xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một cô nhi Cơ Tu viết sách (bài 2)

Theo Hứa Xuyên Huỳnh (Quảng Nam Online)

Là nhân chứng trong số 13 đứa trẻ may mắn sống sót trong hai đợt bị địch thảm sát vào năm 1960-1963 ở làng T'Râu nay thuộc xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế, người phụ nữ Cơ Tu tên A Chước Đen đã chuyển tải những ký ức đau thương vào quyển hồi ký "Làng T'Râu của tôi"

Bài 2: Viết vội, in nợ
 
“Quá khứ và hiện tại luôn đảo lộn trong suy nghĩ của tôi. Tôi bước đi trên bờ dòng sông Hàn giữa thành phố Đà Nẵng, bất chợt nhìn thấy những chiếc đèn lồng lặng lẽ trôi trên sông mà ai đó đã thả, chợt thấy lòng buồn vời vợi tự hỏi: Có còn ai nhớ đến linh hồn đồng bào tôi? Làm sao để thả được những chiếc đèn lồng bay về hướng núi?”...
 
“Chính những hạt lúa rẫy đã gợi lên cho em nỗi nhớ về người mẹ núi. Nó giống như thân phận của người phụ nữ vùng cao, luôn có sức chịu đựng nắng mưa, bão táp, phong ba. Hạt lúa chịu thương chịu khó ấy đã đồng lòng góp phần nuôi quân trong những năm kháng chiến, tại sao người dân quê em ít ai muốn giữ gìn. (...). Em sợ mai sau lớp trẻ quê mình chẳng còn có cơ hội nhìn thấy hạt lúa rẫy ấy nữa”...
 
Làng T'Râu của tôi có những đoạn viết đầy hình ảnh như thế. Nhưng ít ai biết, tác giả đã phải “vất vả” như thế nào suốt 7 năm qua - thời gian mà chị vừa xâu chuỗi thông tin, vừa mày mò viết rồi mang nhờ nhiều người đọc sửa...
 
img
Nhân chứng ở làng T’Râu bật khóc khi được tác giả (trái) tặng sách 
 
Đánh vật với từng con chữ
 
Nhà văn, nhà thơ Hoàng Minh Nhân mất đột ngột hồi cuối tháng 3-2011 khiến A Chước Đen hụt hẫng. Chị xem ông như người cha đỡ đầu tinh thần. Trước Tết Nguyên đán Tân Mão, A Chước Đen xin được giấy phép xuất bản.
 
Ngày 27-3, chị đến nhà ông báo tin mừng rằng sách sắp in tại Quảng Nam, nhưng chỉ hai ngày sau ông mất... “Anh đi rồi, còn ai nghe em kể chuyện T'Râu?” - chị buồn bã.
Vừa đọc, vừa viết
 
Để “củng cố” vốn từ và học cách viết, A Chước Đen đọc ngấu nghiến sách chủ đề “Hạt giống tâm hồn” của NXB Trí Việt. Đó cũng là một sự tình cờ nữa: sau lần liên hệ theo địa chỉ của NXB, A Chước Đen quen với một nữ nhân viên và được người này quý mến, rồi gặp nhau, tặng 2 thùng sách (khoảng 50 cuốn) để chị trau dồi kỹ năng viết.
 
Tất cả khởi đầu từ một dịp tình cờ, khi vợ của nhà điêu khắc Nguyễn Công Thành ghé tiệm cắt tóc của A Chước Đen hồi năm 2008 nhân lúc chồng đang thực hiện một tác phẩm ở Đà Nẵng. Chị khoe bản thảo cuốn hồi ký “Hành trình tìm lại cội nguồn” của mình, không ngờ khách thấy hay, mách với nhà văn Hoàng Minh Nhân. Chính ông Hoàng Minh Nhân cũng thích thú, liên hệ với chị rồi gửi đăng 2 bài trên tờ Văn hiến.
 
Sự thích thú này được ông ghi lại khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách: “Lần giở mỗi trang của cuốn tự truyện đặc biệt Làng T'Râu của tôi, bạn như đang bước sâu hơn vào ký ức của cô gái Cơ Tu, là nhân chứng trong số 13 đứa trẻ may mắn sống sót trong hai đợt bị địch thảm sát vào năm 1960-1963. Những chi tiết không thể nào quên đã lột tả cả nét hồn nhiên của tuổi thơ lẫn cuộc đời của một cô gái trưởng thành bước vào đời có biết bao thử thách. Hiếm hồi ức nào mãnh liệt tột cùng như tác phẩm đầu tay của A Chước Đen, cô đã chuyển nỗi đau của mình vào những lời văn bình dị, nhưng đã diễn tả hết nỗi đau nhớ cha mẹ, dòng họ, quê hương da diết, trong những năm xa cách”.
 
Nhưng từ những trang hồi ký viết vội, để thành hình trang sách đầy đặn là cả một câu chuyện dài. A Chước Đen tâm sự: “Sau này có học trường y tế rồi đi làm, nhưng trước đó tôi mới học đến lớp 6 rồi dừng. Nên lúc viết nhật ký, viết sách thì chỉ dựa vào cảm hứng, nghĩ chi viết nấy. Tôi không biết chấm phẩy chỗ nào, câu văn cứ tuôn ra như nước chảy trong khe suối. Nói về chính tả thì… ôi, tôi sai toàn bộ!”. Ít nhất là 5 người đã tham gia giúp chị sửa câu, sửa dấu, có cả bác cán bộ hưu trí và chồng chị. Quả thật, chưa thấy ai viết sách một cách “hồn nhiên” như A Chước Đen…
 
Tất nhiên Hoàng Minh Nhân biết rõ điều này, nên ông dặn dò A Chước Đen: “Em có ý tưởng, nhưng muốn viết được thì phải đọc. Đọc, chỗ nào thấy cần thì ghi chú, để khi viết muốn diễn tả nhưng lại thiếu vốn từ thì lật sách”. Nhà văn Hoàng Minh Nhân còn khuyên rằng lần nào trở lại rừng cũng phải biết quan sát, biết ghi chép, điều mà trước đây chị không hề có kinh nghiệm.
 
Những trang đầu Làng T'Râu của tôi, A Chước Đen thành thật cảm tạ Hoàng Minh Nhân: “Ông chính là người động viên tôi rất lớn trong thời gian bơi ngược dòng tìm hiểu lịch sử làng T'Râu trong những năm kháng chiến. Ông không tiếc thời gian thăm hỏi, động viên tôi, ân cần chỉ dẫn tôi tìm thấy sức mạnh nội tại và phát huy đạo đức, nhân cách cội nguồn của người dân đất Việt”.
 
Trân trọng như thế là bởi, ngay cả Hoàng Minh Nhân trở bệnh nặng, mắt mờ, họ vẫn tiếp tục công đoạn đọc - sửa theo một cách đặc biệt: A Chước Đen đọc và thu âm vào cát-xét, mang đến mở lại, chỗ nào thấy “không ổn” thì bấm dừng băng…
 
Cầm cố tài sản
 
Xong phần nội dung, lại đến mối lo in sách. Gõ cửa một nhà in ở Đà Nẵng, nghe báo giá thành cùng với số lượng, chị liệu bề không kham nổi nên thôi.
 
Lại run rủi gặp Dương Kiện, tác giả cuốn “Tiếng cồng Ama”, và ông này nhiệt tình kết nối với Công ty cổ phần In - Phát hành sách và Thiết bị trường học Quảng Nam đề nghị giúp đỡ.
 
Lần đầu, A Chước Đen vào Tam Kỳ, mượn của người thân 2 triệu đồng để ứng trước. Lần sau, chị cẩn thận mang theo cả “sổ hồng” của gia đình, nhưng bị nhà in… từ chối, bảo không cần phải thế. Đây là lần thứ hai chị mang “sổ hồng” đi cầm, lần trước lo kinh phí xây mộ người thân ở làng cũ T'Râu.
 
Trong lần thứ hai mang sổ đi thương lượng ấy, A Chước Đen tình cờ gặp một cô gái trẻ, con một chủ đại lý bán gạo ở phường An Xuân - Tam Kỳ. Cô gái (không muốn nêu tên) này biết chuyện, liền cho mượn ngay 10 triệu đồng. Mừng, nhưng không muốn lợi dụng ai, ít ngày sau A Chước Đen và chồng đã viết một giấy mượn tiền mang vào, nhưng cô gái tốt bụng ấy cũng từ chối nhận giấy.
 
Khi sách in đã ráo mực, tác giả vẫn loay hoay không biết... định giá bao nhiêu để bán. Nhưng rồi mọi ồn ào, tất bật cũng đã qua với nhiều chuyện tình cờ, phía trước chị còn đó rất nhiều dự định.

______________________________

Bài cuối: Đối diện số phận

Như A Chước Đen đã viết: “Cuộc sống là vậy đó, đôi lúc chúng ta cần dành những khoảng lặng để nhìn lại, cùng chia sẻ, suy ngẫm...”. Phía sau kảng lặng ấy, đứa bé Cơ Tu lạc loài đã dũng cảm đối diện số phận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo