TP Buôn Ma Thuột có 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 16% dân số đã tạo ra nền văn hóa đa dạng và mang đậm bản sắc. "Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên", "buôn trong phố", các lễ hội truyền thống, văn hóa bến nước, nhà dài, ẩm thực... của các dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên nét đặc trưng cho Buôn Ma Thuột.
Xây dựng đô thị bản sắc
TP Buôn Ma Thuột đã và đang triển khai các nghị quyết, kế hoạch để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch. Trong đó, xây mới và bảo tồn 193 nhà dài, thành lập 4 câu lạc bộ văn hóa dân gian, duy trì hoạt động của 37 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống. Tổ chức 17 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể như cồng chiêng, múa xoang, hát A ray, đàn tính, hát then. Xây dựng, duy trì hoạt động câu lạc bộ dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Đức Nhật, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết thành phố đang ưu tiên phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại 4 buôn (buôn Akǒ Dhông, buôn Tơng Jú, buôn Kmrơng Prǒng B, buôn Tuôr). Từ đó, xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, bản sắc và hiện đại. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập huấn xây dựng mô hình "Di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng" cho 64 nghệ nhân, học viên và người thực hành tại xã Ea Tu. Lớp bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ đón tiếp, phục vụ khách du lịch và lớp hướng dẫn phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch trải nghiệm cho 20 học viên là người dân tộc Ê Đê tại buôn Tuôr (xã Hòa Phú).
Chị Nguyễn Thu Trâm, một du khách đến từ TP HCM, cho biết mỗi dịp lễ hội cà phê, gia đình đều lên Buôn Ma Thuột du lịch. Ấn tượng đầu tiên là "sự thay da, đổi thịt", không ngừng phát triển của thành phố. Buôn Ma Thuột có vô vàn quán cà phê ngon, con người mến khách. Đặc biệt, dù đúng vào dịp lễ hội nhưng giá cả rất hợp lý, không có tình trạng "chặt chém" du khách như một số nơi.
"Theo tôi, thành phố nên tập trung đầu tư xây dựng vài khu du lịch tầm cỡ với sản phẩm du lịch đặc sặc, khác biệt để thu hút du khách. Bên cạnh đó, cần phải có chính sách kết nối chặt chẽ giữa các khu, điểm du lịch với nhau để tạo điều kiện cho du khách" - chị Trâm nói.
Theo UBND TP Buôn Ma Thuột, trong 11 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút khoảng hơn 1,1 triệu lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch ước tính hơn 917 tỉ đồng, tăng hơn 19% so với cùng kỳ, đóng góp khoảng trên 80% tổng lượt khách, doanh thu hoạt động du lịch của tỉnh.
Xây dựng "Thành phố cà phê của thế giới"
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận 67 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Trong đó, yêu cầu nâng cao, phát huy chương trình phát triển thương hiệu cà phê đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng hình ảnh "Thành phố cà phê của thế giới".
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, cho biết đây là nội dung then chốt để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Hiện thành phố đang trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ của đề án.
Ngoài xây dựng đề án, trong xây dựng quy hoạch chung của thành phố có tính đến việc tạo ra những không gian cho cà phê, nơi trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ cà phê. Xây dựng những vùng sản xuất chuyên canh đảm bảo nguồn nguyên liệu, áp dụng các tiêu chuẩn cà phê sạch, chất lượng cao. Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái, nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch. Kết hợp với các tour du lịch đưa khách trải nghiệm trồng, chế biến tại vườn cà phê này. Đây là điều kiện, tạo ra nét riêng để Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Cũng theo ông Hưng, để Buôn Ma Thuột có thể đạt được mục tiêu này, sự hỗ trợ từ Trung ương là vô cùng quan trọng và cần thiết. Thành phố cần sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách ưu đãi thuế và tài chính, đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, hỗ trợ xúc tiến thương mại quốc tế và quảng bá thương hiệu cà phê. Các sự kiện như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột cần có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các nhà nhập khẩu lớn để thu hút sự chú ý từ thị trường toàn cầu.
"Điều quan trọng nữa để Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới, chính quyền không thể tự mình thực hiện mà cần sự hợp tác, chung sức, đồng lòng từ tất cả các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Nhân dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa, đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cà phê, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững. Những yếu tố này kết hợp với các chính sách và sự hỗ trợ từ Trung ương sẽ giúp Buôn Ma Thuột đạt được mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là điểm đến của cà phê thế giới trong tương lai" - ông Hưng nhấn mạnh.
Chuẩn bị tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13-3-2025 với chủ đề "Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới".
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2025 có nhiều hoạt động như: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2025, hội thảo cà phê, cuộc thi sáng tạo nội dung số tuyên truyền lễ hội trên môi trường mạng, cuộc thi rang cà phê đặc sản...
Các hoạt động do các doanh nghiệp đăng ký và thực hiện như lễ hội đường phố, hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP Việt Nam, hội thi nhà nông đua tài, lễ hội ánh sáng, Festival các ban nhạc Rock, hội trại cà phê, giải đua xe ô tô địa hình quốc tế, uống cà phê miễn phí…
Lễ hội đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk nên sẽ có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa.
Bình luận (0)