Hiện nay, nhiều gia đình hiện đại đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề dạy con tự lập và họ đã áp dụng thành công, mang lại kết quả tích cực cho con cái.
Giúp trẻ tự tin
Trong cuộc sống hiện đại, khả năng tự lập không còn là "lựa chọn" mà đã trở thành yêu cầu thiết yếu đối với trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh cho rằng trẻ em càng được rèn luyện tự lập sớm thì càng có khả năng thích nghi, sáng tạo và phát triển tư duy linh hoạt trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Minh Thảo (TP Thủ Đức, TP HCM; có con gái đang học lớp 11) chia sẻ: "Trao quyền cho con không có nghĩa là để con tự do tuyệt đối, mà là hướng dẫn con làm chủ các hoạt động phù hợp với lứa tuổi của mình. Điều này giúp trẻ tự tin, dám đối diện thử thách và chấp nhận thất bại".
Cũng theo chị Thảo, khi tự làm việc của mình, trẻ sẽ học được rằng mỗi hành động đều có hệ quả và trách nhiệm phải giải quyết. Trẻ có thể học cách để giải quyết khó khăn, thay vì cứ dựa dẫm vào cha mẹ. Cảm giác thành công khi tự mình làm được một việc gì đó sẽ là động lực để trẻ tiếp tục cố gắng ở những thử thách tiếp theo.
Kể về hành trình dạy con tự lập, chị Trần Thị Ngọc Mai (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM; có con 7 tuổi) cho biết: "Trước đây, tôi luôn nhắc nhở con phải học bài, sắp xếp đồ chơi hay chuẩn bị sách vở đi học. Nhưng dần dần, tôi nhận ra điều đó khiến con ỷ lại.
Vì vậy, tôi đã tạo cho con thói quen tự lập bằng cách dán lịch học tập, thời gian vui chơi lên bảng và tự sắp xếp thời gian. Thời gian đầu, cháu hay quên nhưng sau mỗi lần bị nhắc nhở, con bắt đầu nhận ra lợi ích của việc tự lên kế hoạch. Giờ đây, cháu có thể làm mọi thứ mà không cần cha mẹ giám sát.
Từ câu chuyện của bản thân, chị Mai cho rằng thay vì làm thay cho con, phụ huynh cần tạo môi trường để con tự quản lý thời gian của mình. Để làm được điều này, cha mẹ có thể sử dụng thời gian biểu, khuyến khích con tự điền kế hoạch của mình và đánh dấu mỗi khi hoàn thành công việc.
Đừng sợ con làm sai!
Gia đình anh Nguyễn Văn Tú (quận 7, TP HCM) gây bất ngờ cho khách đến chơi nhà khi "khoe" cậu con trai 10 tuổi đã có thể tự nấu bữa sáng cho gia đình.
Anh Tú kể: "Lúc con 8 tuổi, vợ chồng tôi đã hướng dẫn làm những công việc đơn giản trong bếp như rửa rau, bóc trứng, vo gạo. Lên 9 tuổi, con đã biết làm món trứng ốp la, bánh mì nướng. Giờ đây, mỗi sáng cuối tuần là con làm bữa sáng cho cả nhà, dĩ nhiên là những món đơn giản".
Theo anh Tú, lúc đầu, vợ chồng anh rất lo khi con vào bếp. Nhưng nhờ vợ chồng anh giám sát chặt chẽ, dạy con kỹ năng an toàn nên cậu bé dần tự tin hơn.
"Đứa trẻ nào cũng muốn làm được việc gì đó có ích, tự hào khi mình hoàn thành và nhận được lời khen của người lớn.
Cha mẹ cần tạo cơ hội cho con tham gia công việc gia đình, đặc biệt là những hoạt động gần gũi với sinh hoạt hằng ngày. Đừng sợ con làm sai, hãy động viên, từ đó giúp trẻ tự tin. Điều này cũng giáo dục con sống có trách nhiệm với gia đình" - anh Tú đúc kết.
Câu chuyện của chị Ngô Thanh Hà (quận 11, TP HCM) về cô con gái học lớp 9 là minh chứng cho việc dạy con tự lập. Thay vì đưa đón con học thêm, chị Hà đã khuyến khích con tự đi bằng xe buýt.
Chị Hà nói: "Lúc đầu tôi lo lắng, sợ nhiều chuyện không hay sẽ xảy ra với con nhưng cũng nhận ra nếu không cho con cơ hội thì con sẽ mãi dựa dẫm. Tôi đi cùng con vài lần để hướng dẫn con cách đón xe, ghi nhớ các điểm dừng và xử lý tình huống khi gặp kẻ xấu. Hiện tại, con đã tự mình đến lớp học thêm mà không cần mẹ đi cùng".
Từ những câu chuyện trên cho thấy dạy con tự lập từ sớm là nền tảng vững chắc để con trở thành những người tự tin, trách nhiệm và thành công trong tương lai. Ngay từ khi con nhỏ, cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn, khuyến khích con làm những việc phù hợp với lứa tuổi. Điều này không chỉ giúp con vững vàng hơn trong cuộc sống mà còn giảm bớt áp lực cho chính cha mẹ.
Phân chia công việc phù hợp lứa tuổi
Trẻ 3-5 tuổi có thể tự cất đồ chơi, cho trẻ quyền chọn quần áo, món ăn...; trẻ 6-10 tuổi có thể tự gấp quần áo, chăn màn, rửa bát, dọn bàn ăn, tự chuẩn bị đồ ăn sáng, soạn tập sách, tự chọn bài tập muốn làm trước...; trẻ 11 tuổi trở lên có thể tham gia các công việc gia đình phức tạp hơn, tự quản lý thời gian học, tham gia các hoạt động cộng đồng.
Cha mẹ cần chấp nhận việc con làm chưa tốt ở giai đoạn đầu và kiên nhẫn hướng dẫn để con tự làm dần dần. Ngoài ra, cần bảo đảm con có môi trường an toàn để rèn luyện kỹ năng tự lập. Ví dụ, khi để con vào bếp, cần chỉ dẫn các nguyên tắc an toàn trước khi cho con thực hành; quan sát từ xa, chỉ hỗ trợ khi cần thiết.
Một điều cần lưu ý là hãy ghi nhận nỗ lực của con bằng lời khen ngợi chân thành.
Bình luận (0)