Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH đề nghị nghiên cứu, đánh giá, quyết định bổ sung công việc "nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên" thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đây là kiến nghị của các nhân viên nuôi dưỡng đang công tác tại các trường mầm non công lập thuộc TP Hà Nội gửi đến Tổng LĐLĐ Việt Nam. Qua nghiên cứu đơn đề nghị, các cơ sở pháp lý và thực tiễn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận thấy Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm quy định: nghề nấu ăn cho từ 100 suất trở lên chỉ được công nhận là nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm khi diễn ra tại "các nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể" và trong lĩnh vực du lịch (điều kiện lao động loại IV).
Tuy nhiên công việc nấu ăn của nhân viên nuôi dưỡng cho các trường mầm non công lập lại không thuộc đối tượng trong danh mục của thông tư này.
Cùng với công việc dạy trẻ, việc nấu ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, khẩu vị, yêu cầu an toàn, vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển thể chất và đảm bảo sức khỏe của trẻ. Do đó, công việc này cần được quan tâm thực hiện các chế độ chính sách hợp lý.
Nhưng theo đơn phản ánh, công việc hàng ngày của các nhân viên nuôi dưỡng dù có khối lượng lớn (chuẩn bị từ 300 - 800 suất ăn mỗi ngày) nhưng diễn ra trong điều kiện thiếu đảm bảo, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng lao động như: môi trường ẩm ướt, tiếp xúc với nhiệt độ cao, tiếng ồn lớn, tư thế làm việc gò bó, thường xuyên làm việc với trang thiết bị dễ gây tai nạn, chịu ảnh hưởng từ các hóa chất tẩy rửa.… Nhiều nhân viên trong quá trình lao động đã gặp tai nạn, chịu thương tật vĩnh viễn.
Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH theo thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, đánh giá, quyết định bổ sung công việc "nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên" thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bên cạnh nghề nấu ăn, trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng kiến nghị đưa nghề giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc. Về vấn đề này, mới đây cử tri tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá các yếu tố đặc thù về điều kiện lao động của giáo viên mầm non và bổ sung vào "Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm..."
Trả lời các kiến nghị này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Thông tư 11/2020 quy định hằng năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá danh mục nghề theo phương pháp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan xem xét, đánh giá điều kiện lao động của các nghề, công việc giáo viên mầm non để có cơ sở xem xét, sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định.
Bình luận (0)