Cao lầu vốn đã công phu thì việc chế biến sợi mì lại càng công phu hơn đối với gia đình tôi. Hoặc khi về Hội An, mua sợi mì tươi và những miếng ram làm từ bột mì ở chợ đem vào. Hoặc các em tôi mua sợi mì khô cùng ram, đóng thùng gửi vô.
Rồi vợ tôi kiếm thịt heo nạc ngon ở chợ Xóm Chiếu (quận 4, TP HCM) về làm xá xíu. Đương nhiên, phải có cải con, cải cúc, rau đắng, rau thơm, húng nhủi, húng quế, giá, ớt và giấm cùng xì dầu. Thế mới đủ bộ để chế biến món cao lầu xa xứ vừa bùi vừa ngòn ngọt, thơm nức mũi.
Corona thì mặc corona, nhà tôi vẫn có cao lầu để ăn, cũng vì luôn trữ cả vài ký sợi mì khô ở nhà, khi ăn chỉ có việc trụng lên.
David Farley, một nhà báo Mỹ chuyên về du lịch, ẩm thực và văn hóa, từng viết bài dài trên tạp chí AFAR về món cao lầu. Cảm nhận của ông khi lần đầu thưởng thức nó như sau: "Tôi chưa từng ăn món ăn Việt Nam nào giống cao lầu cả". Rồi ông tự hỏi điều gì đã tạo nên món mì tuyệt diệu ở Hội An, không nơi nào có được.
Cao lầu ở phố cổ Hội An. Ảnh: KHÁNH HIỀN
Một phóng viên của CNN thì cho rằng cao lầu là một trong 10 món ăn đường phố tiêu biểu của Việt Nam. Phóng viên này mô tả sợi mì dày giống mì udon Nhật, miếng ram kiểu hoành thánh giòn giòn và thịt heo xá xíu lại có nét Hoa, trong khi nước dùng và rau sống rõ là của Việt Nam.
Một lần về Hội An, ăn cao lầu trong một con đường nhỏ, gặp một số người Mã Lai gốc Hoa, tôi hỏi: "Có món Hoa nào ở Kuala Lumpur như món cao lầu?". Một người trả lời: "Không hề. Chẳng có món nào giống như món này cả!".
Thiệt tình, chưa ai tìm ra được nguồn gốc của cao lầu. Cũng đâu cần thiết, những người ăn và mê nó nào có cần biết nguồn gốc làm gì. Nhưng chuyện sau đây thì cần phản bác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết: "Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa, các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thể thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu".
Nhưng thuở nhỏ, ăn cao lầu ở chợ Hội An; lớn lên, ăn ở tiệm cao lầu ông Cảnh, Năm Cơ; tất cả đều ở dưới nhà - không có lầu.
Hai tiệm trên, nay không còn nữa, từng đi vào thơ ca phố Hội:
"Hội An có Hạ Uy Di
Chùa Cầu, Âm Bổn, Cao Lầu Năm Cơ".
Giờ thì ở Hội An đã xuất hiện những quán ăn có lầu bán cao lầu. Như thế, khách có thể ngồi trên lầu mà nhìn ngắm phố phường rêu phong, người đi ở dưới đường hoặc dòng sông Hoài xanh lục vẫn lặng lẽ trôi như tự thuở nào. Tuy nhiên, "lầu cao" này chẳng liên quan gì đến cái tên "cao lầu" cả.
Bình luận (0)