Ngày mai 15-2, tức mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều lễ hội quan trọng chính thức khai hội.
Tại khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, lễ khai hội được tổ chức với những nghi thức đặc biệt. Chính hội diễn ra từ ngày mùng 6 - 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn.
Là nơi thờ tự Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử theo truyền thuyết của dân tộc Việt Nam, lễ hội Gióng một trong những lễ hội lớn và quan trọng bậc nhất trong văn hóa tín ngưỡng của người dân Hà Nội.
Lễ hội nổi tiếng với nghi thức cung tiến 8 lễ vật truyền thống dâng Đức Thánh. 8 lễ vật này gồm: trầu cau, cầu húc, ngà voi, cỏ voi, nữ tướng trẻ, ngựa sắt, voi chiến và đặc biệt là giò hoa tre. Trong số những lễ vật, giò hoa tre luôn được quan tâm nhiều nhất.
Tục truyền, Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng cây gậy sắt dài hơn 10 trượng. Gậy sắt gãy, Thánh Gióng đã nhổ những khóm tre Đằng Ngà để đánh giặc. Khi đánh về tới huyện Sóc Sơn thì cây tre bị dập nát, bông lên nhuộm với màu của bụi đường nên trông giống như những bông hoa có màu vàng óng.
Để tưởng nhớ công ơn của Ngài vào mỗi dịp Xuân về, hội mở dân làng Vệ Linh (xã Phù Linh) lại làm ra những bông hoa bằng tre dâng lên đức Thánh Gióng, cầu mong ngài phù hộ, độ trì cho nhân dân được sức khỏe, bình an, may mắn.
Tục lệ xin giò hoa tre của Đức thánh Phù Đổng Thiên Vương đã có từ rất lâu. Trong quan niệm của rất nhiều người, xin được giò hoa tre thì sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc hàng ngày.
Lễ khai hội chùa Hương cũng diễn ra vào ngày 15-02 tại Sân chùa Thiên Trù - Chùa Hương.
Điểm nổi bật của Lễ hội Chùa Hương năm 2024 là Ban Tổ chức tiếp tục tập trung đổi mới công tác tổ chức lễ hội đảm bảo an toàn, văn minh và thân thiện. Thượng tọa Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương cho biế tất cả các tự viện đã chuẩn bị đầy đủ vật chất, tăng ni phật tử, nghi lễ, triển lãm lễ hội Phật giáo…
Để mùa lễ hội năm 2024 diễn ra an toàn, tiết kiệm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT-DL vừa có văn bản yêu cầu Sở VH-TT-DL Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội giám sát chặt chẽ những lễ hội tập trung đông người trên địa bàn.
Cụ thể, Hà Nội giám sát chặt chẽ lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức, lễ hội đền Sóc, huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội, nhằm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan. Trong đó, lưu ý địa phương tổ chức lễ hội phải bảo đảm trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống và các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.
Thực hiện các giải pháp nhằm loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội.
Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi…
Bình luận (0)