Ngày 22-8, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải quyết các kiến nghị của Công ty CP 484 (tỉnh Nghệ An) và UBND huyện Krông Bông liên quan đến hoạt động khai thác cát cấp cho dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
"Công ty CP 484 được cấp phép khai thác mỏ cát phục vụ cao tốc theo cơ chế đặc thù nên được rút ngắn hoặc tạo điều kiện cho một số khâu, còn lại phải thực hiện nghiêm chỉnh. Đặc biệt, đơn vị này phải chấp hành việc lắp đặt trạm cân để giám sát" - vị này khẳng định.
Trước đó, ngày 4-5, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản xác nhận cho Công ty CP 484 khai thác cát cung cấp cho dự án thành phần 2 (dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).
Ngày 20-6, UBND huyện Krông Bông đã lập đoàn kiểm tra và chỉ ra hàng loạt vi phạm nên yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thác. Mặc dù vậy, Công ty CP 484 vẫn ồ ạt khai thác bán cho các nhà thầu.
Ngày 14-8, UBND huyện Krông Bông tiếp tục kiểm tra cho thấy công ty này đã sử dụng các phương tiện hoạt động khai thác không đúng với đăng ký. Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất các bãi tập kết cát. Công ty lắp đặt camera giám sát tại 1 vị trí chưa phù hợp để giám sát tốt việc khai thác, vận chuyển cát. Công ty chưa bổ nhiệm người có đủ điều kiện để làm giám đốc điều hành mỏ và chưa thông báo đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Đáng chú ý, công ty chưa lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi phạm vi khai thác.
UBND huyện Krông Bông đề nghị UBND tỉnh xem xét cho tạm dừng hoạt động khai thác cát để doanh nghiệp tiếp tục bổ sung các điều kiện theo quy định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp huyện tổ chức kiểm tra, thẩm định các khâu trước khi khai thác cát trở lại.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, Công ty CP 484 được UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép khai thác cát để cấp cho các nhà thầu thi công dự án thành phần 2 - dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột theo cơ chế đặc thù.
Dù chưa thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng doanh nghiệp này đã ồ ạt khai thác cát bán cho các nhà thầu. Đáng chú ý, Công ty 484 cho rằng việc lắp trạm cân khó và tốn kém nên xin phép không lắp, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ban hành văn bản về việc lắp đặt, vận hành trạm cân, camera giám sát tại các mỏ khoáng sản.
Trong đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các doanh nghiệp thác cát trước khi vận chuyển, xuất bán ra khỏi khu vực bến bãi tập kết phải thực hiện việc cân đo khối lượng qua trạm cân, phải có hóa đơn phiếu xuất khoáng sản. Đối với các mỏ khoáng sản có đường đi bên cạnh trạm cân, hoặc đường đi khác thì yêu cầu các chủ mỏ phải có giải pháp cụ thể, đảm bảo 100% các xe phải đi qua trạm cân để giám sát, thống kê.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các mỏ khoáng sản, đặc biệt là việc vận hành trạm cân, camera giám sát.
Nếu phát hiện, đơn vị nào không cân khoáng sản qua trạm cân thì xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu để UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định.
Bình luận (0)