Đây là thời điểm mà con chem chép chắc thịt và ngon nhất trong năm, còn gọi là chem chép mùa điều.
Theo lời bà Nguyễn Thị Sánh (xã Long Thọ) mùa này con chem chép rất ngọt thịt, đây cũng là dịp chem chép sinh sôi nên rất dễ bắt.
Mưu sinh của người nghèo khó
Mờ sáng, bà Trần Thị Lệ (xã Long Thọ) đã tất tả chuẩn bị dụng cụ rồi cùng vài người phụ nữ gần nhà lên đường ra bờ sông, nơi ghe máy đang đợi sẵn để đưa cả nhóm đến bãi đào chem chép. Hầu hết những người làm công việc này đều có độ tuổi từ 40 trở lên và đã theo gia đình đi đào từ nhỏ nên quen việc và thông thuộc con nước vùng rừng Sác này như lòng bàn tay.
“Giờ giấc đi đào chem chép không ổn định mà phải canh theo con nước lên xuống, có những lúc 4-5 giờ sáng hay có khi đến tận 7 giờ sáng mới ra ghe. Bởi thế, làm nghề này mọi người phải vội vã, chập chờn trong giấc ngủ vì sợ không kịp sang sông. Với nhiều xã ở xa như Phước Thái, phải đi ghe máy đến từ tối hôm trước và ở nhờ các chòi ven sông thì mới kịp chuyến đi. Tụi tôi do ở gần nên chỉ cần luân phiên cử một vài người cùng nhóm đi ngủ lại và canh giờ thông báo cho mọi người” - bà Lệ chia sẻ.
Đến Nhơn Trạch vào mùa này, nhiều người thường ghé vựa mua chem chép đem về, hoặc ghé các quán thủy sản gần đó thưởng thức vài món chem chép đặc trưng, như: chem chép nướng mỡ hành, chem chép hấp sả, xào dừa hay đơn giản là chem chép hấp chấm muối tiêu chanh. Hoặc tiện đường ghé nhà người thân, vừa kịp lúc dọn bữa cơm trưa với canh chem chép nấu với trái điều già, một món ăn quen thuộc của nhiều người làm nghề đào chem chép nơi đây.
Bà Nguyễn Thị Sánh lấy 2 con chem chép đang nằm trong rổ cho chúng tôi xem rồi đập nhẹ vào nhau, và cho biết con chem chép chắc thịt là khi phần ruột nằm vừa khuôn trong chiếc vỏ mỏng. Vào mùa khô, khi những vườn điều bắt đầu bói quả, thời tiết nắng nóng, thịt chem chép lại rất ngọt và chắc chứ không “ốp” như mùa mưa. Nguyên nhân là do mùa mưa cũng là mùa sinh sản, người đi đào cũng chỉ đào được các con chem chép con, hoặc những con chem chép mẹ vừa mới sinh xong, vỏ rất “ốp” mà thịt lại dai và nhạt.
Chem chép mùa này vỏ mỏng nhưng chắc thịt, chỉ cần đập vào nhau là thấy phần ruột nằm vừa khuôn trong chiếc vỏ mỏng.
“Ở Long Thọ, người đi đào chem chép đông hơn so với các xã khác, bởi nơi này thiên nhiên ưu ái cho chúng tôi những cồn đất có nhiều chem chép. Vì vậy, không chỉ người lớn tuổi mà trẻ em ở ấp 3, ấp 4 và ấp 5 có thể tranh thủ đi đào chem chép kiếm thêm ít tiền tiêu vặt, phụ giúp cha mẹ. Với chem chép loại to, thương lái thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg, mỗi ngày tệ lắm một người cũng đào được 3-4 ký chem chép, về phân loại ra cũng có thu nhập ổn định” - bà Sánh cho biết
Đến bãi đào, chúng tôi mới có dịp quan sát kỹ cách đào chem chép của người dân nơi đây. Họ đi chân trần lội xuống bùn, có lúc đạp trúng cây đước đau điếng, trong lúc mắt phải quan sát tìm kỹ những cái hang để tìm chem chép đang trú ẩn. Khi phát hiện được hang, người đi bắt chem chép liền nhanh tay dùng cái thuổng đào ra nhưng phải nhẹ nhàng, nếu không muốn làm nát vỏ chem chép. Đối với những hang sâu, có nhiều chem chép, người đào có thể dùng cây móc nhỏ để cào chúng ra. Hầu hết người đào chem chép đều phải đeo bao tay để tránh bị đứt, rách da do cành đước hoặc bị nước lợ ăn mòn da tay khi thời gian tiếp xúc kéo dài.
Hiếm Chem chép lớn
Những người dân ở đây cho biết, cao điểm đi đào chem chép ở đây bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch, trùng với mùa điều bói quả và cho thu hoạch rộ. Một buổi đào chem chép, từ lúc con nước cạn đến lúc con nước lớn mất khoảng 6 tiếng đồng hồ. Chem chép vào thời gian này có giá gấp đôi so với tháng 7 âm lịch trở đi. Và so với giá năm ngoái, thì giá thu mua chem chép loại 1 năm nay được các thương lái mua tăng lên 5 ngàn đồng/kg. Tại các xã Long Thọ và Phước An, có một số vựa chuyên thu mua chem chép lớn, như: vựa Thảo Tân, vựa Mười Rớt, vựa Tư Lớn… Hầu hết số chem chép này sẽ được cung cấp cho các tiểu thương ở huyện Long Thành, TP.Biên Hòa, tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Hậu, ấp Bà Trường (xã Phước An), chủ một vựa thủy sản, cho hay: “Trong khoảng từ năm 1995-2000, khi sông Thị Vải chưa ô nhiễm nặng thì nguồn chem chép ở đây nhiều vô kể, con chem chép nào cũng to và chắc thịt, nếu con nước dâng lên sớm, mỗi buổi đào có khi được gần 8kg chem chép, khi nào con nước lên muộn thì có khi đào được hơn 10kg. Đến năm 2001-2005 là khoảng thời gian nguồn thủy sản nơi đây tưởng chừng như đã dần cạn kiệt. Mãi đến năm 2008, con chem chép mới dần có trở lại, cho đến nay thì nguồn thủy sản này tái sinh rất nhiều nên người dân cứ thế mà đua nhau đi đào kiếm sống”.
Cái thuổng và cái móc là 2 dụng cụ cần thiết để đào chem chép.
Nhiều người dân cho biết cách đây trên 20 năm, nhiều nhà vẫn còn chưa có ghe, nên thường giúp đỡ nhau bằng cách đi chung ghe. Sau mỗi chuyến đi đào thì chủ ghe sẽ lấy của mỗi người 15 con chem chép to, tính ra cũng khoảng nửa ký. Hiện tại, người đào chem chép thoải mái hơn, có cả dịch vụ cho thuê ghe máy, mỗi nhóm đi đào chem chép chỉ cần ra bãi sông thuộc xã Phước An là có một đoàn ghe chờ sẵn. Một chiếc ghe có thể chở được tối đa 15 người, cả lượt đi lẫn về chỉ mất 20 ngàn đồng, tiện cho cả khách đi lẫn chủ ghe.
Bà Nguyễn Thị Sách vừa là chủ vựa, vừa tham gia đào chem chép với mọi người, tâm sự: “Bây giờ kiếm được một con chem chép to như ngày xưa thì khó lắm, mặc dù hương vị thì vẫn vậy. Người dân ở đây khó khăn, nên khi nghe chem chép sinh sôi trở lại thì lại rủ nhau đi đào, đào không bỏ sót con nào. Vì thế khi thu mua tôi phải phân loại ra từng loại một, những con nhỏ quá thì tôi buộc phải thả đi để tái tạo nguồn chem chép. Bản thân tôi đi đào cũng rất khó khăn, vì bây giờ người thì đông, nhu cầu của khách hàng cao, mà con chem chép thì không thể sinh trưởng nhanh hơn quy luật tự nhiên của chúng được”.
Bình luận (0)