Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung vừa yêu cầu những tháng cuối năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐ-TB-XH các tỉnh, thành tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp điều hành đã đề ra. Trong đó, đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực một số lĩnh vực mới nổi, kỹ sư, chíp bán dẫn, hydrogen và nhân lực tín chỉ carbon.
Dự báo trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người trình độ từ đại học trở lên cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nhu cầu nhân lực ngành này lên tới từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư mỗi năm.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung nâng cao năng lực phân tích, chủ động dự báo cung cầu việc làm, việc làm mới, việc làm bền vững, việc làm thỏa đáng; tăng cường đối thoại chính sách, xây dựng quan hệ hài hòa ổn định và phát triển tiến bộ.
Về lĩnh vực tín chỉ carbon, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Lợi thế lớn nhất là có hơn 3.260 km bờ biển và hơn 14 triệu héc-ta rừng, độ bao phủ chiếm 42%. Theo tính toán, với trữ lượng rừng của Việt Nam, nếu 1 người phụ trách 100 hec rừng, thì cần đến 150.000 người làm công việc kê khai.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Tính chung nửa đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trên cả nước đạt 52,5 triệu người, tăng 196.600 người so với cùng kỳ năm ngoái. Lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195.700 người so với cùng kỳ. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước.
Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh; công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài 6 tháng đầu năm là 78.640 lao động, đạt 62.91% kế hoạch năm.
Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB-XH sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyển sinh năm 2024; tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tính đến tháng 6-2024, tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước là 1.878 cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý một số lĩnh vực của ngành còn tồn tại như: Tình trạng thiếu việc làm, việc làm chưa bền vững; tai nạn lao động gia tăng và nhiều xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng; chuyển đổi số của toàn ngành và cải cách hành chính chưa có chuyển biến rõ nét.
Bình luận (0)