Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 02 yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, nhất là đối với các hàng hóa thiết yếu dịp Tết.
Hàng hóa không thiếu
Ngày 16-1, ghi nhận tại Hà Nội cho thấy nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ, cung ứng hàng hóa đã tăng lượng hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán từ 10%-30% so với ngày thường.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị GO! Thăng Long, nhu cầu tiêu dùng Tết bắt đầu tăng mạnh từ một tuần nay, với con số tăng 10%-20% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, hệ thống đã khóa giá hơn 10.000 sản phẩm hàng hóa để bảo đảm bình ổn giá thị trường, đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi những mặt hàng tiêu dùng Tết như thịt heo, thực phẩm, bánh kẹo… "Chúng tôi tăng lượng hàng dự trữ từ 20%-30% so với ngày thường" - ông Tuấn cho hay.
Trong khi đó, bà Hà Thị Thu Trang, Trưởng Phòng Marketing - Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce Chi nhánh Hà Nội, cho biết hệ thống siêu thị tăng dự trữ 10%-20%.
Tại Hà Nội, hệ thống có 1.000 điểm bán, nhu cầu của người dân cũng đã tăng nhiều so với quý IV/2024. Bà Trang khẳng định siêu thị sẽ đồng hành, chia sẻ với người tiêu dùng thông qua chính sách giá ưu đãi, khuyến mãi, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý.
Theo bà Trần Thu Quỳnh, Giám đốc Thu mua khu vực miền Bắc và miền Trung - Công ty TNHH Aeon Việt Nam, từ tháng 6-2024, hệ thống đã chuẩn bị nguồn hàng Tết với mức tăng 115%-120%. Siêu thị đang tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi và tăng cường nhân lực để bảo đảm nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là cao điểm 10 ngày trước Tết.
Với DN sản xuất và cung ứng thịt, bà Nguyễn Thị Nghĩa, đại diện Công ty CP C.P Việt Nam, thông tin DN chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 20% với hàng tươi sống và tăng 50% với hàng chế biến.
Khoảng một tuần nay, lượng tiêu thụ hàng hóa của DN tăng lên gấp đôi so với ngày bình thường. Với đặc thù là mặt hàng tươi sống, đại diện C.P Việt Nam kiến nghị được hỗ trợ để vận chuyển hàng hóa vào các điểm tiêu thụ nhanh hơn, nhất là khung giờ cao điểm.
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho hay năm nay, Tết đến sớm hơn nhưng các DN đã chuẩn bị kỹ nguồn hàng hóa từ quý IV/2024 với mức tăng bình quân 15%-20% so với ngày thường. Bảo đảm trước, trong và sau Tết, giá vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm để kích cầu tiêu dùng. Bộ Công Thương đánh giá hàng Tết năm nay đa dạng, phong phú; không lo thiếu hàng, sốt giá.
Lo tiêu thụ chậm
Dù vậy, các DN sản xuất, cung ứng hàng hóa đều thừa nhận thị trường Tết năm nay tiêu thụ không như kỳ vọng.
Chị Thanh Yên (ngụ tỉnh Bình Định) - chủ cơ sở chuyên sản xuất và cung cấp các loại đặc sản "xứ nẫu" như chả ram tôm đất, chả mực, tôm chua, cá biển tươi, khô bò, khô gà… đã 8 năm - cho biết đây là năm đầu tiên chị không... sụt cân trong mùa Tết. Thậm chí, chị còn có thời gian rảnh rỗi để diện áo dài đến "check in" các điểm vui xuân.
"Thị trường tiêu thụ rất chậm. Thời điểm này năm ngoái, tôi cắm mặt làm hàng, thuê thêm người đóng gói, giao hàng…, trong khi năm nay không thuê ai mà vẫn rảnh. Nhiều khách ở xa mọi năm đặt hàng số lượng lớn nhưng năm nay đến giờ chưa thấy liên hệ. Hỏi thăm thì họ trả lời là chờ thông tin thưởng Tết rồi mới tính chuyện mua sắm" - chị Thanh Yên cho biết.
Theo chị Thanh Yên, sức tiêu thụ của thị trường Tết tăng chậm nhưng từ hơn 1 tháng nay, giá các loại nguyên liệu đã tăng đến mấy đợt. Dù vậy, chị vẫn giữ giá ổn định để tăng tính cạnh tranh.
"Tôi dùng nguyên liệu cao cấp, giá thành cao nên phải ứng vốn trữ trước nguyên liệu để giữ ổn định giá bán ra và giảm giá chút ít cho khách "ruột" hoặc khách mua hàng số lượng nhiều, chấp nhận giảm lãi và giảm cả mục tiêu doanh thu" - chị bày tỏ.
Theo khảo sát mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, rất nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính - cao hơn tỉ lệ khảo sát sau dịch COVID-19.
Gần một nửa số gia đình được hỏi cho hay đang thắt chặt chi tiêu; hơn 40% ngành hàng tiêu dùng đang bị giảm sức mua. Xu hướng mua quà tặng, trong đó có quà Tết mang tính ứng dụng cao chứ không còn nặng về thương hiệu, hình thức như trước.
Còn theo nghiên cứu của Công ty YouGov, người tiêu dùng đang tận dụng các sự kiện giảm giá để mua sắm. Theo đó, nhiều người dân vẫn có xu hướng cẩn trọng hơn khi chi tiêu, ưu tiên những sản phẩm có giá phù hợp, đi kèm các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Họ còn chú trọng đến chất lượng, công dụng của sản phẩm để đưa ra quyết định chi tiêu hợp lý trong dịp Tết.
Xu hướng này cũng được phản ánh rất rõ trong cách chọn hàng Tết tại TP HCM. Thống kê đến ngày 14-1 (rằm tháng chạp) tại một số hệ thống siêu thị lớn của TP HCM như Co.opmart, Co.opXtra, MM Mega Market, GO!, Tops Market, Aeon, LOTTE Mart, Emart… cho thấy doanh thu đang tăng rất tốt ở các mặt hàng có khuyến mãi đậm.
Trong đó, nhóm bánh kẹo, thực phẩm tự chọn dạng xá (cân ký) đang bùng nổ doanh số. Diện tích dành cho nhóm sản phẩm này tại một số hệ thống siêu thị đã tăng, có siêu thị còn dành đến 2 khu vực, ngay cổng vào và gian hàng bên trong, kèm theo chương trình khuyến mại giảm giá hấp dẫn để tạo điểm nhấn.
Khuyến mại và giảm chi phí
Các DN cho rằng sức mua thị trường Tết dù có tăng nhưng không xuất hiện yếu tố thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Nhiều người tiêu dùng vẫn chi tiêu khá dè sẻn. Vì vậy, khi chi phí đầu vào tăng, DN buộc phải tiết giảm tối đa, tìm cách giảm giá thành sản xuất để giữ khách hàng và thị trường, đồng thời đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online.
Với các DN sản xuất, bên cạnh việc tăng lượng hàng theo kế hoạch, phối hợp với các nhà phân phối làm chương trình để tăng hiệu quả bán hàng, một số đơn vị đã đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới phân phối, cải tiến khâu giao nhận hàng hóa để tăng sức cạnh tranh.
Đơn cử, Công ty Vĩnh Thành Đạt từ tỉ lệ 60%-70% hàng hóa bán vào các siêu thị và điểm bán bình ổn thị trường đã mở rộng điểm bán bên ngoài, tăng thêm đầu ra cho sản phẩm và mở rộng mảng chế biến.
"Năm nào công ty cũng chuẩn bị lượng trứng gà, vịt nhiều hơn số đăng ký với thành phố, chấp nhận dôi dư chứ không để thiếu. Trường hợp không tiêu thụ hết thì sau Tết, công ty thu hồi về để làm sản phẩm chế biến" - ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, nêu cách làm.
Theo ông Thiện, Tết Nguyên đán năm nay, dự đoán sức mua chỉ tăng vừa phải nên DN đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đến 10%-15% để kích cầu tiêu dùng. "Giá thành chăn nuôi không giảm nên mức giảm giá bán 10%-15% đã là cao" - ông Thiện băn khoăn.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho biết năm nay, thịt heo có biến động nhẹ về giá do ảnh hưởng dịch bệnh từ tháng 6-2024 đến nay. Từ cuối tháng 12-2024, các DN đã được điều chỉnh tăng giá thịt heo bình ổn thị trường. Vissan cam kết từ nay đến Tết không điều chỉnh giá, thậm chí còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mại và giảm giá sâu đối với thịt heo.
"Vissan hợp đồng chặt chẽ với các nhà cung cấp heo hơi, tiến hành dự trữ 1.000 tấn thịt heo và 1.000 tấn thịt heo đông lạnh đóng gói 500 g, 1 kg, 2 kg, cam kết đủ hàng cung ứng cho thị trường.
Nếu có khan hiếm, Vissan sẽ tung lượng thịt này ra thị trường. Hai năm nay, DN chuẩn bị hàng Tết rất chu đáo, không lo thiếu mà chỉ lo dư hàng. DN luôn phải cân đối, không để dư hàng dẫn đến tồn kho, chi phí tăng, ảnh hưởng đến hoạt động của DN" - ông Dũng nhấn mạnh.
Phối hợp chặt chẽ với ngành giao thông
Bộ Công Thương cho biết sẽ bám sát diễn biến thị trường Tết và báo cáo về tình hình cung ứng hàng hóa mỗi ngày nhằm có giải pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm tra nguồn hàng như chợ đầu mối, DN lớn...
"Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng cần phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để bảo đảm vận chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường khi vào cao điểm mua sắm" - bà Nguyễn Thúy Hiền đề nghị.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), DN tiếp tục tận dụng nguồn nguyên liệu chiết xuất từ thiên nhiên và trái cây trong nước thay vì nhập từ châu Âu, châu Mỹ như trước. Tết này, Bidrico giới thiệu nhiều sản phẩm mới có thành phần từ củ đẳng sâm ở Tây Nguyên, trái sim rừng, chanh dây, nước dừa và cơm dừa...
"Chúng tôi cũng cắt giảm tất cả chi phí, hợp lý hóa sản xuất, xanh hóa quy trình sản xuất để kéo giảm giá thành, giữ giá bán luôn ở mức cạnh tranh nhất" - ông Hiến quả quyết.
Bình luận (0)