệch, hư hỏng" - đại diện một hệ thống siêu thị cho biết.

Dịch vụ gọi món online có ưu điểm là tiện lợi, phù hợp với cuộc sống bận rộn nhưng gây ra lượng rác thải nhựa lớnẢnh: HOÀNG TRIỀU

Dịch vụ gọi món online có ưu điểm là tiện lợi, phù hợp với cuộc sống bận rộn nhưng gây ra lượng rác thải nhựa lớn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lazada là một trong số không nhiều nền tảng thương mại điện tử triển khai giải pháp đóng gói tiết kiệm, giảm rác thải nhựaẢnh: CHI NGUYỄN

Lazada là một trong số không nhiều nền tảng thương mại điện tử triển khai giải pháp đóng gói tiết kiệm, giảm rác thải nhựa. Ảnh: CHI NGUYỄN

Loay hoay "thế nào là xanh"?

Mối nguy từ ô nhiễm trắng đòi hỏi các doanh nghiệp trong hệ sinh thái TMĐT - từ nhà sản xuất, cung ứng đến nền tảng bán lẻ - đều phải tích cực sử dụng vật liệu bền vững, có thể tái chế.

Nhấn mạnh chiến lược kinh doanh lấy phát triển bền vững làm cốt lõi, trong khâu đóng gói hàng hóa, sàn TMĐT Lazada đã triển khai sử dụng thùng carton từ những nhà cung cấp do Hội đồng Quản lý rừng (FSC) chứng nhận. Lazada tái sử dụng thùng carton làm vật liệu lấp đầy trong bao bì, thúc đẩy khả năng tái chế và giảm nhu cầu sử dụng vật liệu nhựa. Nền tảng này cũng phát hành cẩm nang "Đóng gói hàng hiệu quả, thân thiện với môi trường" dành cho nhà bán hàng năm 2022 với những lời khuyên thiết thực, giúp nhà bán tiết kiệm nguyên liệu, góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Trong khâu giao hàng, đại diện Lazada cho biết nền tảng ứng dụng công nghệ Geolocation vào tính năng Vehicle Route Planning, cho phép sử dụng định vị vệ tinh để xác định tọa độ vị trí kho của nhà bán hàng, khách hàng, bưu cục, trung tâm phân loại cũng như vị trí thực tế của shipper. Từ đó, hệ thống sẽ chỉ ra tuyến đường tốt nhất cho từng shipper để giảm thời gian di chuyển, giúp giảm tiêu hao nhiên liệu và tăng hiệu quả vận hành.

Đề cập cách làm khác, ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam, cho hay nền tảng này luôn cố gắng tạo "trend" khuyến khích tiêu dùng xanh, chống rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của người nổi tiếng, hoa hậu... để tăng sức lan tỏa.

Theo đại diện TikTok Shop, với việc triển khai sáng kiến GreenUp, nền tảng này cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có quy trình sản xuất đạt chuẩn bền vững đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

"Tháng 9-2024, TikTok Shop phối hợp với thương hiệu Mollis thuộc Tổng Công ty CP Phong Phú - một trong những đơn vị sản xuất khăn bông bền vững - triển khai tham quan, livestream bán hàng tại nhà máy. Với sự đồng hành của các nhà sáng tạo nội dung hàng đầu, Mollis đã bán ra hơn 7.000 sản phẩm chỉ sau 4 giờ livestream" - đại diện TikTok Shop thông tin.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Lâm Thanh, TikTok vẫn đang loay hoay với câu hỏi "thế nào là xanh?". "Sản phẩm được nhà sản xuất quảng cáo là xanh nhưng có thực sự giảm thải carbon, ít rác thải nhựa không? Nếu chúng tôi xây dựng "trend" quảng bá mà chưa xác thực được sản phẩm thì sẽ tạo hiệu ứng không tốt, các đối tượng dễ trục lợi chính sách, ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội" - ông Thanh nêu vấn đề. 

Thúc đẩy vận chuyển xanh

Về việc sử dụng xe điện để giao hàng, đại diện Lazada cho hay đây là một phần trong chuỗi giải pháp xanh hóa mà nền tảng này đang triển khai tại Việt Nam và một số thị trường khác. Nhờ đó, thời điểm này, Tập đoàn Lazada đã giảm được 40% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với 1 năm trước.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng Dự án Phát triển giao hàng xe điện của Ahamove, nhìn nhận phần lớn người dùng TMĐT của Việt Nam thuộc thế hệ Z với tư duy tiêu dùng chuyển từ ưu tiên giảm giá sang trải nghiệm chất lượng và đề cao tính bền vững. Nắm bắt xu hướng đó, Ahamove đã triển khai 250 xe máy điện với lộ trình hơn 1 triệu km xanh, giúp giảm 627 tấn khí CO2 thải ra môi trường.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo