Theo bài công bố trên tạp chí Frontiers in Nutrition, trước đây đã có một số bằng chứng chỉ ra mối liên hệ giữa lượng flavonoid tiêu thụ và tình trạng máu nhiễm mỡ.
Flavonoid là nhóm hợp chất hoạt tính sinh học rất đa dạng, chứa trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nhóm tác giả dẫn đầu bởi Viện hàn lâm Khoa học Trung y Trung Quốc đã tìm hiểu cụ thể xem những loại flavonoid nào mang đến tác dụng thần kỳ này.
Phân tích dữ liệu của 8.940 người từ một cuộc khảo sát sức khỏe quốc gia, các tác giả nhận thấy những người tiêu thụ flavonoid nói chung ở mức độ cao nhất có thể giảm khoảng 25% nguy cơ bị máu nhiễm mỡ.
Tìm hiểu cụ thể hơn, họ xác định được tác dụng tốt đến từ nhóm flavonoid tên flavan-3-ol cũng như một hợp chất cụ thể trong nhóm này là catechin.
Ngoài ra, nhóm hợp chất flavonoid khác tên anthocyanin cũng có tác dụng rất hiệu quả trong việc kiểm soát các chỉ số mỡ máu.
Theo các tác giả, các flavonoid nói trên được chứng minh là có khả năng tăng tiêu hao năng lượng và oxy hóa chất béo, chống viêm và giảm mức độ các yếu tố liên quan đến mỡ máu.
Vì vậy, các kết quả này cho thấy việc tăng cường các hợp chất cụ thể nói trên có thể hỗ trợ giúp nhiều người thoát khỏi tình trạng máu nhiễm mỡ - còn được gọi là rối loạn lipid máu, mỡ máu cao - vốn làm tăng nguy cơ nhóm bệnh tim mạch chết người.
Theo Healthline và Viện Y tế quốc gia Mỹ, flavonoid nhóm flavan-3-ol vốn dồi dào trong ca cao và các sản phẩm từ ca cao như chocolate, các loại trà, nho, táo, quả mọng, rau màu xanh lá đậm, một số loại đậu...
Trong đó, catechin được biết đến nhiều nhất bởi dồi dào trong trà, đặc biệt là trà xanh với loại catechin chính gọi là EGCG.
Còn anthocyanin là hợp chất mang lại cho rau củ quả màu sắc từ đỏ tía - tím đến xanh lam - đen, dồi dào trong các loại quả mọng đậm màu, táo đỏ, cà tím, bắp cải tím, đậu đen, gạo lứt đen...
Trước đó, các hợp chất chống oxy hóa flavonoid đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, chuyển hóa nói chung, góp phần đẩy lùi ung thư, mất trí nhớ, căng thẳng...
Bình luận (0)