Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đồng Nai, kết quả quan trắc nước mặt tại các khu vực nuôi cá bè La Ngà, Tân Mai, Ba Xê đều ô nhiễm hữu cơ do trong quá trình nuôi trồng thủy sản phát sinh nhiều thức ăn dư thừa, chất thải sinh hoạt của các hộ dân dẫn đến vượt khả năng tự làm sạch nguồn nước.
Vượt quy chuẩn
Cụ thể, ở khu vực nuôi cá bè Tân Mai (quan trắc tại 3 vị trí hợp lưu suối Săn Máu, giữa làng cá bè và hợp lưu suối Linh), ở thời điểm quan trắc từ ngày 24 đến 28-3-2023, có một số thông số vượt quy chuẩn gồm: DO=4,9 mg/l; E.Coli vượt từ 48 - 700 lần và Coliform vượt 1,8 - 18,6 lần.
Tương tự, khu vực làng cá bè La Ngà, kết quả quan trắc tại 5 vị trí trên hồ Trị An chỉ số E.Coli vượt 4,6 - 9,8 lần; sắt vượt 1,1 - 1,9 lần; chất lơ lửng vượt 1,1 - 1,8 lần.
Tại khu vực hạ lưu sông Đồng Nai (sông Đồng Nai đoạn 2, từ sau cửa đập Hồ Trị An đến bến đò Biên Hòa), kết quả quan trắc nước mặt từ ngày 1 đến 27-2-2023, có một số thông số vượt quy chuẩn gồm: E.Coli vượt 2,2 - 15,8 lần; Coliform vượt 1,1 lần. Các phụ lưu của sông Đồng Nai đoạn 2 gồm: Hồ Mo Nang, cầu Tân Trạch và cống Ông Hường vào thời điểm quan trắc ô nhiễm chủ yếu do chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, dinh dưỡng và vi sinh.
Sông Đồng Nai đoạn 3, tại 4 vị trí cầu Rạch Cát, cầu Bửu Hòa, cầu An Hảo, cầu Đồng Nai, kết quả quan trắc cho thấy chỉ số Amoni vượt 1,2 lần, E.Coli vượt 46 - 158 lần, Coliform vượt 1,6 - 7 lần, sắt vượt 1,04 - 1,1 lần...
Đối với các suối trên địa bàn TP Biên Hòa như suối Linh, suối Săn Máu, suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Tân Mai và suối Siệp bị ô nhiễm hữu cơ cao do đây là nguồn tiếp nhận chủ yếu của nước thải sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết mạng lưới quan trắc môi trường sông, suối gián đoạn, định kỳ trên địa bàn tỉnh có 169 vị trí, gồm 19 sông, 21 hồ, 56 suối, rạch nhỏ... Trong đó, có nhiều vị trí ở thượng nguồn, trung nguồn và hạ lưu sông Đồng Nai. Quan trắc tự động có 11 vị trí/11 trạm (5 trạm do địa phương theo dõi và 6 trạm do Trung tâm Quan trắc miền Bắc quản lý, theo dõi).
Kết quả quan trắc năm 2023, bảo đảm chỉ tiêu khai thác nước mặt, song sở lưu ý ngã 3 sông, suối Linh, suối Săn Máu… bị ô nhiễm hữu cơ vào mùa mưa khi các chất hữu cơ trôi xuống.
Nguồn nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm
Kết quả phân tích mẫu quan trắc chất lượng nước lưu vực sông Buông của Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai trong tháng 2 và 4-2023 tại 4 vị trí cho thấy chất lượng nước ở mức xấu đến trung bình. Cụ thể tại 3 vị trí gồm: cầu An Viễng (huyện Long Thành), cầu Khu Du lịch Giang Điền (huyện Trảng Bom), cầu sông Buông (TP Biên Hòa) chất lượng nước xấu. Nguồn nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ với nồng độ dinh dưỡng và vi sinh cao.
Còn vị trí sông Buông cách điểm hợp lưu với sông Đồng Nai khoảng 500 m ở TP Biên Hòa, chỉ số chất lượng nước ở mức trung bình. Hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng và vi sinh xấp xỉ vượt ngưỡng. Nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm sông Buông là do các nguồn thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp, chế biến khoáng sản ven sông…
Theo lãnh đạo UBND phường Phước Tân (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), dọc sông Buông, đoạn qua phường có 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400 ha. Trong đó, một số đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã, đang trực tiếp và gián tiếp gây nên tình trạng ô nhiễm sông Buông.
Cuối tháng 3-2023, UBND TP Biên Hòa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 140 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tài nguyên xanh Toàn Cầu về 2 hành vi rửa đá không có giấy phép môi trường theo quy định và xây lắp, lắp đặt thiết bị đường ống xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường sông Buông. Đồng thời đình chỉ hoạt động và buộc di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch.
Nhằm cứu sông Buông, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN- MT tỉnh Đồng Nai, cho biết sở đang thực hiện dự án đánh giá tổng thể mức độ ảnh hưởng hoạt động khai thác khoáng sản của cụm mỏ đá Phước Tân đến môi trường sông Buông để trình UBND tỉnh đưa ra phương án cải tạo, từng bước phục hồi môi trường.
Đối với tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đại diện Phòng Thanh tra Sở TN-MT tỉnh cho biết sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đồng thời đề nghị những DN sản xuất trên địa bàn xử lý nước thải theo đúng quy định trước khi thải ra môi trường, không gây ô nhiễm để tránh thiệt hại và bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Riêng với các DN xả thải, ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu, kết quả mẫu nước vượt so với quy chuẩn cho phép, hiện sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử phạt đối với 3 DN. "Việc DN xả thải không đúng theo quy chuẩn, thông số đều ảnh hưởng đến môi trường" - lãnh đạo này thông tin.
Đua nhau lấn chiếm
Liên quan tình trạng ô nhiễm kênh Rạch Bà, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo Phòng TN-MT TP Vũng Tàu, năm 1993, bề rộng lòng kênh của toàn tuyến từ 8-18 m. Nhưng hiện nay lòng kênh Rạch Bà đã bị thu hẹp, trung bình chỉ còn 4 m.
Nhiều khu vực bờ kênh bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa, công trình, trồng trọt... Kênh Rạch Bà đã không còn phát huy được vai trò là kênh thoát nước chính của thành phố mà đã trở thành một cái ao lớn tù đọng nước và ô nhiễm nghiêm trọng. Xung quanh dòng kênh này có hàng chục cơ sở chế biến hải sản có phép lẫn không phép. Một số cơ sở có biểu hiện đối phó với cơ quan chức năng khi thanh tra, kiểm tra, lén lút xả thải ra kênh.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm kênh Rạch Bà, TP Vũng Tàu đã nhiều lần khảo sát, giám sát, xử lý các hành vi gây ô nhiễm. Đồng thời yêu cầu các cơ sở chế biến hải sản trong thời gian chờ di dời phải có những giải pháp tổng thể, xử lý các chất thải phát sinh đạt chuẩn trước khi xả thải; ngăn chặn các nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống dẫn nước thải thoát ra khu vực Cửa Lấp.
Địa phương cũng đang lên kế hoạch triển khai giai đoạn 2 hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị của thành phố để hạn chế mùi hôi trong quá trình thu gom nước thải và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Truy trách nhiệm người đứng đầu
Đối với ô nhiễm tại suối Reo, lãnh đạo UBND huyện Thống Nhất và đại diện các phòng, ban, địa phương đã đi kiểm tra và nhận thấy vẫn còn tình trạng xả nước thải, rác thải, xác động vật ra suối. Đây là nguyên nhân chính gây nên tình trạng tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường.
Ông Mai Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vứt rác bừa bãi và xả thải ra môi trường, nhất là các trang trại chăn nuôi xả trực tiếp ra các con suối...
Ông Hiền cũng lưu ý cần có những biện pháp đồng bộ, quyết liệt để trả lại sự trong sạch cho các dòng suối. "Nơi nào để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đó phải chịu trách nhiệm" - ông Hiền nhấn mạnh.
Bình luận (0)