Lên Sài Gòn cái gì cũng phải cẩn thận nghe con”. Câu nói má dặn con trước lúc bước lên xe rời cái thị xã nhỏ bé nằm nép mình ven biển Tây – Rạch Giá – để lên Sài Gòn trọ học. 20 năm hơn đã qua, câu nói ấy giờ lại là của tôi nói với má. Thật vô thường!
1. Tết rồi, không nói ra, nhưng gần như cả ba và bốn chị em tôi đều thầm trách má. Trách má vì má đã dứt khoát từ chối “ham muốn” của ba khoá cửa nhà ở Sài Gòn về Rạch Giá ăn cho hết cái Tết, cho thoả nỗi nhớ bạn, nhớ bè, nhớ cái quán càphê ven con sông cặp cầu Đúc đổ ra biển Tây, nhớ cái quán nhậu nằm ngay bờ biển bùn – Hoa Biển. Vậy mà má dứt khoát không thèm nhớ như ba. Má chỉ nói: sáng mùng 1 bay về, sáng mùng 3 bay lên thì được, còn đi dài ngày thì má không đi được. Nhà cửa ở Sài Gòn bỏ đi lâu không yên.
Giận má, ba không thèm về và cái Tết vừa rồi, ba không thèm nói với má câu nào, chỉ trách má bay mới lên Sài Gòn ở có mấy năm mà quên hết bà con, bạn bè, quên luôn cả cái thị xã Rạch Giá (nay đã là thành phố). Ba hết biết má tụi bay rồi! Người đâu mà cân – đo quá!
Ừ, cái tính cân – đo của má mà ba tôi “phán” có lẽ xuất phát từ những ngày gian khó nơi cái thị xã nhỏ bé bên bờ biển Tây, có người phụ nữ tằn tiện từng chút, suy tính từng đồng để nuôi bốn đứa con ăn học dựa vào đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng. Đến khi nhà đã khấm khá, đủ ăn đủ mặc, má vẫn cứ thế cân – đo, mặc cho ba tôi phát bực mỗi khi muốn đổi cái tivi, bộ bàn ghế mới hay xây cái nhà thật hoành tráng cho dân Sài Gòn thấy “dân tỉnh vậy chớ… giàu”.
Tính má là thế, nhiều khi khiến con cái phát bực. Dù đã sắp chạm 70 nhưng má vẫn cứ lưỡng lự, suy tính tới lui kể cả chuyện không làm phiền con cái. Giờ không còn sức như xưa nhưng má vẫn cứ thế làm hết việc nhà, bất chấp con cái muốn thuê người giúp việc cho má khoẻ thân.
Không biết, ba tôi nói gì với mấy dì dưới quê, vừa ra giêng, dì Út gọi điện lên trách má. May cho tôi. Đúng, rất may cho tôi khi nghe được toàn bộ câu chuyện, nghe được những lời tận đáy lòng má. Má nói, má nhớ mấy dì chớ, má cũng nhớ Rạch Giá nhưng má không thể về quê ăn Tết lâu, bởi mấy đứa nhỏ có về hết với má đâu, mà má thì không thể ăn Tết mà không thấy giáp mặt con cháu. Như vậy má lo, má không đi lâu được như ý muốn của ba. Quê má giờ là đám “nhóc” bốn chị em tôi, là bầy cháu nội ngoại. “Nơi đâu có tụi nó, chị mới thấy vui”, má kết thúc câu chuyện với dì Út như vậy.
Bỗng nhớ lời má, nói khi tranh luận việc thuê người làm với chị Hai hồi má mới làm nhà ở Sài Gòn, khi chị Hai thấy nhà rộng mà má cứ còng lưng quét dọn. Má nói chừng nào còn làm được thì má vẫn tự làm, bởi khi còn làm được việc má mới thấy mình đáng sống, đáng có mặt trên cõi đời này. Thì ra, má muốn dạy chị em tôi bằng chính cuộc đời tằn tiện nhưng lương thiện và thanh cao của mình.
Giờ tôi mới biết cái bến, cái quê trong lòng má là như vậy.
2. Nếu năm nay, ông bạn nhà báo Thế Giới Tiếp Thị không gợi ý viết bài báo Xuân về bến, về má thì chắc thằng con như tôi không bao giờ nhớ lại và biết “quê” của má ở đâu. Và chắc cũng không khi nào có những dòng viết kể trên để thay lời xin lỗi má.
Càng nhớ, càng nghĩ càng thấy mình đáng trách.
Thói đời, chỉ cần nghe đứa em bạn ở Hậu Giang đưa vài tâm sự về Vị Thanh – nơi tôi đã từng ở và làm việc khi mới chia tách tỉnh Cần Thơ – Hậu Giang hồi năm 2004 – với đại ý: “Đừng quên dòng Xà No nơi chúng ta đã đi qua nhé các chế, các anh”. Tôi liền cồn cào nhớ và muốn vác balô nhảy về để được sống trong kỷ niệm. Hay, kể từ khi các ông bạn đồng nghiệp chỉ cho cái bến Mễ Cốc chiều cuối năm, là y như rằng hai năm nay cứ cận Tết, tôi lại muốn lao về…
Ác vậy, cái gì thuộc về ký ức quê với các bến sông, bến đò, dòng kênh cứ đi qua nhắc lại là tôi nhớ nao lòng, nhưng cứ mỗi lần má kêu ba chở ra chợ hoa bến Bình Đông mua hoa ngày Tết, ngay lập tức, anh chị em chúng tôi nhao lên: hoa Tết đầy đường, chỉ cần ra trung tâm hội chợ triển lãm Tân Bình, công viên Hoàng Văn Thụ, hoặc giả, xa lắm cũng chỉ cần tới công viên Gia Định mua là được rồi. Đường sá Sài Gòn ngày cận Tết đông nghẹt, đi ra tận bến Bình Đông mua hoa có mà coi chừng rước hoạ ấy. “Lên Sài Gòn cái gì cũng phải cẩn thận nghe con”, câu nói má dặn con trước lúc bước lên xe rời cái thị xã nhỏ bé nằm nép mình ven biển Tây – Rạch Giá – để lên Sài Gòn trọ học. 20 năm hơn đã qua, câu nói ấy giờ lại là của chị em tôi nói với má. Thật vô thường!
Để rồi, ba năm đề nghị cũng là ba năm má bị từ chối trong sự “bao biện” của chị em chúng tôi. Giờ, mới thấy con trẻ “ích kỷ” chỉ muốn mình nhớ còn với má thì không cho má nhớ mà chỉ muốn má an toàn, để suốt đời “che” cho mình. Chẳng lẽ, con cái có quyền nhớ, có quyền tìm về những nơi gần giống quê xưa để hoài niệm, còn má thì không?
Tết này, không chắc có tập hợp được cả thảy gia đình bốn anh chị em để về quê ăn hết cái Tết với ba má hay không, nhưng tôi tin chắc sẽ ủng hộ ý kiến mua hoa Tết của má ở bến Bình Đông và tôi là người tháp tùng.
Đã có một nghịch lý bắt đầu diễn ra trong tôi. Có thể bạn dễ dàng trả lời rằng quê của bạn là một tỉnh, thành nào đó mà bạn sinh ra lớn lên, còn tôi bây giờ thì không. Ai hỏi, tôi sẽ trả lời quê con là: Má!
Bình luận (0)