Công nghệ giúp ngành du lịch tiếp cận, quảng bá hình ảnh, sản phẩm nhanh chóng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho điểm đến.
Một ví dụ điển hình của áp dụng công nghệ là Lễ hội Sông nước TP HCM. Sau 10 ngày tổ chức (từ 31-5 đến 9-6) đã có 4,5 triệu lượt người dân và du khách tham gia, tương tác trực tiếp trong các hoạt động của lễ hội; doanh thu du lịch và dịch vụ đạt 4.250 tỉ đồng.
Đó là kết quả đáng khích lệ của du lịch TP HCM và cả nước. 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt (tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019); khách du lịch nội địa khoảng 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt 352.200 tỉ đồng.
Một điểm đáng ghi nhận là so với trước, du khách đã chi tiêu nhiều hơn. Theo các công ty du lịch, lữ hành, chi tiêu bình quân một ngày của du khách từ 80 - 140 USD, cao hơn nhiều so với trước. Phân tích cơ cấu chi tiêu của du khách, nền tảng thanh toán Payoo cho biết tỉ trọng chi tiêu cho dịch vụ ăn uống khoảng 40%; cho thời trang, mỹ phẩm 14%; cho nữ trang và đồng hồ xấp xỉ 12%; cho nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi hơn 10%. Chi tiêu tăng dần ở nhóm siêu thị, các cửa hàng tiện lợi và nhóm nữ trang, đồng hồ và giảm dần ở thời trang, mỹ phẩm cùng các sản phẩm công nghệ.
Dù vậy, chúng ta vẫn chưa có nhiều địa chỉ cho du khách tiêu tiền khi nhìn vào cơ cấu chi tiêu, số tiền du khách chi tiêu vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Trung Quốc... Còn ít du khách chi tiền cho các hoạt động vui chơi, giải trí, trong khi các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, chi phí cho hoạt động vui chơi, giải trí chiếm 40%-50%, thậm chí đến 60%-70% tổng chi phí cho một chuyến du lịch. Nhiều du khách cho biết hầu như đến Việt Nam chỉ để ngắm cảnh, tắm biển, đi dạo, chụp ảnh là xong.
Tại các địa chỉ du lịch, vẫn chưa có nhiều địa điểm, dịch vụ cho du khách vui chơi, giải trí. Một số nơi có cải thiện tình hình bằng mở thêm cơ sở, thêm dịch vụ cho khách trải nghiệm nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn, khó kéo khách trở lại lần thứ hai.
Ở các đô thị vẫn chưa có nhiều địa chỉ cho khách giải trí về đêm như quán bar, khu vui chơi ban đêm. Có những chợ đêm thì hàng hóa lèo tèo, chỉ bán đồ ăn vặt; nhiều thành phố cư dân đi ngủ sớm, chừng 22 giờ đã vắng vẻ, các cơ sở dịch vụ không hoạt động, du khách đành ngủ sớm theo.
Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), cần phải mở rộng và cung cấp thêm các hoạt động dịch vụ như quán bar, vũ trường, những khu mua sắm quy mô lớn; những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mẫu mã đẹp, sản xuất theo nhu cầu của khách thay vì chỉ có những sản phẩm thuần túy từ các làng nghề.
Rõ ràng, chúng ta phải làm nhiều cách để thu hút khách, để khách vui lòng tiêu nhiều tiền hơn nữa. Phục vụ tốt, quản lý tốt để an toàn cho du khách cũng là hướng đến sự hoàn hảo trong hoạt động du lịch.
Bình luận (0)