xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Săn cá khủng trên dòng sông chảy ngược ở Tây Nguyên

Theo N.T.Dũng (An Ninh Thế Giới)

Giữa đại ngàn Tây Nguyên, có một dòng sông huyền bí. Dòng sông ấy chảy qua nhiều buôn làng của tộc người Êđê và Mnông, qua vùng đất huyền thoại Buôn Đôn

Sông Sêrêpôk có tổng chiều dài 315km, trải dài trên lãnh thổ hai nước Việt Nam, Campuchia. Khởi nguồn từ sự hợp lưu của hai con sông Krông Nô - Krông Ana, tiếng bản địa là “sông chồng - sông vợ”, dòng sông chảy ngược hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên này mang trong mình một báu vật sống đang bị cánh cần thủ khắp nơi tích cực săn lùng: cá lăng khổng lồ.

Chảy trên lãnh thổ Việt Nam (125km - PV), dòng Sêrêpôk đi qua địa phận hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, chảy ngược sang nước bạn Campuchia, từ đó hợp vào dòng Mê-kông rồi xuôi về vùng Đồng bằng sông Cửu Long và lúc này mới chịu hòa mình vào biển lớn. Sông chồng (Krông Knô) và sông vợ (Krông Ana) đều rất hiền hòa nhưng khi hợp với nhau thành Sêrêpôk thì “sông rất dữ”, dòng nước chảy xiết, hiểm trở đi qua hàng loạt thác ghềnh Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ... Dưới dòng chảy mờ đục của Sêrêpôk có lắm cá quý hiếm, nổi bật là loại cá lăng đuôi đỏ mà chỉ một con thôi, cả làng ăn không hết thịt...


Sông Sêrêpôk đoạn chảy qua xã Krông Ana.

Sông Sêrêpôk đoạn chảy qua xã Krông Ana.

Ở tuổi 67, ông Y Kông, người con trai đầu của vua săn voi Amakông cho biết, ông cũng như bao người MNông cùng tuổi đã từng có những năm dài tháng rộng cưỡi voi băng qua dòng Sêrêpôk lúc nước lớn nước nhỏ và có vô số lần giáp mặt với cá lăng khổng lồ, có lắm con to dài hơn một người đàn ông lực lưỡng. Thuở ông còn trai trẻ, chuyện băng sông gặp cá lăng khủng nặng bảy tám chục ký lô... có thể kể hoài không hết.

Ông Y Kông bảo rằng, người Mnông khi săn cá thường đi thành nhóm, cưỡi thuyền độc mộc, tay cầm lao có nối dây, khi phát hiện cá thì phóng lao và có khi phóng đến 4-5 mũi lao mới hạ gục con cá khủng.


Ông Y Kông (trái).

Ông Y Kông (trái).

Vắt giữa rừng già, Sêrêpôk chảy giữa khu vườn quốc gia rộng nhất Việt Nam (115.545 ha vùng lõi và 133.983 ha vùng đệm) qua địa phận 7 xã và 3 huyện của 2 tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk. Hỏi bất kỳ bậc cao niên nào ở làng, chúng tôi cũng được họ khoản đãi những chuyện cá khổng lồ ly kỳ. Có già làng còn tiết lộ, trên sông từng có sự hiện diện của cá sấu, cá tiến vua... nhưng nhiều nhất là loài cá lăng to lớn ngoài sức tưởng tượng, đen trùi trũi như chiếc thuyền độc mộc...

img

Cá tiến vua còn có tên gọi khác là cá anh vũ. Sống ở đáy sông và ở nơi chảy xiết, loài cá này có đặc tính là môi dày, môi trên rộng có nhiều u tròn nổi và chiếc môi sừng này giúp chúng cạo các rong rêu, tảo, động vật không xương sống bám trên các tảng đá.

Sách đỏ Việt Nam ghi vùng phân bố của cá anh vũ hay cá tiến vua (tương truyền thịt loại cá này ngon nên được triều đình chọn cho vua ngự vì vậy cá anh vũ được dân gian gọi là cá tiến vua - PV) chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc (sông Thao), Lạng Sơn (sông Kỳ Cùng), Phú Thọ (sông Lô vùng Việt Trì), Hòa Bình (sông Đà) và Nghệ An (sông Lam vùng Con Cuông)… Chuyện cá anh vũ có mặt ở đất Tây Nguyên mà cụ thể là sông Sêrêpôk thì cũng hơi lạ!

“Cá lăng là cá có thân dài, đầu dẹp, da trần không có vảy, có 4 đôi râu với 1 đôi ở mũi, 1 đôi ở hàm và 2 đôi ở cằm. Loài này sống ở tầng giữa, sống đơn độc. Cùng với cá tra dầu và cá hô, cá lăng là loài cá nước ngọt có cỡ khá lớn”.

Đó là thông tin của ông Bùi Văn Cứ (Viện Sinh học miền Nam). Ông Cứ cho biết, cách đây 4 tháng (3-2016), ông có dịp đến xã Nam Dong (Đắk Nông) và phát hiện một nhóm cần thủ ở quận 2, TP Hồ Chí Minh câu được con cá lăng “cụ” nặng ngoài 20kg: “Nghe thì lớn nhưng con cá lăng kia cũng chỉ là “trẻ em” so với nhiều con cá lăng cắn câu khác, có con nặng đến gần nửa tạ”.

Ông Cứ cho biết: “Cá càng lớn thì càng được các chủ nhà hàng đặc sản khắp nơi săn lùng. Họ sẵn sàng trả giá cao nhằm phục vụ cho nhu cầu ẩm thực cá nước ngọt lâu năm khổng lồ của giới thực khách sành ăn và mê của lạ!”.


Các cần thủ câu được cá lăng khổng lồ.

Các cần thủ câu được cá lăng khổng lồ.

Xã Nam Dong mà ông Cứ bắt gặp nhóm cần thủ Sài Gòn “tuyển” được con cá lăng có trọng lượng chuẩn “nặng 23,5kg, dài 1,23m” thuộc địa phận huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. Trước đó một tháng, ngày 28-1-2016, ông Nguyễn Văn Chắc cũng đi câu trên địa phận xã này. Thấy cần giật mạnh, dù dùng hết sức nhưng chẳng thể kéo vào được, biết có cá lớn cắn câu, ông Chắc gọi bạn tới hỗ trợ và sau hơn 2 giờ vật lộn, ông này mới đưa được con cá lên bờ. Con cá lăng khủng kia nặng 43kg, dài đến 1m7.

Thông tin về những con cá lăng khủng khác dính câu không hiếm: ngày 15-4-2015, tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), ông Phạm Văn Hoài (ngụ buôn Ea mar, 40 tuổi) đưa lên từ lòng sông Sêrêpôk cặp cá lăng đuôi đỏ có tổng trọng lượng 46kg (28kg và 18 kg)... Ngày 29-5-2016, ngư dân Nguyễn Đình Sơn (cư trú tại huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) câu được 2 con cá lăng đuôi đỏ trên sông Sêrêpôk tại địa phận giáp ranh giữa Đắk Nông - Đắk Lắk. Mỗi con có cân nặng hơn 40kg, dài hơn 1,6m...

Đến nay, chưa ai đưa ra con số thống kê chính thức đã có bao nhiêu con cá lăng khủng có trọng lượng trên 10kg được cánh cần thủ “trục xuất” khỏi lòng sông Sêrêpôk. Chỉ biết rằng nhiều vô kể. Con cá lăng khủng được cánh cần thủ “bứng” lên khỏi dòng sông chảy ngược Sêrêpôk gần đây nhất có trọng lượng 40kg, thuộc về một thợ câu tên Huy ngụ xã Cư pô (huyện Cư Jút - Đắk Nông), câu được vào tối 10-7 sau hơn 2 giờ đồng hồ vật lộn.


Cần thủ câu được cá lăng khổng lồ.

Cần thủ câu được cá lăng khổng lồ.

“Cá lăng trong tự nhiên là cá quý hiếm, được sách đỏ Việt Nam điểm danh với mức độ đe dọa bậc V (sẽ nguy cấp - có thể bị đe dọa tuyệt chủng), và những con cá lăng khổng lồ thì càng vô cùng quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thực tế những gì diễn ra cho thấy chúng không được ai bảo vệ, người ta mặc sức câu, mua bán công khai mà chẳng ngại bị xử lý xử phạt gì. Thường thì sau khi bị đưa ra khỏi sông, đích đến của những con cá lăng khổng lồ là các nhà hàng đặc sản. Những con cá lăng được đề cập ở trên không có kết cuộc ngoại lệ” - ông Bùi Văn Cứ trầm giọng!

Sau khi bị bứng ra khỏi môi trường sống, những con cá lăng khổng lồ lập tức được nhiều chủ nhà hàng đặc sản ở TP Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuột... tung tiền để sở hữu. Con cá lăng nặng 43kg, dài 1,7 m mà ông Chắc câu vào ngày 28-1-2016 được bà Nguyễn Thị Mỹ Lan (53 tuổi, kinh doanh quán ăn tại xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mua với giá gần 17 triệu đồng để xẻ thịt bán cho khách ăn. Hai con cá lăng được cần thủ Nguyễn Đình Sơn ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông câu vào ngày 29-5-2016 bán cho một nhà hàng lớn tại Buôn Ma Thuột với giá hơn 13 triệu đồng.

Nhà hàng Phương Dung (xã Hòa Phú, Buôn Ma Thuột) cũng trả khá nhiều tiền mua lại con cá lăng nặng 40kg của thợ câu tên Huy... Các chủ quán đều nhất trí rằng cá lăng vốn quý hiếm, cá từ 4-5 kg thì có nhiều nhưng cá lớn có trọng lượng từ 20kg trở lên thì hy hữu, cá càng lớn thì thịt càng ngon, khách sành ăn rất khoái...


Cần thủ câu được cá lăng khổng lồ.

Cần thủ câu được cá lăng khổng lồ.

“Thường cá lăng có trọng lượng trên 30kg, các chủ nhà hàng mua với giá từ 400-600.000 đồng/kg và khi đến miệng thực khách, giá cá tươi bao giờ cũng ít nhất gấp đôi giá thu vào. Cá lăng khủng mang lại lợi lộc cho cả người câu lẫn người kinh doanh đặc sản nên ai cũng “kết” - anh Ngô Phường, 42 tuổi, một cần thủ ngụ tại phường Tân Hưng, quận 7, từng thả câu dính con cá lăng ngoài 10kg trên sông Sêrêpôk địa phận xã Krông Ana tháng 3-1015 nói.

Không còn là thú buông cần tìm vui đơn thuần, dọc dài sông Sêrêpôk, có rất nhiều cần thú thả câu chuyên nghiệp, chuyên săn cá chình, cá lăng tự nhiên bán cho các nhà hàng đặc sản. Một số cần thủ tiết lộ, đầu mùa mưa (từ tháng 5) là thời điểm cá lăng xuất hiện nhiều trên sông Sêrêpôk, vì đây là thời điểm cá bắt đầu vào mùa sinh đẻ. Bị cần thủ bủa vây vào giai đoạn này thì quả là thảm họa cho loài cá trứ danh. Đây chính là lý do mà Sách đỏ Việt Nam, nhìn nhận: "...Sản lượng cá lăng đang bị giảm sút nghiêm trọng. Mức độ đe dọa bậc V. Cần sớm ban hành quy chế bảo vệ và khai thác hợp lý”.

Người dân ở vùng Biển Hồ (Campuchia), trong quá trình đánh bắt nếu dính lưới những con cá ngoài 20kg (cá tra dầu) bao giờ cũng thả lại dòng chảy vì tín ngưỡng đó là thần sông hóa thân. Họ ý thức được những con cá to lớn ấy nếu bị xẻ thịt thì nguồn sinh kế của mình mai này sẽ cạn kiệt. Trong khi đó ở bên ta, mà cụ thể là dọc dài sông Sêrêpôk này, sự thể hoàn toàn trái ngược.

Khi tôi chia sẻ điều này, ông Y Kông và nhiều bậc cao niên sống tại xã Krông Ana cho biết, tộc người Mnông của họ cũng hạn chế đánh bắt cá vào mùa sinh đẻ. Người Mnông có hẳn luật tục để bảo vệ muôn loài, luật tục ấy có thuở cha ông từ ngàn xưa, đến nay vẫn đựơc các thế hệ người bản xứ ghi nhớ và thực hiện: “Bắt con ếch phải chừa con mẹ/ bắt con cá phải chừa con mẹ/ Chặt cây tre phải chừa cây con/ Đốt tổ ong phải chừa ong chúa/ Thuốc cá làm suối nghèo/ Ai thuốc cá có tội với làng/ Tội thuốc cá không ai đền nổi”...

Có cách nào, để bảo vệ những con cá lăng khổng lồ dưới dòng chảy của sông Sêrêpôk đến nay vẫn là câu hỏi lớn, đồng thời là thách thức với sự tồn vong của loài cá quý hiếm này!

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo