Ngày 5-12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam".
Chưa phát huy hết tiềm năng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36) đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển.
Mục tiêu của nghị quyết là Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cả nước.
Nhấn mạnh nhiệm vụ đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu từ biển, PGS-TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế, cho rằng dù đã đạt được những thành tựu, song một số mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biển chưa đạt được; chưa phát huy tốt lợi thế, tiềm năng của biển.
"Liên kết giữa các vùng ven biển, giữa vùng, địa phương ven biển với vùng, địa phương trong đất liền; giữa các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả. Đặc biệt, các vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái có nguy cơ gia tăng bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng" - ông Lê nêu.
Nhìn nhận về phát triển kinh tế biển ở khía cạnh du lịch, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết du lịch biển đảo luôn được xác định là thế mạnh và là ưu tiên phát triển trong chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam qua các thời kỳ.
Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm 2022-2023 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. "Với việc tính toán, hoạch định chính sách du lịch hậu đại dịch, những đề xuất đối với du lịch biển đảo là đặc biệt quan trọng do vị trí then chốt của lĩnh vực này đối với toàn ngành cũng như đối với các địa phương ven biển" - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thẳng thắn chỉ rõ du lịch tàu biển ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng do chưa có hạ tầng phù hợp, chưa đa dạng trong sản phẩm du lịch cho thị trường.
Theo ông, dù phát triển với nhiều điểm nổi bật trong thời gian qua nhưng du lịch biển Việt Nam vẫn dựa vào động lực của hiệu ứng "điểm đến mới nổi". Trong khi đó, các động lực này sẽ dần suy giảm nếu chúng ta không có các sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn, tạo cú hích để khai thác các tiềm năng về biển đảo.
Đẩy mạnh du lịch biển
Tại hội thảo, từ kết quả thực hiện Nghị quyết 36 của trung ương, các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian tới.
Đại tá Nguyễn Quốc Doanh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, cho rằng cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng biển đảo Tổ quốc, nhất là vùng biển phía Bắc và vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1 và vùng biển Tây Nam.
Theo GS-TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Nghị quyết 36 xác định đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Tuy nhiên sau 5 năm thực hiện, chúng ta vẫn thiếu bộ tiêu chí để xác định "thế nào là mạnh về biển, giàu từ biển".
GS Nhuận cho rằng cần xây dựng bộ tiêu chí để có cơ sở thực hiện, triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế biển, hướng đến các mục tiêu như Nghị quyết 36 đã đề ra. Đồng thời, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan về phát triển kinh tế biển, tạo khung pháp lý cho các địa phương thực hiện.
Đối với phát triển du lịch biển, tận dụng lợi thế từ biển đảo, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh việc phát triển các công trình hạ tầng và giao thông hàng hải có ý nghĩa then chốt. Giải pháp này bao gồm phát triển các công trình hạ tầng bến cảng, cầu cảng ở đất liền và các đảo, xác định các khu vực hoạt động, luồng lạch, tuyến du lịch trên biển.
"Phát triển du lịch tới các đảo xa bờ cũng là một giải pháp quan trọng nhằm phát triển các sản phẩm mới, không gian mới, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo" - ông Tuấn kiến nghị, đồng thời nhấn mạnh không gian du lịch biển không chỉ bao gồm đất liền, các đảo và mặt biển mà còn là không gian dưới biển và bầu trời trên biển; đặc biệt lưu ý đến yêu cầu bảo vệ môi trường biển khi phát triển du lịch.
Từ góc độ nghiên cứu thực tế tại Quảng Ninh, PGS-TS Nguyễn An Thịnh, Trưởng Khoa Kinh tế phát triển - Trường ĐH Kinh tế, cho biết hệ thống cảng biển nước sâu ở Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái được xem là động lực phát triển kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch, kết nối các trung tâm du lịch quốc tế lớn thông qua đường biển. Phát triển kinh tế biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và dịch chuyển cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh, nhờ sự chú trọng phát triển du lịch và mời gọi đầu tư vào các khu du lịch biển đảo. Các hoạt động phát triển kinh tế biển được hình thành ở Quảng Ninh như: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; phát triển công nghiệp, khu công nghiệp ven biển; kinh tế thủy sản; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo…
Giải quyết xung đột khi khai thác biển
PGS-TS Nguyễn An Thịnh nhấn mạnh do có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế biển nên tại Quảng Ninh đang diễn ra nhiều hoạt động có sự chồng lấn, xung đột như khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông hàng hải, vận tải thủy nội địa, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, du lịch...
"Để có một nền kinh tế biển phát triển bền vững, phải giải quyết được những mâu thuẫn mang tính xung đột này, cần tiếp cận và ưu tiên các ngành mang lại hiệu quả cao. Theo đó, nghiên cứu phân vùng chức năng biển phục vụ phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường biển" - ông Thịnh kiến nghị.
. TS DƯ VĂN TOÁN, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu biển và hải đảo - Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Tận dụng tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển tốt điện gió ngoài khơi, với khu vực có khả năng xây dựng điện gió khoảng 130.229 km2. Trong đó, khu vực xây dựng điện gió gần bờ khoảng 14.330 km2, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành như Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An…
Để tận dụng lợi thế, tiềm năng này, cần hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi. Đồng thời, cần quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo dài hạn, gắn với các ngành kinh tế khác. Đến nay, việc cấp phép khảo sát đo gió trên biển phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi còn hạn chế, số lượng dự án được cấp phép còn khiêm tốn.
. Bà NGUYỄN THỊ HOA MAI, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông:
Tuyên truyền đóng vai trò then chốt
Để phát triển bền vững kinh tế biển trong tình hình mới, tầm nhìn 2030 - 2045, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt. Chúng ta cần tận dụng mọi cơ hội và sử dụng mọi công cụ truyền thông hiệu quả để bảo đảm mỗi người dân đều hiểu rõ và tham gia bảo vệ, phát triển nguồn lợi biển của chúng ta. Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị các bộ, ban ngành, địa phương, cơ quan báo chí phối hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với truyền thông phát triển kinh tế biển.
Bình luận (0)