Kết thúc quý I/2024, các loại nông sản Việt Nam như: cà phê, gạo, hồ tiêu, sầu riêng, chuối... đắt hàng trên thị trường quốc tế, với tăng trưởng xuất khẩu đạt những con số kỷ lục.
Nhiều mặt hàng chủ lực lên ngôi
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chuối là một trong những mặt hàng chủ lực của ngành rau quả Việt Nam với giá trị xuất khẩu hơn 89 triệu USD trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ tăng về giá trị, chuối Việt Nam xuất hiện trên các kệ hàng lớn ở siêu thị nước ngoài ngày càng nhiều.
Tại tọa đàm về kết nối chuỗi cung ứng quốc tế do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam kiêm Giám đốc AEON Topvalu thị trường Trung Quốc (thuộc Tập đoàn AEON - Nhật Bản), cho biết từ năm 2023 đến nay, hơn 90 cửa hàng AEON tại Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ bán chuối tươi nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, chuối tươi bán tại chuỗi cửa hàng này do các nhà cung cấp từ Ecuador, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) đảm nhận.
"Chúng tôi đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng từ Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD hàng Việt vào hệ thống AEON đến năm 2025. Kế hoạch năm nay, AEON Topvalu sẽ tăng sản lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam lên gấp đôi. Một trong những lý do công ty chọn nhập khẩu chuối Việt Nam thay thế hoàn toàn nguồn cung từ các nước khác là vì đối tác tại Việt Nam đang sản xuất theo mô hình tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, phương hướng phát triển của tập đoàn AEON" - ông Yuichiro Shiotani nói.
Một tin vui khác được ông Yuichiro Shiotani tiết lộ là nhà phân phối đến từ Nhật Bản - Tập đoàn AEON, cũng đang trong lộ trình thay thế hoàn toàn xoài tươi thu mua từ Thái Lan, Philippines bằng xoài từ Việt Nam.
CEO của AEON Topvalu Việt Nam nhận định mặt hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển xuất khẩu. Đến nay, AEON đã xuất khẩu thanh long, chuối, vải, cá da trơn, tôm... với số lượng lớn sang một số thị trường và được người tiêu dùng yêu thích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng Phòng Phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Walmart, cho biết tại châu Á, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, trở thành quốc gia đưa hàng vào Walmart nhiều thứ 2 (sau Trung Quốc) và còn nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai. Với nhóm hàng nông sản, gần đây các doanh nghiệp (DN) Việt đã chào hàng xoài đông lạnh đến nhiều nước và đã có thành công nhất định. Tại thị trường Mỹ, xoài Việt Nam trở thành trào lưu, thay thế cho xoài từ Peru đang bị mất mùa.
Tuy nhiên, theo ông Trọng, DN Việt Nam chưa xuất khẩu trực tiếp được vào Walmart mà thông qua trung gian là DN thương mại có vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của chúng ta còn gặp khó khăn khi tìm chỗ đứng ở Walmart. Chẳng hạn như cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Walmart chưa nhiều, còn hạt điều Việt Nam thì chịu sức ép cạnh tranh lớn từ hàng Ấn Độ...
"Thực phẩm là lĩnh vực rất đặc thù, đòi hỏi DN có thương hiệu lớn, có thể đáp ứng tất cả điều kiện của các nhà phân phối quy mô toàn cầu. Việt Nam vẫn còn thiếu những thương hiệu lớn như vậy" - ông Trọng nêu thực tế.
Giữ cơ hội lâu dài
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến quý I/2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 13,54 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 7,46 tỉ USD, tăng mạnh nhất với 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Những mặt hàng tăng trưởng cao có thể kể đến như: cà phê 1,93 tỉ USD tăng 57,3%; gạo 1,387 tỉ USD, tăng 41,5%; rau quả 1,284 tỉ USD, tăng 30,8%...
Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), nhận định những biến động lớn trên thế giới hiện nay khiến các quỹ đầu tư trên thế giới đổ vào nông sản bởi tỉ suất lợi nhuận cao. Việc dòng tiền đổ vào các mặt hàng nông sản như: cà phê, hồ tiêu... dựa vào giá có xu hướng tăng do sản lượng sụt giảm, sẽ khiến giá những mặt hàng này càng tăng nóng trong thời gian tới.
"Chúng ta có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, quá trình tái cơ cấu các ngành hàng nông sản đã giúp nâng chất lượng các mặt hàng rất nhiều. Khi các thị trường nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu thì nông sản Việt Nam cũng đáp ứng tốt hơn các đối thủ nên giá được nâng cao" - ông Hiệp đưa ra triển vọng lạc quan.
Cũng theo ông Hiệp, Việt Nam giờ đây không còn là nguồn cung nông sản giá rẻ và đất đai dành cho trồng trọt bị giới hạn nên nông dân sẽ ưu tiên trồng những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên một diện tích đất. Để phát triển bền vững, Nhà nước cần quản lý tốt vùng trồng, kiểm soát sản lượng từng mặt hàng theo nhu cầu, tránh dư thừa cục bộ để không bị mất giá. Các DN cũng nên chia sẻ lợi nhuận hợp lý với nông dân để họ trở thành nguồn cung ổn định cho DN.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Cơ quan Phụ trách phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam (VACVINA), tăng trưởng xuất khẩu của các ngành nông sản chủ lực Việt Nam có nhiều yếu tố từ bên ngoài như xung đột chính trị, quân sự trên thế giới; thời tiết khắc nghiệt nên nguồn cung bị hụt đẩy giá tăng cao.
Ông Mười khuyến cáo: "Giá của nhiều mặt hàng nông sản đang ở mức rất cao nên mang tính nhất thời, thiếu bền vững. Nông dân cần thận trọng khi quyết định chuyển đổi cây trồng ở thời điểm này để tránh thiệt hại. Dù người mua đang cần hàng nhưng việc giữ chất lượng, uy tín vẫn phải tuân thủ".
Ông Mười lưu ý thị trường chính của nông sản Việt Nam là Trung Quốc và nước này không còn là thị trường dễ tính. "Trước đây, gần như nông sản nào cũng bán được cho Trung Quốc, chỉ là giá cao hay thấp nhưng hiện nay không còn như vậy. Nông dân phải thay đổi tư duy, sản xuất theo yêu cầu thị trường thì mới ổn định đầu ra" - ông Mười nhấn mạnh.
Ông LÊ THANH TÙNG, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn):
Xây dựng văn hóa liên kết
Với nông sản, giá cả thường biến động với biên độ rất lớn. Trước đây đã từng có cơn sốt giá cao su rồi hồ tiêu và hiện nay là cà phê. Các DN, hiệp hội ngành hàng cần đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ để ổn định về sản lượng và chất lượng nông sản.
Cần có văn hóa liên kết, cùng "nương nhau mà sống", tránh tình huống khi một bên có lợi thế thì ép giá bên kia. Ngoài ra, thông tin thị trường cũng cần minh bạch, chính xác bởi chỉ cần thông tin sai, một bên giữ hàng hoặc một bên tăng mua đột ngột cũng làm giá cả nông sản biến động mạnh.
Ông NGUYỄN LÂM THANH - Đại diện TikTok Việt Nam:
Khuyến khích livestream bán nông sản xuyên biên giới
TikTok Việt Nam đang phối hợp Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức các buổi livestream bán nông sản Việt Nam tại Trung Quốc và các nước ASEAN vào ngày 8-8 tới hoặc có thể sớm hơn đối với mặt hàng sầu riêng.
Chúng tôi đã bàn với TikTok tại Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia… để được hỗ trợ về chính sách livestream bán nông sản Việt bởi các nhà sáng tạo nội dung địa phương. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng nhận diện nông sản Việt tại các thị trường xuất khẩu kéo theo việc tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.
V.Ngọc (ghi)
Đáp ứng tiêu chí xanh
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, từ sau Tết Nguyên đán 2024, sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm của Việt Nam được duy trì ổn định. Để tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng xuất khẩu, chúng ta cần có định hướng chiến lược rõ ràng. Thời gian sắp tới, hàng Việt Nam muốn xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ phải đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh. Chúng ta cần quyết tâm hơn nữa để thay đổi tư duy sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chí quan trọng này.
Đồng tình với định hướng này, ông Mirash Basheer - Giám đốc Công ty May Exports Vietnam, Tập đoàn Lulu (UAE), thông tin Tập đoàn Lulu có nhu cầu thu mua nhiều hơn từ thị trường Việt Nam, đặc biệt là những sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh. Tập đoàn phân phối này đang muốn làm việc trực tiếp với các nhà máy của Việt Nam để thu mua sản phẩm hạt điều bóc vỏ, cà phê, nước trái cây đóng lon, nước dừa...
Bình luận (0)