Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nếu hưởng lương hưu hoặc đủ điều kiện hưởng nhưng chưa hưởng khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng tình với đề xuất này.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, góp ý cho dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội và LĐLĐ TP HCM tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Quận 9 (TP Thủ Đức, TP HCM), chia sẻ việc có tham gia BHTN nhưng khi nghỉ hưu không được một đồng nào tiền trợ cấp thất nghiệp khiến người lao động cảm thấy thiệt thòi, dẫn đến tình trạng họ xin nghỉ việc trước khi đến tuổi nghỉ hưu để được hưởng chế độ.
Điều này khiến doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng theo do biến động lao động. Do vậy, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người lao động nên có quy định về khoản hỗ trợ BHTN cho lao động đủ điều kiện nghỉ hưu.
Đồng tình với ý kiến trên, bà Hoàng Thị Tú Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hoàng Lam (TP Thủ Đức) cho rằng khi tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào, người tham gia cũng cần thấy được quyền lợi tối thiểu của mình.
Do vậy, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng đóng BHTN lâu năm nhưng "cả đời không thất nghiệp", chưa hưởng quyền lợi lần nào, để đảm bảo nguyên tắc đóng hưởng, thu hút người lao động tham gia BHTN lâu dài.
Bà Trương Ngọc Hân, công nhân Công ty TNHH Sản xuất Cân Nhơn Hòa (TP Thủ Đức), cho hay không người lao động nào muốn thất nghiệp nên nếu công việc ổn định, "cả đời không thất nghiệp" đó là điều may mắn.
Tuy nhiên, cùng với sự sẻ chia, ban soạn thảo nên nghiên cứu có khoản hỗ trợ hợp lý để đảm bảo sự công bằng đối với người lao động tham gia BHTN lâu năm khi đủ điều kiện hưởng hưu.
Liên quan đến vấn đề trên, vừa qua, cử tri tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi Luật Việc làm theo hướng người lao động tham gia BHTN nhưng đến khi về hưu hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được thanh toán số tiền họ đã đóng (1% mức lương tháng tham gia BHXH) vào quỹ BHTN vì theo nguyên tắc của bảo hiểm là "có đóng có hưởng".
Phản hồi kiến nghị cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cho rằng BHTN là loại hình bảo hiểm ngắn hạn (như BHYT), tính chia sẻ rủi ro cao giữa người có việc làm với người bị mất việc làm; nhiều người đóng nhưng chỉ có một số ít người mất việc làm mới được hưởng. Qua đó, nhằm hỗ trợ người lao động duy trì việc làm, đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm.
Hiện nay, mức đóng BHTN bình quân tháng là 6 triệu đồng, một người đóng tối thiểu là 12 tháng với số tiền là 1% x 6 triệu đồng x 12 tháng = 720.000 đồng (tương ứng 12%) có thể hưởng các chế độ lên đến khoảng gần 500% (chưa tính đến chế độ hưởng tư vấn, giới thiệu việc làm). Thực tế hiện nay, cứ 12 - 14 người đóng BHTN thì có 1 người hưởng.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, nguyên tắc đóng - hưởng trong BHTN là nếu xảy ra rủi ro và đáp ứng đủ điều kiện, người tham gia bảo hiểm sẽ được hưởng khoản hỗ trợ đền bù về thiệt hại theo từng chế độ.
Hiện dự thảo Luật Việc làm đề xuất mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng đã đóng gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng BHTN.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng. Sau đó, người lao động cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Bình luận (0)