Đầu tiên, Pháp cấm các siêu thị vứt bỏ thực phẩm không bán được, đồng thời luật hóa "trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất", buộc các nhà sản xuất lớn phải chịu trách nhiệm tài chính cho lượng rác thải họ tạo ra, ngay cả sau khi sản phẩm đã được bán.
Năm 2020, Pháp thông qua một luật chống lãng phí mang tính bước ngoặt, đưa ra hàng chục mục tiêu về ngăn ngừa rác thải, tăng cường tái chế…, bao gồm mục tiêu quốc gia nhằm loại bỏ nhựa dùng một lần vào năm 2040. Luật này cấm các công ty thời trang tiêu hủy hàng hóa không bán được, yêu cầu mọi tòa nhà công cộng lắp đặt vòi nước và đề xuất nhãn "chỉ số khả năng sửa chữa" cho một số mặt hàng điện tử nhất định.
Theo kế hoạch hành động ngăn ngừa rác thải của Pháp giai đoạn 2021-2027, việc giảm rác thải sẽ mang lại vô số lợi ích, từ việc tăng cường đa dạng sinh học và cải thiện hệ thống thực phẩm đến giảm tác động của biến đổi khí hậu. Để đạt được tất cả lợi ích này, theo Bộ Chuyển đổi sinh thái Pháp, các vùng phải phát triển chiến lược riêng từ kế hoạch chống lãng phí quốc gia, sâu hơn nữa là cần sự chung tay của cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, gia đình, cá nhân... Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để khiến người dân thay đổi hành vi?
Có thể tham khảo kỹ hơn trường hợp của Roubaix, nơi được Ủy ban châu Âu chọn là 1 trong 12 điểm hàng đầu trong Liên minh châu Âu có tiềm năng lớn nhất về "chu trình tuần hoàn" - tức vừa bảo tồn tài nguyên vừa giảm rác thải - vào năm 2022. Bắt đầu từ năm 2015, Roubaix đã phát động một chiến dịch thử nghiệm nhằm hướng dẫn 100 gia đình cách giảm rác thải. Những gia đình này tham gia tự nguyện, không hề được hỗ trợ tài chính.
Trong chương trình kéo dài một năm, họ được hướng dẫn các chủ đề như: tự làm sữa chua, dọn dẹp bằng sản phẩm tự chế, ủ phân bằng rác hữu cơ… Theo ban tổ chức, qua những thay đổi nhỏ trong lối sống, các gia đình tham gia sớm nhất đã tiết kiệm trung bình 1.000 euro/ năm. Ngoài ra, 70% số gia đình này giảm được 50% lượng rác thải và 25% giảm được tới hơn 80%.
Bình luận (0)