Chùa Pháp Hoa được xây dựng từ năm 1928, tọa lạc trong một con hẻm trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, TP HCM). Trước đây chùa giản dị với mái lợp tranh. Sau đợt trùng tu lớn vào năm 1993, chùa có quy mô như hiện tại. Năm 2015, Chùa Pháp Hoa được công nhận di tích lịch sử tại TP HCM.
Vị trụ trì của chùa từ lâu đã sưu tập, lưu giữ các loại bình vì yêu thích kiểu dáng, màu sắc, chất men thanh tao của đồ gốm... Với khoảng 10.000 bình, nơi đây được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa có nhiều bình gốm nhất từ năm 2007.
Phần lớn những chiếc bình đủ màu sắc, hoa văn, kích thước, niên đại... được nhà chùa bảo quản ở trong kho.
Những cổ vật gốm sứ chủ yếu xuất xứ từ các địa phương làm gốm nổi tiếng ở Việt Nam như Bát Tràng, Biên Hòa, Bình Dương, Chu Đậu.... Một số món đồ có xuất xứ ở Trung Quốc, Nhật Bản...
Các món đồ được nhà chùa trang trí khắp nơi xen kẽ với tượng Phật.
Tại chánh điện có trên 50 chiếc bình lớn nhỏ, phòng khách có khoảng 500 bình. Ngoài ra, đồ gốm còn được bày trong giảng đường, nhà tổ, phòng lưu niệm...
Ngay khu vực trang trọng nhất của chánh điện là bốn chiếc có chiều cao hơn 2 m
Những chiếc bình xen kẽ với ấm, tách của các làng gốm Việt Nam được bảo quản cẩn thận trong tủ kính.
Chiếc bình của dân tộc Chăm có niên đại khoảng thế kỷ 19 được trưng bày trong phòng khách.
Chùa còn nhiều đồ gốm khác như các bức tượng Phật, chân đèn, ấm chén... Trong đó, nổi bật là hai con nghê do các nghệ nhân Việt chế tác cách đây hai thế kỷ.
Ở vị trí trung tâm chánh điện, ngoài tượng Phật lớn thì nhà chùa còn hai tượng Phật nhỏ bằng gốm, xuất xứ từ thời vua Càn Long, thuộc triều đại nhà Thanh ở Trung Quốc.
Ngoài ra, ngôi chùa còn sở hữu kỷ lục với bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa khắc trên đá đầu tiên tại Việt Nam. Bộ kinh gần 70.000 chữ Việt ngữ được sắp xếp bố cục hài hòa, chữ màu trắng khắc trên nền đen của đá granite.
Bình luận (0)