Trước đó, cái tên A Chước Đen ấy được báo chí nhắc đến với tư cách một… nhân vật, khi mô tả hành trình hơn 40 năm ngược dòng ký ức tìm về làng xưa biệt tích của cô bé Cơ Tu lưu lạc.
Giờ đây, hành trình từ nhân vật trở thành người viết sách của A Chước Đen tiếp tục gây ngạc nhiên, với những khó khăn, những “duyên kỳ ngộ” khi mang bản thảo đi in… cũng gian nan vất vả tựa như tháng ngày chị lặn lội tìm đường trở lại ngôi làng T'Râu bị địch tàn sát.
Mấy năm trước, không mấy người biết A Chước Đen là ai. Mãi đến khi tiếp cận chương trình truyền hình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, một tia hy vọng lóe lên nơi cô gái Cơ Tu đang làm nghề cắt tóc ở Đà Nẵng ấy, rằng biết đâu làng xưa sẽ được tìm lại, và câu hỏi “Ta là ai?” sẽ được giải đáp.
Trong niềm mong mỏi ngày càng dồn nén, một ngày nọ A Chước Đen (với cái tên Kinh là Đinh Thị Hải Đăng) hẹn gặp chúng tôi ở Tam Kỳ, mang theo lỉnh kỉnh giấy tờ, hình ảnh, nhật ký… lẫn lộn với nguồn ký ức mờ tỏ về thân phận…
Đi tìm thời gian đã mất…
Chính những thông tin rời rạc ấy chắp nối qua nhiều năm giúp cho A Chước Đen nhận ra đầy đủ nhất về thân phận của mình: một nhân chứng đặc biệt trong số 13 đứa trẻ may mắn sống sót sau 2 đợt bị địch thảm sát giai đoạn 1960-1963 ở làng T'Râu (xã Thượng Quảng cũ, giờ là Hương Sơn, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Giai đoạn ấy, thôn T'Râu được lực lượng vũ trang cách mạng đặt kho lương thực, thực phẩm ngay trong nhà dài của làng để chu cấp cho cán bộ, bộ đội và tổ chức đội du kích Cơ Tu giữ làng, bảo vệ căn cứ cách mạng.
Đến tháng 4-1963, địch phát hiện và mở đợt càn quét 2 ngày đêm...
Sau này, trong sách của A Chước Đen, một nhân chứng khẳng định chính vì địch cài cắm người vào làng nên mọi động tĩnh ở đây đều bị phát hiện.
Ông Trần Văn Ca (1930-2008), Bí thư đầu tiên của xã Thượng Quảng, người chỉ huy trận đánh ấy từng xác nhận rằng ông nhận chỉ thị của cấp ủy đảng “một tấc không đi, một ly không rời”. Vì thế, địch đã dùng trực thăng tấn công theo phương châm giết sạch - đốt sạch - phá sạch.
Một nhân chứng khác, ông Hồ Văn Dương, người đã trực tiếp chôn cất người làng T'Râu, cho hay trong một nấm mồ tập thể có đến 37 thi thể…
Làng cũ bị phá nát, đồng bào dời đến nơi ở mới cách đó chừng 20 cây số. Giữa cơn loạn lạc, 13 đứa trẻ Cơ Tu bị địch dùng trực thăng chở xuống đồng bằng, đưa vào cô nhi viện Đà Nẵng, trong số đó có A Chước Đen khi ấy mới 3 tuổi.
Chị lớn lên trong tâm trạng mơ hồ về thân phận, những cạm bẫy từ cuộc sống, những khúc quanh của công việc, đến năm 1977 được vào Tam Kỳ học sơ cấp y tế rồi nhận công tác ở các xã miền núi Phước Sơn. Cuối cùng, chị về Đà Nẵng, mở tiệm cắt tóc tại địa chỉ 9A Lý Thường Kiệt.
Bao nhiêu năm mang thân phận cô nhi, mãi đến khi muốn tìm việc làm cần đến giấy khai sinh, A Chước Đen mới giật mình trước những câu hỏi dồn dập: Rốt cuộc mình là ai, đã sinh ra ở đâu? Những tình cờ sau đó đã kết nối chị với quá khứ mịt mù.
Năm 2003, chị chọn ngày 8-3 để bắt đầu hành trình tìm lại bản làng ở đâu đó nơi đại ngàn Trường Sơn.
Những chuyến băng rừng tìm làng cũ, tìm ngôi mộ tập thể, rồi phối hợp dựng cuốn phim “Tìm lại cội nguồn”, xây mộ cho cha mẹ, cất bốc mộ tập thể…, A Chước Đen gần như đơn độc và thầm lặng.
Ký ức nóng bỏng
Nhắc lại, kể từ năm 2003, khi khởi sự hành trình tìm về quê cũ, người đàn bà Cơ Tu sinh năm 1961 ấy cũng bắt đầu viết hồi ký. “Viết mà không biết để làm gì, không có địa chỉ nào để gửi đi. Nhưng sau chuyến đi rừng nào về, tôi cũng viết” - chị thổ lộ.
Cùng với những trang nhật ký cũ, A Chước Đen dần dà “chép" lại tâm sự của mình qua những lá thư của số phận - những lá thư đặc biệt gửi về... quá khứ. Hơn 3 năm trước, chị đã cho chúng tôi xem những dòng riêng tư ấy, với rất nhiều “đối thoại” với bà mẹ Arư xấu số:
...“Khi con viết thư cho mẹ vào những trang giấy của con, đó cũng là cách giãi bày tâm sự cùng mẹ, cứ giấu mãi những suy nghĩ nội tâm, trong lòng nặng nề lắm mẹ ạ!”.
...“Mẹ ơi, quê hương ở trong ký ức cứ ngày một tràn đầy. Nhưng với con, quê hương trong ký ức chẳng được là bao. Ký ức của một đứa trẻ lên 3 còn mờ hơn cái bóng của con soi ở vũng nước trước sân nhà”.
...“Mẹ ơi, con đã làm công việc mà mẹ và đồng bào hằng mong ước. Tình yêu của con luôn hướng về nơi ấy. Sự đoàn tụ của mẹ và đồng bào Cơ Tu chờ đợi suốt hàng chục năm qua có quá lâu không mẹ? Mẹ ơi, nơi chôn cất mẹ và đồng bào Cơ Tu cũng chính là nơi chúng con bị bắt và ra đi từ dạo ấy, khi nhắm mắt lại con luôn cảm thấy hình ảnh nơi ấy luôn hiện về...”.
...“Mẹ yêu, năm 18 tuổi trái tim con biết rung động trước một người bạn trai. Có biết bao điều mới lạ con rất cần sự chia sẻ của mẹ. Biết tâm sự cùng ai? Nhưng rồi, tình yêu ấy thật ngắn ngủi...”.
...“Mẹ ơi ! Suốt 44 năm nay đêm nào con cũng cố tìm mẹ trong giấc mơ của mình, con cứ ngỡ rằng thời gian trôi theo năm tháng, những suy nghĩ ấy cũng mờ dần trong ký ức của con trẻ, nhưng không phải vậy mẹ ạ! Cứ lần lượt những hình ảnh ấy hiện về trong lòng con mờ mờ ảo ảo. Đã bao đêm con thức trắng, con luôn nghĩ về mẹ và ngôi làng bé nhỏ của chúng ta”.
...“1.2.2007. Mùa xuân đến rồi đó mẹ. Con thật có lỗi khi mình không về thăm mẹ và ba, có rất nhiều điều muốn tâm sự cùng mẹ. Mẹ ơi, con đã khóc thật nhiều khi thấy mình chưa làm mẹ được vui lòng, nhưng tất cả mọi chuyện đâu theo ý ta sắp đặt”.
_____________________________
Kỳ sau: Viết vội, in nợ
Tác giả gần như đánh vật với từng trang viết với trình độ một học sinh lớp 6. Chưa bao giờ có một cuốn sách được hình thành đầy khó nhọc và “lạ” như thế.
Bình luận (0)