Nhân chứng ở làng T’Râu bật khóc khi được tác giả (trái) tặng sách
Bước ra từ những trang báo
Trên các trang báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an TP.Đà Nẵng, Văn hiến…, A Chước Đen (Đinh Thị Hải Đăng) được hình dung là “cô gái Cơ Tu lưu lạc”, “con thú nhỏ lạc giữa phố thị”, là người “đi tìm thời gian đã mất”, lưu giữ “một câu chuyện dài đau đớn”. Nhân vật ấy lặn lội truy tìm cội nguồn, về với bản làng xưa, thân gái một mình góp công góp của cùng đồng bào xây ngôi mộ tập thể và dựng bia mộ cho cha mẹ, anh trai mình. Trên hành trình đó, có tờ báo còn theo sát ghi lại hình ảnh chị chuyển quà tặng đồng bào ở làng cũ...
Thế mà chỉ mấy năm sau, chị đã “đối diện” chính mình qua những trang sách. Trong Làng T'Râu của tôi, chị chia ra hơn 36 đề mục khác nhau, như “Tiếng khóc trong khói lửa”, “Đứa con của biển”, “Cạm bẫy”, “Nụ hôn đầu đời”, “Tình mẫu tử”, “Tìm được mộ cha”, “Vĩnh biệt người cộng sản chân đất”, “Mái ấm linh hồn”… Có lẽ mọi buồn vui sướng khổ trải 50 năm đời mình đều được chị tìm cách “kể” lại.
Khơi dậy quá khứ, nhất là quá khứ đau thương mất cha mẹ, người thân, mất làng, lưu lạc… quả là điều không đơn giản. Nhưng ở A Chước Đen, đôi khi niềm vui đến sau rất nhiều dấn thân: “Bây giờ, ở vùng rừng núi cũ, còn đó ngôi mộ tập thể do mình cố công xây dựng. Mình có niềm an ủi là mỗi khi ngang qua đó, dân làng sẽ biết có một phụ nữ Cơ Tu hiếu thảo dựng lên”.
Đứa con Cơ Tu bất hạnh ấy thật nhạy cảm. Nhắc chuyện quá khứ, chị sảng khoái cười đó rồi bất ngờ khóc đó. Nước mắt chị rơi mỗi khi nhớ về bà mẹ Arư xấu số, về người anh bị địch giết, về dân làng T'Râu còn cơ cực, về những cô nhi lưu lạc…
“Vĩ thanh”
Trước khi trích dẫn một số tư liệu liên quan để minh chứng rằng câu chuyện mình viết ra có nhiều điểm sát hợp với lịch sử địa phương, A Chước Đen viết một phần ngắn, phần “Vĩ thanh”. Chị viết:
“Đằng sau tất cả những gì đã và đang xảy ra trong cuộc đời tôi đều ẩn chứa một ý nghĩa lớn. Tôi cảm nhận, trải nghiệm và suy ngẫm. Tôi luôn cần có những khoảng lặng để lắng nghe lòng mình, hiểu mình và hiểu những cung bậc của cuộc sống.
“Con đường dẫn đến hạnh phúc đã buộc tôi phải làm đúng hai nguyên tắc đơn giản: một là hãy tìm kiếm điều bạn cần và làm tốt khi tìm được nó, hai là hãy đặt tất cả tâm hồn, bầu nhiệt huyết, năng lượng, khả năng của bạn vào đó. Hạnh phúc thường nấp sau cánh cửa mà bạn và tôi không thể ngờ tới”. (A Chước Đen - Làng T'Râu của tôi, Vĩ thanh) |
Bảy năm qua thật là có ý nghĩa lớn trong cuộc đời tôi. Những biến cố, trở ngại là chuỗi những bài học quý giá, mà chỉ thật sự trải nghiệm tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Thật không thể chữa lành trái tim bị thương tổn của mình, nếu tôi không thu hết những mảnh vỡ của quá khứ. Tôi hiểu không có niềm hạnh phúc nào êm dịu bằng lòng yêu thương giúp đỡ những người mà hoàn cảnh của họ đưa đến gần trái tim của tôi. Sự giàu có không tính bằng tài sản ta đang sở hữu, mà tính bằng những công việc ta đã làm cho mọi người.
Quyển tự truyện của tôi cũng dần khép lại. Tôi biết mình không thể làm gì được hơn. Đây cũng là món quà tri ân mà tôi dành tặng cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em dòng họ đồng bào thôn T'Râu cùng các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc…”.
Như cố nhà văn - nhà thơ Hoàng Minh Nhân đã giới thiệu, rằng thật đáng ngạc nhiên khi một cuốn sách viết về chủ đề thống khổ của người dân Cơ Tu trong những năm chiến tranh lại có sức nâng đỡ con người đến như vậy. Ông viết: “Bằng cách kể lại câu chuyện riêng mình, A Chước Đen đã chiếu rọi nguồn sáng ấm áp lên số phận của bao trẻ mồ côi, nghèo khổ, tàn tật, hãy vượt lên chính mình và tin yêu vào cuộc sống. Dù đã trút cả thương đau vào trong quyển tự truyện này nhưng lòng cô gái Cơ Tu vẫn thấy đau âm ỉ”.
Mặc dầu vậy, nhận xét một cách công bằng, không phải trang nào, chương nào trong Làng T'Râu của tôi cũng mang giá trị nghệ thuật cao. Ngoại trừ những ký ức bùng cháy, những suy tư về thân phận đáng trân trọng, những cuộc tìm kiếm đáng ghi nhận…, còn lại có nhiều trang chép về sinh hoạt có phần dàn trải, có chỗ quá đi sâu vào chi tiết không hề “đắt”. Nhưng dù sao, sách cũng đã xuất bản, khép lại 7 năm vất vả nhưng “có ý nghĩa nhất” như A Chước Đen thổ lộ, và chị xứng đáng được khen ngợi. Bởi chưa bao giờ nghĩ mình viết sách mà chỉ là để giải tỏa những ức chế trong lòng, cuối cùng A Chước Đen đã làm được điều mong muốn: phác họa số phận chính mình qua hơn 380 trang sách.
Thung lũng Khe Ma Xua và lời hẹn tái ngộ (Ảnh nhân vật cung cấp)
Dự định mới
Sau 7 năm mới hoàn thiện cuốn Làng T'Râu của tôi, cứ tưởng A Chước Đen sẽ “kiệt sức” vì nhiều lý do. Nhưng phía trước chị là một hành trình mới: Tìm tư liệu cho một đề tài khác, cũng liên quan đến làng cũ.
Chị thổ lộ rằng đang chuẩn bị viết tiếp cuốn sách mới có tựa “Thung lũng Khe Ma Xua”. Vẫn nguồn tư liệu ở chính số phận của 13 đứa trẻ Cơ Tu lưu lạc ngày nào.
Trong số họ, có cô gái tên Mun dạt sang tận nước Mỹ mà A Chước Đen đã kết nối thông tin được, đó là một phụ nữ Cơ Tu bất hạnh luôn ngơ ngác trước câu hỏi “mình là ai?”. Cũng có người đang sinh sống ở Đắc Lắc, một số người khác ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) thỉnh thoảng vẫn gặp. Nhiều nhân chứng khác dù đã mất, nhưng giọng nói họ được chị kịp lưu giữ trong máy ghi âm, và điều đó càng thôi thúc đứa con T'Râu hoàn thành những trang viết mới.
Trong cuốn Làng T'Râu của tôi, A Chước Đen mới dành một phần nhỏ viết về địa danh thung lũng Khe Ma Xua, khu vực có làng cũ T'Râu, được chị khám phá ngày 8-3-2009 và tự xem là “bước ngoặt thứ hai” của đời mình. Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay mà A Chước Đen phải vượt qua là… làm sao sớm bán được sách vừa xuất bản để lấy tiền làm lộ phí tìm gặp nhân chứng và chuẩn bị ít quà tặng. Kể cả chuyện “người cha đỡ đầu tinh thần” Hoàng Minh Nhân mất đột ngột cũng khiến chị lo buồn, mất hẳn một chỗ dựa tin cậy khi chấp bút.
Bình luận (0)