Người bản xứ hoặc người vùng khác sinh sống ở Miền Nam đều sẽ công nhận hủ tiếu là đặc sản chưa bao giờ bị ế hay bị chê. Về miền Tây, nhất định chúng ta không thể bỏ qua những món ngon nổi tiếng, đặc biệt là món hủ tiếu Sa Đéc.
Rẻ mà ngon
Theo thống kê, ở Sa Đéc có đến hàng trăm quán hủ tiếu khác nhau, từ những quán cao cấp cho đến những quán bình dân. Trong số đó, có quán hủ tiếu rất đặc biệt tồn tại hơn 4 thập kỷ qua vẫn luôn níu chân du khách mỗi khi có dịp đi ngang cũng phải ghé Sa Đéc.
Quán hủ tiếu khoảng 20 m2 nhưng lúc nào cũng có thực khách đến ăn
Đó là quán hủ tiếu bà Sẩm tọa lạc số 188 trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc khóm 1, phường 1. Quán hủ tiếu ra đời từ hơn 40 năm do bà Sẩm (tên thật là Quan Muội) mở. Sau khi bà Sẩm qua đời vào năm 2001, con gái của bà là Tăng Kiến Hưng kế nghiệp mẹ bán hủ tiếu cho đến nay. Nhiều thực khách ở xa ghé ăn hủ tiếu đều cảm thấy bất ngờ, bởi giữa lòng thành phố ngàn hoa vẫn tồn tại tô hủ tiếu chỉ 8.000 đồng.
Chúng tôi cảm thấy "nghiện" tô hủ tiếu bà Sẩm vì đã một lần thưởng thức qua, không chỉ bởi giá rẻ mà chất lượng thơm ngon và giữ được hương vị nét truyền thống lâu đời của gia đình. Giá rẻ nhưng chất lượng thì không thua những quán cao cấp. Quán hủ tiếu này không chỉ phục vục người dân địa phương mà những người ở vùng lân cận, và cả những khách hạng sang khắp nơi đều ghé để thưởng thức.
Ngồi trong gian nhà chỉ rộng khoảng 20 m2 ăn tô hủ tiếu, chúng tôi quan sát thấy luôn tấp nập thực khách đến ăn từ người khá giả đến người lao động khó khăn, học sinh. Tôi bắt chuyện với bà Nguyễn Hồng Hoa, ngụ phường 1, TP Sa Đéc. Bà Hoa chia sẻ: "Tôi ăn hủ tiếu ở quán bà Sẩm hơn 20 năm. Tôi ăn từ lúc 1.000 đồng/tô, bây giờ là 8.000 đồng/tô dù giá thịt heo đang "nhảy múa". Qua mấy chục năm nhưng hương vị của tô hủ tiếu bà Sẩm vẫn ngon như ngày nào, bởi vậy ăn hoài mà không thấy ngán. Nhiều người quen của tôi ở Sài Gòn khi được tôi dẫn đến đây ăn một vài lần thì lần nào về Sa Đéc cũng yêu cầu tôi dẫn đến đây ăn bởi hủ tiếu ở đây không chỉ rẻ mà còn ngon".
Hương vị độc quyền níu chân du khách
Bà Tăng Kiến Hưng, cho biết công thức nấu hủ tiếu được gia đình duy trì qua nhiều thế hệ. Nước súp được nấu từ thịt, xương heo. Ngoài ra còn có thêm khô mực cho có vị ngọt, đặc biệt là thịt không bao giờ xắt sẵn, bán đến đâu là xắt đến đó cho nên thịt luôn mềm và ngọt riêng, sợi hủ tiếu thì được lấy tại các lò hủ tiếu ở Sa Đéc.
Quán hủ tiếu bình dân nhưng phục vụ rất nhiều tầng lớp người dân
Ông Nguyễn Thành Đông (ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho biết mỗi lần có dịp đi qua Sa Đéc ông đều ghé quán hủ tiếu bà Sẩm ăn. Vừa ăn, ông vừa khen với tôi: "Nước súp của tô hủ tiếu có sự đậm đà đặc biệt lắm, còn miếng thịt ở đây ăn nó thơm ngon. Mỗi khi, tôi đi Sa Đéc thường ghé đây ăn rồi thành thói quen".
Có dịp đi công tác ở Sa Đéc, nhà báo Thanh Nghĩa dẫn tôi đến quán hủ tiếu bà Sẩm ăn. Vừa ăn anh vừa thổ lộ: "Trong thời buổi kinh tế vật giá leo thang thì việc có một quán hủ tiếu vừa rẻ, vừa ngon thì quả là một điều hiếm có. Không chỉ là quán hủ tiếu rẻ nhất ở Sa Đéc, lại rất vệ sinh mà quán còn được nhiều người mệnh danh là quán hủ tiếu có giá rẻ nhất ASEAN, bởi chưa có nơi nào bán tô hủ tiếu 8.000 đồng mà hương vị lại khó quên vậy".
Gần 50 năm, trải qua 3 đời
Ngồi trò chuyện, bà Hưng nhẩm tính đến nay, cái quán hủ tiếu đã tồn tại hơn 40 năm, trải qua ba đời bán hủ tiếu nhưng chủ quán luôn quan niệm giữ mức giá bình dân để phục vụ tất cả mọi người. Bà Hưng đã truyền nghề lại cho đứa cháu gái của mình. Bà vẫn luôn dặn dò cháu của mình là bán giá bình dân và phải giữ phương châm "rẻ mà ngon" để giữ nghề do bà Sẩm truyền lại.
Quán hủ tiếu bà Sẩm tồn tại đã hơn 4 thập kỷ
"Việc bán buôn thì phải có lời nhưng tôi luôn quan niệm là lời ít thôi vì tôi bán ở đây mục đích là phục vụ những tầng lớp bình dân, người nghèo, người bán vé số... Gia đình tôi muốn chia sẻ với những người bình dân vì mình nghĩ sống là để giúp nhau nên không cần lời nhiều. Nhưng không phải bán rẻ là làm dở, làm mất vệ sinh mà khi người ta đã bỏ tiền ra ăn thì phải phục vụ cho chu đáo, cho ngon", bà Hưng tâm sự.
Theo một số tiệm bán lâu đời kể lại, người Việt từng sống ở Campuchia đã mang phong cách ẩm thực của quán bà Sẩm về chế biến ra loại hủ tiếu khô với nước sốt chua chua ngọt ngọt, mà vẫn không làm mất hương vị bản xứ. Du khách có thể tìm đến quán bà Sẩm là một trong những địa chỉ hủ tiếu nổi tiếng ở Sa Đéc.
Bình luận (0)