Ngày 9- 9, tại TP HCM, Báo Tiền Phong cùng Công ty CocaCola Việt Nam phát động chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối" nhằm mục đích nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc phân loại và tái chế rác thải nhựa.
Theo kế hoạch, các máy thu gom chai và lon sẽ được lắp đặt tại 5 trường ĐH, gồm: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), Trường ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Công thương, Trường ĐH Gia Định, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và khu dân cư thuộc Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei Việt Nam. Chai và lon sau khi được thu gom sẽ được xử lý để tái chế.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, cho biết là những người trẻ, sinh viên có vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa. Thông qua chương trình "Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối", ban tổ chức mong muốn góp phần xây dựng thói quen nhỏ góp phần tạo tác động to lớn để hướng tới tầm nhìn "Vì một thế giới không rác thải".
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 280.000 - 730.000 tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Rác thải nhựa đang là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong thế kỷ 21. Lượng nhựa sản xuất và tiêu thụ ngày càng tăng đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể lượng rác thải nhựa trên toàn cầu. Vấn đề này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Bình luận (0)