Ở Quảng Nam có nhiều sông, ao hồ lươn trú ẩn. Mỗi ngày người dân mang đồ nghề khai thác, với dụng cụ gồm một đoạn cây tre dài 1,5 mét, phía trên gắn một khúc sắt rồi đưa xuống đáy cào.
Đoạn sắt dài khoảng 40 cm được dát mỏng, uốn cong hình chữ V, do thợ cào lươn tự chế. Khi cào qua cào lại, lươn to hay nhỏ sẽ mắc kẹt vào thanh sắt.
Lươn sống ở tầng đáy các ao nhiều bùn, đầm lầy, kênh mương và ruộng lúa, nên thợ cào lươn phải dầm mình trong nước. Anh Phạm Quang, có thâm niên nghề hơn 20 năm cho hay khi cào trúng lươn thì phải nhanh chóng đưa lên khỏi mặt nước, dùng tay kẹp chặt thì lươn mới không thoát.
Lươn rất trơn nên thợ cào phải giữ rất chặt.
"Nghề cào lươn làm quanh năm, nơi nước sâu đến ngang cổ, nơi cạn đến đầu gối đều làm được hết", anh Phạm Văn Sự, thợ cào lươn ở phường An Phú, TP Tam Kỳ nói.
Nghề này thường đi từng tốp 4 đến 5 người, sau đó dàn hàng ngang hoặc người trước, người sau. Nếu người này không bắt được thì người đi cùng bắt. Lươn chạy rất nhanh, nếu đồng đội phối hợp ăn ý sẽ bắt được nhiều hơn.
Lươn thường được nhốt trong can nhựa có một ít nước. "Cách này giúp lươn sống được lâu, bán mới có giá", anh Quang bày tỏ. Mỗi ngày người cào lươn làm từ 7-9h sáng, thời điểm này trời mát, nắng chưa gay gắt. Anh Quang cho biết, ngày nhiều cào được 3-4 kg, ngày ít được 2 kg. "Cào lươn khỏe hơn các nghề lao động khác, cho thu nhập cao", anh Quang nói.
Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Các thương lái phân loại lươn lớn giá khoảng 200.000 đồng/kg, lươn nhỏ 100.000 đồng/kg, không phân loại thì 150.000 đồng/kg.
Bình luận (0)