Hơn ai hết, tôi hiểu cái nỗi thèm đó, nó hành người ta đến cồn cào gan ruột, bần thần tâm trí và khiến vị giác như vô cảm với mọi món ngon vật lạ khác trên đời. Đó là tôi chỉ mới đi du lịch nước ngoài chưa quá 10 ngày, còn cô bạn, xa quê đã hơn 2 năm rồi - thời gian chưa đủ dài để ký ức xóa nhòa đi cái mùi riêu cua hòa mắm tôm thơm nức, cái dịu của những sợi bún mềm và cái giòn của dĩa rau ghém.
Tôi không nhớ mình ghiền bún riêu từ khi nào, có lẽ từ thời lên TP HCM học đại học cách đây gần 20 năm. Ở mảnh đất này, nơi tụ hội ẩm thực mọi miền, món bún riêu cũng theo đó mà trăm hoa đua nở.
Nếu phân biệt rạch ròi thì bún riêu có 2 phong cách. Đó là nấu theo kiểu Bắc với phần riêu cua nguyên chất, nước dùng thanh dịu mùi giấm bỗng, điểm xuyết mấy miếng cà chua đo đỏ. Bún riêu kiểu miền Tây Nam Bộ có phần mỡ màng hơn với dầu màu điều đỏ thắm và phần riêu cua trộn thêm trứng hay thịt heo béo ngậy. Đi kèm với tô bún riêu Bắc đơn giản là đậu hũ, ốc hay cây chả; rau ghém không thể thiếu rau thơm như kinh giới, tía tô. Trong khi đó, bún riêu miền Tây thì có thể thêm mọi thứ, từ huyết heo, da heo, chả lụa đến xương, giò…
Ở mảnh đất nhiều sáng tạo này, có nơi còn nấu bún riêu bằng tôm khô nên nước dùng ngọt thanh, phảng phất mùi tôm khô; khi kết hợp với riêu cua, mắm tôm, chanh, ớt cũng ra hương vị rất đặc sắc.
Cá nhân tôi thích những tô bún riêu có nước dùng thanh, ít dầu mỡ và gia vị chua là nước me thay vì chanh. Nhưng chanh thì không thể thiếu để pha cùng mắm tôm, ớt xắt, đánh lên cho sủi bọt rồi chấm đậu hũ, huyết...
Tôi làm ở gần Công viên Tao Đàn, hôm nào phải ở lại làm đến tối thì hay ăn bún riêu ở quán đầu hẻm Ve Chai, nối đường Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Quán này rất lâu năm, chiều tối là tấp nập khách, đặc biệt dành cho ai thích bún riêu kiểu miền Tây với phần riêu cua béo ngậy cùng rất nhiều đồ ăn kèm chất lượng.
Nhưng cũng có những chiều nắng quái, cả người nóng bưng, tôi lại chịu khó chạy lên quán bún riêu Thanh Hải ở đường Kỳ Đồng, quận 3, để ăn cho được tô bún riêu rặt Bắc cho thanh nhiệt. So với nhiều nơi, giá cả ở Thanh Hải nhỉnh hơn một chút nhưng hoàn toàn xứng đáng với tô bún ngập riêu cua mềm thơm nguyên chất, những miếng ốc tươi rói, giòn sựt, dĩa rau ghém đủ loại từ rau muống, chuối cây cùng các loại rau thơm. Đặc biệt là nước dùng rất thanh, chua dịu giấm bỗng khiến người ta phải vét đến muỗng cuối cùng.
Riêng bún riêu nấu với tôm khô thì có khá nhiều quán với chất lượng ngang ngửa. Đắt khách nhất có lẽ là bún riêu Văn Lang trên đường Hùng Vương, quận 5; mở bán lúc 18 giờ hằng ngày nhưng tầm 17 giờ 30 phút, khách đã ngồi đợi kín bàn.
Sau phở, bún riêu có lẽ là món ăn "kinh điển" của người Việt. Nhưng món này hơi kén khách ngoại quốc bởi họ không quen mùi mắm tôm. Cũng có ý kiến cho rằng thôi thì khỏi mắm tôm. Nhưng bún riêu mà thiếu mắm tôm thì ở đâu chẳng nấu được, cần gì cô bạn tôi ở bên kia bán cầu phải cồn cào thương nhớ!
Bình luận (0)