Do năm nay lễ 30-4 và 1-5 có ngày 29-4 (thứ hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ hằng tuần (thứ bảy và chủ nhật) nên Bộ LĐ-TB-XH đề xuất phương án nghỉ lễ 30-4 và 1-5 như sau:
Đối với công chức, viên chức (CCVC), đề xuất hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ hai (29-4) sang ngày thứ bảy (4-5) để dịp nghỉ lễ này CCVC được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ bảy ngày 27-4 đến hết thứ tư ngày 1-5, làm bù vào ngày thứ bảy 4-5.
Đối với người lao động (NLĐ), khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5 cho NLĐ như quy định đối với CCVC.
Theo các bộ, ngành, việc bố trí hoán đổi ngày làm việc sẽ giúp CCVC, NLĐ được nghỉ 4 đến 5 ngày liên tục, có điều kiện giải trí, nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động để làm việc tốt hơn. Việc này cũng góp phần giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của CCVC và NLĐ.
Hầu hết CCVC và NLĐ đều hoan nghênh đề xuất này và mong được Thủ tướng chấp thuận. Tuy nhiên, đề xuất đưa ra có phần cập rập, cận ngày thực thi (chỉ còn gần 15 ngày là đến ngày nghỉ) nên nhiều cơ quan, đơn vị sẽ không có sự chủ động trong sắp xếp công việc. Nhất là các trường học, việc cho học sinh nghỉ học và học bù cũng là vấn đề phải tính toán.
Riêng với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN trong ngành du lịch, lịch trình có phần sít sao này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN; các chính sách khuyến mãi dịch vụ như giá vé máy bay, khách sạn trong các tour, tuyến có kịp áp dụng để hỗ trợ DN, giúp DN chủ động kế hoạch, doanh thu, nâng chất lượng dịch vụ được hay không? Nếu áp dụng sớm hơn, hẳn DN sẽ chủ động hơn và không ảnh hưởng kết quả, chất lượng dịch vụ…
Phát sinh nhu cầu tăng đột biến trong kỳ nghỉ dài này, giá cả của các dịch vụ du lịch có thể tăng lên, trong khi các DN cũng căng thẳng vì vấn đề nhân sự. Vì vậy, nhiều giám đốc DN ngành du lịch đề xuất cơ quan quản lý nên có sự tính toán từ năm trước và ngay đầu năm đã đề xuất số ngày nghỉ phù hợp. Còn nếu đề xuất chậm, thời gian thực hiện cận kề thì sẽ rất khó cho DN xoay xở.
Đối với DN sản xuất - kinh doanh, dù Bộ LĐ-TB-XH nói khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm cho NLĐ như quy định đối với CCVC, song đại đa số DN cũng thực hiện theo để NLĐ có thời gian nghỉ lễ dài hơn, được về thăm quê, được đi du lịch hay tranh thủ làm những việc cần thiết trong kỳ nghỉ dài ngày. Chỉ có một số không nhiều DN, nhất là dệt may, da giày, có được đơn hàng sau thời gian dài làm ăn khó khăn, công nhân thiếu việc làm, nay cần giao hàng kịp cho đối tác thì phải tổ chức sản xuất trong những ngày này. Tất nhiên, ca làm việc ngày cuối tuần thì phải tiền công theo luật định.
Ngày 12-4, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề xuất trên. Cả nước sẽ có 5 ngày nghỉ lễ cộng dồn, đem lại tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; người dân có những ngày nghỉ lễ an vui, trọn vẹn.
Bình luận (0)