Xin nhắc lại vụ việc cũ, vào giữa tháng 9-2024, một phụ nữ đã tự tử bằng xyanua mua được trên mạng xã hội. Lần theo vụ việc này, Công an TP HCM đã khám phá đường dây nhập lậu, mua bán xyanua do một số chủ doanh nghiệp tổ chức. Khám xét nhà kho của những công ty này công an phát hiện đến 4 tấn xyanua - một khối lượng khủng khiếp. Nguy hiểm hơn là đã có gần nửa tấn chất độc này đã được bán ra thị trường.
Không kém xyanua, một loại độc chất khác cũng đang âm thầm tấn công người tiêu dùng qua con đường thực phẩm từ những người sản xuất, kinh doanh thiếu lương tâm: Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Ngay tại TP HCM, qua một cuộc kiểm tra ở 3 chợ đầu mối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào giữa năm 2022, phát hiện 47,5% mẫu thực phẩm có chứa dư lượng thuốc BVTV. Đây là những chợ cung cấp thực phẩm cho toàn thành phố và không nghi ngờ gì nữa, những độc chất này sẽ dễ dàng lên bàn ăn của mọi gia đình.
Mỗi năm các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khoảng 300.000 tấn thuốc BVTV và phải nhập khẩu thêm khoảng 100.000 tấn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Chúng ta phải thừa nhận rằng trong sản xuất hiện đại, việc sử dụng hóa chất là không tránh khỏi. Pháp luật cũng quy định chặt chẽ việc sử dụng và thời gian cách ly kỹ càng sản phẩm nông nghiệp sau khi sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy vậy, vì lợi nhuận, nhiều nhà sản xuất đã vượt qua giới hạn và đẩy rủi ro về sức khỏe cho người tiêu dùng - cũng chính là người trả tiền mua sản phẩm để công ty họ phát triển.
Nhưng cho dù các loại thực phẩm đều được cách ly an toàn nhưng với số lượng hàng trăm ngàn tấn thuốc BVTV mỗi năm tưới lên cây, ngấm vào đất, chảy ra sông suối… thì môi trường tự nhiên sẽ bị tàn phá rất khủng khiếp. Con số này, những tác hại này chưa được quan tâm đúng mức trong các báo cáo của các nhà sản xuất. Chúng ta sống trong môi trường tự nhiên, nên chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi độc chất khi môi trường này bị ô nhiễm.
Những năm qua chúng ta khuyến khích và nhiều vùng đã áp dụng sản xuất xanh, thuận tự nhiên để mang lại sản phẩm an toàn nhất cho người tiêu dùng. Thế nhưng diện tích này còn rất nhỏ và rất khó phát triển trong tương lai gần khi mà sự cạnh tranh ngày càng gay gắt kể cả trong và ngoài nước. Vì vậy, không có cách nào khác là các cơ quan chức năng phải quản thật chặt, xử lý thật nghiêm những dòng sản phẩm chứa chất độc hại rình rập người tiêu dùng. Vấn đề này đã được cụ thể hóa khi TP HCM cho thành lập Sở An toàn thực phẩm. Kế tiếp sẽ có thêm một sở chuyên ngành về an toàn thực phẩm nữa ở Đà Nẵng.
Nọc rắn có thể gây chết người nhưng cũng có thể bào chế thành thuốc để cứu người. Hóa chất cũng có thể nhìn nhận ở góc độ này: Triệt tiêu tác hại của nó đối với con người và sử dụng hiệu quả lợi ích mà nó mang lại. Cả 2 vế này đều cần sự mạnh tay, quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể thực hiện được.
Bình luận (0)