Làng tôi ngày trước nhiều ao lắm! Ao làng sạch, nước trong veo, quanh bờ ao luôn có những hàng dừa thẳng tắp chạy dài, lũy tre xanh cong nghiêng in bóng xuống mặt nước như những bức tranh thủy mặc được cậu tôi vẽ lại. Có ao trồng nhiều hoa súng, cứ đến mùa lại rực rỡ tím cả một vùng quê nghèo. Bao năm xa quê trở về, giữa bộn bề cuộc sống lo toan, chỉ cần được bước xuống từng bậc cầu ao, khua đôi chân vào dòng nước mát lành và cúi mình đưa hai bàn tay hứng trọn từng giọt nước trong vắt, cả bầu trời tuổi thơ như ùa về trong tôi, dẫu khó nhọc mà bình yên vô cùng.
Ao làng một miền ký ức của tuổi thơ.
Thuở xưa ấy, nhà bác tôi có 2 cái ao cạnh nhau. Ao sâu, to và nổi tiếng trong làng bởi làn nước trong vắt. Cũng bởi vì những đặc điểm nổi bật này mà ao nhà bác tôi trở thành điểm hò hẹn lý tưởng cho lũ trẻ trong làng vào những buổi trưa hè trời đổ nắng gắt. Sung sướng nào bằng cảm giác ngồi vắt vẻo trên những cành sung cao, vặt từng quả sung chín mà thưởng thức, rồi hứng chí nhảy tủm xuống ao, hòa mình vào làn nước mát lạnh. Nước bắn tung tóe, bắn cả vào mắt gây đỏ ửng, đau rát, ấy vậy mà, tiếng cười chẳng chịu ngớt đi.
Ngày đó, lũ con trai vẫn thường thách thức nhau bằng những màn nhào lộn từ cành sung cao xuống nước, còn con gái chúng tôi ở trên hò reo, cổ vũ. Đứa nào thực hiện được số lượng màn nhào lộn nhiều hơn sẽ được cả nhóm gom tiền mua kẹo. Sau màn nhào lộn đầy kịch tính của đám con trai ấy, chúng tôi thường rủ nhau mò ốc. Chẳng hiểu sao, cái thời đó, ốc ở đâu mà nhiều đến thế! Ốc quắn, ốc nhồi bám chi chít vào những cành tre, khúc gỗ, lá chuối, rễ bèo... Chỉ cần hai tay quơ một lượt là đã có một nắm ốc to, béo nhẵn. Chẳng thế mà, thoáng cái, chỉ chừng 30 phút mò chăm chỉ, thành quả lao động sẽ được đền đáp bằng cả chậu ốc ngon lành.
Những buổi trưa nắng, mấy đứa con nít trong làng lại tìm đến những bụi cây cao bên bờ ao, để câu tôm. Những chiếc cần câu được làm từ xương lá dừa, mỗi đứa có khoảng năm chiếc, mồi câu được chuẩn bị sẵn từ đêm hôm trước. Chỉ việc cắm những chiếc cần nhỏ ven bờ ao, rồi thi nhau gấp kèn bằng lá dừa, xem kèn đứa nào thổi to hơn. Một lúc sau, đứa nào đứa nấy thích thú khi nhìn thấy cần câu của mình dính mồi, rồi nhìn nhau cười khoái trá. Tôm nhiều đến nỗi chỉ khua chân xuống bờ ao là tiếng tôm nhảy tý tách.
Rồi cả những đêm hè xưa ấy, chỉ mong sao buổi tối mất điện để lũ trẻ chúng tôi không phải làm bài tập mà kéo nhau ra bờ ao ngồi, đứa nghêu ngao hát, đứa rủ nhau chơi nu na nu nống nghiêng ngả tiếng cười bên nhau. Người lớn cũng mang chiếu ra bờ ao hóng gió mát, tâm sự đủ thứ chuyện trên trời dưới biển. Tình làng nghĩa xóm cũng từ cái ao làng thân thương mà trở nên khăng khít, bền chặt hơn.
Ký ức về ao làng trong tôi còn đến từ những lần đi xem tát ao và "hôi" cá. Cuối tháng chạp người dân trong làng tôi thường tát ao bắt cá để ăn tết. Ao được rút nước bằng những chiếc máy bơm cỡ lớn. Chừng nào ngửi được mùi bùn ao ngai ngái sộc thẳng vào mũi thì biết ao sắp cạn nước. Người xuống bắt cá khi ao đã cạn thì lấm bùn từ đầu đến chân, chỉ có đôi mắt sáng rực và nụ cười trắng lóa.
Một lũ trẻ con lít nhít đứng trên bờ cầm giỏ đựng con cua, con ốc. Giỏ đứa nào nhiều hơn sẽ thắng. Cá ao nhà tôi thì ngon nức tiếng vì bà nội cho chúng ăn rau, ăn cỏ, ngày ấy làm gì đã có thức ăn chăn nuôi tăng trọng như bây giờ. Những con cá trắm mình đen chắc lẳn, những con cá mè vảy bạc lấp lánh, những con cá chép quẫy đuôi mạnh như muốn hóa rồng, những con cá chày mắt đỏ ngầu sắp khóc, những con cá giếc khôn lanh giả vờ đang ngủ trong chiếc rổ xảo có lót áo mưa chờ tay người mua chọn lựa lao xao.
Ao làng cũng là nơi mang đến cho tôi những ký ức cùng bố. Tôi là con gái nhưng suốt ngày theo chân bố. Chỉ mong hôm nào bố được nghỉ làm là hai bố con lại vác cần đi câu. Đi câu cá là thú vui tao nhã của bố tôi. Bố tự làm cần câu từ những cây nứa trầu, chọn cây già bánh tẻ, có độ cong vừa phải. Bố vuốt sạch từng mắt nứa, rồi hơ với lửa để nắn cần câu cho đẹp. Bố không quên làm cho tôi một cái cần nhỏ để đi câu cùng. Hai bố con đào đất bắt giun rồi vác cần đi câu ở cái ao sau nhà bà nội. Bố chọn cho tôi một vị trí mát mẻ, bắc cho tôi một cái ghế và tập cho tôi câu như một cần thủ thực thụ. Bố tôi sát cá lắm, giật cần lia lịa, từng con cá trắm, cá trôi béo ngậy thi nhau nằm gọn trong chiếc xô bố mang theo.
Còn tôi, dẫu kiên nhẫn lắm, thành quả cũng chỉ câu được vài chú cá đuôi cờ bé xíu. Ấy vậy mà vui! Tôi cười giòn tan với "chiến tích" của mình, bố xoa đầu khuyến khích, niềm vui gói gọn của riêng hai bố con. Có những giây phút hạnh phúc, dẫu nhỏ nhoi, dẫu chỉ là thoáng qua nhưng cả cuộc đời ta sẽ khó có thể quay trở lại khoảnh khắc ấy. Thoáng cái, thời gian đã chớp qua một hồi ức xanh ngát, đứa con gái nhỏ bé của bố ngày nào cũng lớn dần theo thời gian. Những kỷ niệm đó, mãi chỉ còn là một miền ký ức đẹp bên bố và ao làng.
Ao làng sâu lắng mảnh hồn quê.
Làng quê giờ đây đang dần thay da đổi thịt, khoác trên mình chiếc áo mới. Sự thay đổi đó đã làm tan biến đi nhiều nét đẹp của hồn quê, trong đó có hình ảnh ao làng. Ao bị lấp đi, nhường chỗ cho những căn nhà cao tầng. Hương vị hồn quê cũng nhạt dần trong ký ức của những đứa trẻ thôn quê. Tiếc cho lũ trẻ bây giờ, muốn tập bơi phải ra bể bơi nhân tạo, không có nổi tuổi thơ dữ dội như chúng tôi ngày ấy. Vả lại, nếu còn ao làng thì sự ô nhiễm cũng chẳng còn làm nó lung linh trong mắt tụi trẻ nữa, tất cả chỉ còn lại những ký ức và hoài niệm.
"Ao làng xưa trong veo, chúng tôi bé tẹo teo. Chiều chiều hò nhau ra tắm, bơi lội dọc ngang, nước vẫn trong veo. Thế rồi lớn, thế rồi đi, kim đồng hồ quay, trái đất tròn quay, lịch thế kỷ quay, 50 năm một ngày trở về. Còn đâu ao làng trong veo, ao làng giờ bé tẹo teo. Ngồi mà vui, ngồi mà buồn, ao làng nước đen cá phơi bụng trắng, không còn tóc tiên, không còn hoa súng. Ngồi mà ước, ngồi mà mong, bao giờ ao làng lại trong veo".
Tôi xin mượn lời bài hát Ao làng của nhạc sĩ Lê Mây như lời thương nhớ gửi về tuổi thơ, gửi cho người bạn "ao làng" của những năm tháng ấu thơ dữ dội ấy. Cảm ơn, vì đã cho tôi một tuổi thơ đẹp như vậy!
Bình luận (0)