Câu chuyện này được kể từ một vụ án mạng có thật xảy ra năm năm trước.
1. “Đời làm sao biết ai khổ hơn ai?”, bà ta cười cong cớn đáp khi chúng tôi nói cho bà ta biết hoàn cảnh của T, cậu bé mồ côi cả mẹ lẫn ba đang sống cùng bà ngoại, vẫn đi ngang quán sinh tố của bà ta mỗi ngày trên đường lượm vỏ bia bán lấy tiền kiếm sống.
“Thằng bé học giỏi lắm đấy. Bà là hàng xóm của nó mà không biết à…?” Tiếng lạo xạo phát ra từ cái máy xay sinh tố đột ngột dứt, bà ta hất cằm chỉ đứa bé đứng bẽn lẽn trước hiên nhà: “Con em đấy, thằng bé khổ 10, con em cũng khổ 8”.
Rồi bỗng nhiên bà ta vồn vã tới gần chỗ chúng tôi. “Con em 4 đứa này. Ba nó ở tù 5 năm rồi đấy. Ba nó giết ông ngoại nó đấy. Các anh thấy có bi kịch không”, giọng bà ta ấm ức, cười như mếu.
Dáng vẻ tháo vát, điệu bộ đon đả của bà ta bỗng nhiên trở nên khắc khổ. Tôi thoáng thấy có lỗi, tinh tướng lắm, làm ra vẻ cảm thông với đời lắm, mạnh mồm chê người khác là kẻ vô tâm. Nhưng ở đời, làm sao biết ai khổ hơn ai?
Bà ta ngồi xuống, đôi mắt đỏ hoen ngân ngấn nước. Tôi thấy mình như gã thiên lôi vừa khều một đám mây nặng trĩu, kí ức ùa về trong bà ta như một cơn giông ập tới.
Bà sinh ra một gia đình nghèo có bốn chị em, cuộc sống khốn khó, không được học hành đến nơi đến chốn, 8 tuổi bà đã bỏ học theo mẹ bán sinh tố. Ra đời sớm, bà sớm phát tiết cái chất đàn bà điêu toa đanh đá.
Cái nết ấy, cộng với thân hình thiếu nữ dậy thì khiến bà trở nên hấp dẫn với đám đàn ông. 18 tuổi, ghế trong quán sinh tố bao nhiêu thì bấy nhiêu gã trai theo bà.
Gã, vừa câm vừa điếc, con một đại gia có tiếng của làng biển kế bên. Câm, điếc nhưng vẫn là con kình ngư quanh năm lênh đênh với những chuyến biển xa bờ.
Cứ mỗi chuyến biển về, gã lại ghé thăm bà. Lần nào tới gã cũng gọi ra dấu bằng tay, gọi 2 ly sinh tố, một cho gã, một cho bà. Mưa dầm thấm lâu, dần dà đám đàn ông xung quanh bà dạt đi hết, để một ngày, họ nên vợ nên chồng.
Đâu mới là sự thật, hay mỗi người đều có một sự thật, đều ôm một nỗi khổ riêng mình? Ảnh minh họa. Internet.
Người ta bảo bà tham tiền, gái tơ son sắc, ai lại đi lấy cái gã câm điếc ấy. Thật lòng mình, bà cũng muốn có tấm chồng giàu để cha mẹ bớt khổ, lo cho mấy đứa em, nhưng tình cảm cho gã là thật, bà tự nhủ.
Không phải tình yêu, chỉ là thấy thương thôi, nhưng bà quả quyết: “Lấy chồng như vậy mới là chồng mình”. Ngờ đâu…
Người ta nói đàn bà yêu bằng tai, vợ chồng người ta mỗi lần hục hặc là chồng rót vào tai vợ lời đường mật, tìm đường ấm êm làm lành. Đằng này, gã cứ ậm ờ ú ớ.
Những mâu thuẫn nhỏ nhặt cứ thế âm thầm không nguyên cớ, nỗi mệt mỏi và căng thẳng mỗi ngày lại tăng thêm. Về sau, bà ta sinh bệnh thiếu máu não. Mỗi lần vợ chồng gần gũi, thấy bà ta hờ hững, gã sinh ghen tuông nghi hoặc. Mỗi lần đòi ái ân mà bà không chịu, gã lại đưa dao vào cổ dọa.
Mỗi ngày trôi qua cùng gã chồng câm điếc như một ngày ngục tù đày ải. Rồi một ngày bà bứt, đâm đơn ra tòa ly hôn, lúc ấy hai người đã có ba mặt con.
Đường ai nấy đi, gã đi biển, bà vào miền Nam làm thuê kiếm tiền nuôi con. Ngỡ đâu mỗi người ôm một nửa cô đơn rồi nguôi ngoai. Ngờ đâu một ngày, gã cầm dao đâm chết cha bà.
Ông già chết tại chỗ, cái tin ấy như sét đánh ngang tai. Người ta không hiểu sao gã ngư dân hiền lành ấy lại làm chuyện tày trời.
Bà hớt hải chạy về nhà, khóc tức tưởi. Cái chết của ông già khiến bà vật vờ như thây ma. Ông già chết là lỗi của bà chăng, tại bà ham giàu lấy gã mà ra nông nỗi này chăng, tại mình không biết bằng lòng với bản thân chê gã câm điếc bỏ đi mà sinh lòng thù hận chăng?
Trong những ngày tận cùng bỉ cực, một gã trai trẻ hơn bà ta 4 tuổi đến bên gần gũi ân cần chăm sóc. Cũng trong năm đó, gã trai trẻ và bà dọn về sống chung một nhà. Gia đình phản đối, mặc kệ.
Một năm sau, bà sinh cho gã chồng sau một đứa nữa. Vậy là mới ngoài 30, bà đã có hai đời chồng, bốn đứa con. Đứa con gái đầu năm nay 18, là đứa trẻ bất hạnh chứng kiến bố nó giết ông ngoại, đã bỏ học theo làm nghề nail. Đứa con trai duy nhất bị gia đình phía chồng giành về nuôi nối dõi tông đường, bà chỉ có thể gặp lén lút khi nó đến trường, vì bà nội cấm gặp mẹ.
Bà sống cùng gã chồng mới và hai con nhỏ trong một căn nhà trong xóm biển. Gã chồng trẻ cũng là ngư dân, tháng về bờ đôi lần, còn bà vẫn miệt mài đẩy cái xe sinh tố ra quốc lộ mỗi ngày kiếm tiền nuôi con.
Người đời riết rồi quen với những ly sinh tố ngọt thơm bổ dưỡng từ tay bà, đâu hay những đắng cay bà giấu kín trong lòng.
2. Đã năm năm từ cái ngày định mệnh ấy, gã phải trả giá cho hành động tàn nhẫn của mình bằng những ngày đằng đẵng trong tù, mức án 10 năm cho kẻ giết bố vợ cũ.
Gã vừa câm vừa điếc, lấy được người vợ xinh đẹp ngỡ đâu là phúc ông bà. Nhưng vợ gã sau cái gật đầu làm đám cưới dần trở thành một con người khác.
Hết mực thương yêu những mong vợ giữ lòng thủy chung tình nghĩa, nhưng không thể xua tan nỗi tủi thân của vợ, gã chỉ biết trách mình, có lẽ vì gã là kẻ điếc, câm.
Người ta thường nói con cái là sợi dây kết nối cha mẹ. Nhưng ba đứa trẻ lần lượt ra đời mà lòng người ngày một xa nhau. Sự khó chịu, gắt gỏng bên chồng mỗi ngày một lộ rõ, dù cố năn nỉ van xin nhưng người đàn bà ấy vẫn lạnh tanh.
Đàn bà đã thay dạ đổi lòng, dễ gì lay chuyển. Rồi chuyện gì đến đã phải đến, họ ra tòa ly hôn. Những chuyến biển của gã giờ đây cô độc hơn khi không có người đàn bà hậu phương đợi ngày về.
Nỗi khổ nhục, tủi phận gã ôm trong lòng sinh ra thù hận. Day dứt không hiểu vì sao mình bị vợ bỏ, vì sao gia đình vợ lại chửi mắng mình, một ngày kia, gã quyết định đến nhà bố vợ cũ hỏi ra cho lẽ.
Cầm con dao theo, gã nốc hai lon bia uống lấy can đảm rồi đến nhà bố vợ cũ. Xô xát xảy ra, ông già gục xuống sau một nhát dao.
Ngày ra tòa, gã thút thít thương vợ, hối hận những việc mình làm. Nhìn gã ai cũng xót xa, bao nhiêu chữ giá như không thể cứu được những đổ vỡ đã xảy ra.
Nỗi cô độc và ám ảnh tội lỗi chắc sẽ theo hắn cả đời. Hắn ngồi trong tù, thi thoảng đứa con trai theo nội tới thăm. Mỗi lần gặp con là một lần mắt hắn rơm rớm nước, chẳng biết nói gì, chẳng thể nói gì.
Bình luận (0)