Bà Soi chăm sóc người mẹ già yếu.
Vẫn còn nhớ như in hôm nghe được thông báo đến nhận lại ví, chị Nguyễn Thị Ái Việt bồi hồi: “Đó là tất cả vốn liếng mà vợ chồng tôi dành dụm được, nên đi đâu tôi cũng mang theo bên người. Khi phát hiện ví bị mất, tôi bần thần, đứng ngồi không yên vì không biết phải nói với gia đình như thế nào. Tôi cứ đinh ninh rằng ví đã đánh rơi thì không bao giờ lấy lại được. Không ngờ tôi lại gặp được một người có đức độ, thật thà như bác Soi”.
Sắp bước sang tuổi 60, nhưng bà Soi vẫn là trụ cột chính của gia đình. Người mẹ già là cụ Nguyễn Thị Cho năm nay đã bước sang tuổi 98 nên chỉ nằm một chỗ. Còn đứa con gái nuôi mồ côi cả cha lẫn mẹ là cháu Nguyễn Thị Tường Vy thì đang học năm 2 đại học. Vậy là bao nhiêu gánh nặng áo cơm đè nặng trên đôi vai của bà.
Vừa phải nuôi mẹ già đau yếu, vừa nuôi con gái ăn học, tài sản của bà Soi chẳng có gì ngoài thửa ruộng diện tích chưa đến một sào, không đủ cơm ăn ngày 3 bữa. Ngoài việc sớm hôm tảo tần bên đồng ruộng, bà Soi còn đi làm cỏ, gặt lúa thuê cho nhiều người trong xóm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày. Khó khăn là vậy, song “Của rơi không phải là của mình, dù chỉ một đồng, một hào cũng phải trả lại”- bà Nguyễn Thị Soi nói.
Ngày chị Việt mang tiền đến “hậu tạ”, bà Soi kiên quyết chối từ. Bởi với bà, “đói cho sạch, rách cho thơm”, trả lại tiền cho người mất là chuyện phải làm nên không cần phải trả ơn, trả nghĩa. Ông Ngô Thanh Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho hay, gia đình của bà Nguyễn Thị Soi thuộc diện hộ nghèo, nhưng bà vẫn không màng của rơi và đã trả lại cho người mất. Đây là nghĩa cử rất đáng quý.
Bình luận (0)