Ông Nguyễn Văn Bê (phải) phải sống vật vã trong đau đớn do căn bệnh ung thư gây ra - Ảnh: T.HƯƠNG
Gia tăng người chết vì ung thư
Thôn Hòa Hội cũng như một số thôn khác của xã Xuân Cảnh, nằm tựa mình vào đầm Cù Mông, người dân nơi đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Cụ Lê Huynh, 88 tuổi ở thôn Hòa Hội nói: Vài năm trở lại đây, căn bệnh ung thư đã cướp đi nhiều người con đất này, giờ đây, chúng tôi luôn phải sống trong phập phồng lo sợ, chẳng biết bao giờ sẽ... đến lượt mình.
Được biết, cụ Huynh đã phải 3 lần “người tóc bạc khóc kẻ đầu xanh” khi 3 người con trai của cụ, anh Lê Văn Kiêu mất năm 2001 khi mới 45 tuổi, anh Lê Thành Long mất năm 2004 khi mới 37 tuổi và mới đây anh Lê Văn Nòng mất khi mới 48 tuổi đều chung chứng bệnh ung thư gan.
Theo những người dân ở thôn Hòa Hội, từ năm 2001 đến nay, nhiều người dân trong thôn đột nhiên phát bệnh ung thư và rất nhiều người đã từ giã cõi đời… Khi chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thu, nỗi bàng hoàng vì sự ra đi đột ngột của người chồng vẫn còn hiện rõ.
Chị Thu nghẹn ngào trong nước mắt: “Khi phát hiện bệnh, gia đình đã đưa anh chạy chữa nhiều nơi, từ thuốc tây đến thuốc nam nhưng chỉ hơn 2 tháng kể từ lúc phát bệnh, anh đã vĩnh viễn ra đi”.
Trong ngôi nhà nghi ngút khói hương khóc thương bà Nguyễn Thị Nhỏ khi bà vừa lìa đời cách đây nửa tháng vì bệnh ung thư gan. Người nhà bà Nhỏ ái ngại cho hay cách đây 2 năm, chồng bà Nhỏ, ông Nguyễn Văn Chơn cũng đã mất vì ung thư bướu.
Nhưng nghiệt ngã hơn, trong dòng họ nhà bà Nhỏ đã có 4 người phải chết vì bệnh ung thư, trong đó hai anh của bà là Nguyễn Văn Long và Nguyễn Văn Kỳ mất khi còn khá trẻ (40 tuổi và 51 tuổi). Lân cận khu nhà bà Nhỏ đã có 7 người chết vì các chứng bệnh ung thư khác.
Theo ông Lê Xuân Băng, Trưởng thôn Hòa Hội, tính đến nay cả thôn có 19 người chết vì bệnh ung thư. Trong đó, người trẻ nhất chỉ mới 20 tuổi, người lớn nhất khoảng 66 tuổi, đa số người bị chết vì bệnh ung thư ở lứa trung niên từ 40-50 tuổi và chủ yếu sinh sống ở khu vực xóm dưới của thôn.
Tình trạng người dân chết vì ung thư xuất hiện ở thôn Hòa Hội từ năm 2001, nhưng rộ nhất vào những năm gần đây. Hiện nay trong thôn vẫn còn 2 người mắc bệnh ung thư đang chờ… chết. Một trong hai trường hợp đó là ông Nguyễn Văn Bê ở xóm dưới của thôn đang bị bệnh ung thư vú.
Khi chúng tôi tìm đến nhà thì ông Bê đang lên cơn đau. Nhìn người đàn ông 68 tuổi gầy rộc, khuôn mặt già nua, buồn não đang nằm trên võng, chúng tôi mới thấy được sự hủy hoại nặng nề của căn bệnh ung thư quái ác. Nằm nghỉ một lát ông Bê mới trở mình dậy để tiếp chuyện chúng tôi.
Ông Bê cho hay: “Tôi phát bệnh cách đây 2 năm, ban đầu là chứng u mật, sau khi được phẫu thuật thì phát hiện khối u đã di căn sang vú trái. Các con tôi đã phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền để đưa tôi vào TP Hồ Chí Minh điều trị, rồi lại ra Quy Nhơn (Bình Định), vào Ninh Thuận, giờ về nhà uống thuốc nam… nhưng cũng đành chịu. Sức khỏe ngày một bị bào mòn, bây giờ chỉ còn nằm chờ… chết”.
Theo ông Lê Xuân Băng thì đây chỉ mới là những trường hợp mắc bệnh có thông tin cho địa phương, còn những hộ không muốn cho hay thì thôn cũng… chịu.
Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng trạm Y tế xã Xuân Cảnh cho biết: Trong năm 2012, thôn Hòa Hội có tất cả 9 người chết, trong đó 7 trường hợp chết do mắc bệnh ung thư. Đây quả là một con số phải quan tâm.
Nguyên nhân vì đâu?
“Tọa lạc” ở khu đất cao ráo ngay giữa thôn, nghĩa trang thôn Hòa Hội là nơi chôn cất của hơn 1.000 người. Có ngôi mộ đã hơn mấy chục năm, có ngôi mộ còn chưa tròn tuổi và đây cũng là nơi mà bao nhiêu nỗi nghi ngờ của người dân đều đổ dồn vào khi căn bệnh ung thư ngày một gia tăng.
Bà Võ Thị Phấn, một người dân ở đây cho biết: Ở đây không khí rất trong lành, mát mẻ, đường sá được bê tông thông thoáng, không có gì gây ô nhiễm. Chỉ duy nhất có khu nghĩa trang này là có khả năng gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt nhiều nhất.
Còn ông Lê Văn Non lại nói: Nếu cho rằng nguyên nhân gây bệnh ung thư là do sinh hoạt, ăn uống nhiều thực phẩm từ đầm thì không chỉ người dân ở thôn Hòa Hội mà các thôn, các xã khác cũng sống ven đầm như chúng tôi, nhưng họ không bị bệnh...
Thôn Hòa Hội có 243 hộ dân với 668 người, phía bắc và phía đông giáp đầm Cù Mông, phía nam giáp với nghĩa trang của thôn, phía tây giáp thôn Hòa Mỹ. Thôn được chia thành 2 xóm, xóm trên và xóm dưới, từ trước đến nay người dân ở đây vẫn sử dụng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan để sinh hoạt bởi chưa có hệ thống nước sạch. Riêng 70 hộ dân ở xóm dưới phải lên giếng nước gần nghĩa trang của xóm trên lấy nước về sử dụng hằng ngày. Bởi bằng cảm quan của nhiều người, nước ở các giếng nước của xóm dưới bị nhiễm phèn nặng, còn có bị nhiễm các chất gì khác thì phải có kiểm định từ các ngành chức năng.
Chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ở xóm dưới cho biết: Nếu chúng tôi bơm nước từ giếng lên chứa trong các hồ để qua đêm thì sáng mai sẽ thấy đóng một lớp bợn dày màu vàng đục. Mặc dù đã qua lắng lọc, khử phèn mới dùng nhưng nhiều đồ vật trong nhà vẫn bị ố vàng.
Trưởng thôn Hòa Hội, ông Lê Xuân Băng cho hay: Gần như cả thôn đều sử dụng chung giếng nước tập thể gần nghĩa trang để sinh hoạt hằng ngày, trong khi đó khu nghĩa trang lại nằm ở trên cao, các giếng nước sinh hoạt lại ở dưới thấp; vì vậy người dân đều đổ dồn nghi ngờ về nguyên nhân gây bệnh ung thư vào nghĩa trang.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh cho biết: Từ năm 2008 đến nay, bệnh ung thư tăng đột biến trên địa bàn thôn Hòa Hội. Hầu hết người dân ở thôn đều nghi ngờ nguyên nhân gây ung thư là do khu nghĩa trang giữa thôn đã gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Vì nằm trong khu dân sinh không đảm bảo các tiêu chí để hoạt động, ảnh hưởng môi trường sống của người dân nên UBND xã đã vận động đóng cửa nghĩa trang, chuyển việc chôn cất sang nghĩa trang của thôn Hòa Mỹ cách khoảng 1,5km. Tuy nhiên, khi có người thân chết, người dân vẫn tiếp tục chôn ở nghĩa trang thôn Hòa Hội.
Bao giờ được quan tâm?
Bệnh ung thư không chỉ là nỗi ám ảnh của người dân thôn Hòa Hội mà khách đến đây chơi, có mời uống ly nước họ cũng không dám động vào vì sợ bệnh, chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ở đây cho biết như vậy. Còn anh T.T.V buồn rầu chia sẻ: Ông bà xưa có nói “yêu nhau mấy núi cũng trèo” nhưng đó chỉ là sự xa xôi cách trở, còn đằng này là bệnh tật, là mạng sống. Tình yêu mà gặp ung thư thì cũng… tắt. Bởi vậy, người yêu của em đã chia tay, không chịu về đây làm dâu.
Theo ông Lê Xuân Băng, Trưởng thôn Hòa Hội, vì nhu cầu sống, vì sức khỏe của bản thân, người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị trong các kỳ họp hội đồng nhân dân, tiếp xúc cử tri… yêu cầu hỗ trợ hệ thống nước sạch sinh hoạt; đồng thời kiểm định mẫu nước, xác định nguyên nhân gây bệnh để bà con biết cách phòng ngừa.
Trong lúc hàng trăm người dân thôn Hòa Hội phải sống trong lo sợ, hoang mang thì các ngành chức năng gần như vẫn “im re”. Ông Trần Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Sông Cầu cho biết: Lâu nay, tôi cũng đã nghe phong thanh thông tin người dân ở thôn Hòa Hội chết nhiều vì các chứng bệnh ung thư. Nhưng đến nay, trung tâm vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản, sự chỉ đạo chính thống nào của Sở Y tế, Hội đồng nhân dân, UBND TX Sông Cầu… về việc yêu cầu kiểm tra, xác minh nguyên nhân gây bệnh ung thư ở thôn Hòa Hội. Vì vậy, trung tâm vẫn chưa tiến hành lấy mẫu nước kiểm định hay kiểm tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh ung thư ở thôn Hòa Hội và cũng chưa có báo cáo nào về thực trạng này cho các cơ quan cấp trên.
Mới đây Trạm Y tế xã Xuân Cảnh đã tự thống kê (không do trung tâm chỉ đạo), điều tra về số người chết do bệnh ung thư ở thôn Hòa Hội. Theo ông Thọ, qua báo cáo cho thấy đa số người chết đều mắc bệnh ung thư gan, có nhiều gia đình có 2 người mắc cùng chứng bệnh này… nên nhiều khả năng nguyên nhân chính gây bệnh ung thư là do viêm gan B. Mặc dù vậy, nhưng từ trước đến nay, trung tâm vẫn chưa có khuyến cáo, hướng dẫn người dân đi kiểm tra, tiêm phòng… bệnh viêm gan.
Ông Trần Văn Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế TX Sông Cầu cho biết thêm: Sắp tới, trung tâm sẽ báo cáo vấn đề này đến Sở Y tế để có hướng phối hợp điều tra.
Bình luận (0)