Trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, hoạt động kinh tế - xã hội dần trở lại bình thường, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), khẳng định đây là thời điểm vàng để "phá băng" du lịch.
Tự làm mới mình
Sau khi Bộ VH-TT-DL khởi xướng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", nhiều hoạt động kích cầu du lịch nội địa đã được các địa phương, doanh nghiệp triển khai.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết Vietravel đã chia nhiều giai đoạn khai thác sản phẩm. Trong tháng 5, xác định du khách có nhu cầu đi cự ly gần, khoảng cách dưới 300 km, Vietravel đã làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ để xây dựng điểm đến phù hợp như Vũng Tàu, Long Hải, Phan Thiết, Đà Lạt…; xây dựng sản phẩm tour trọn gói từ 2-4 ngày hoặc các gói dịch vụ gồm khách sạn, xe với giá giảm lên đến 60%.
Giai đoạn 2, dự kiến từ tháng 6, khi các hãng hàng không phục hồi lại hoàn toàn đường bay nội địa và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trên thế giới, Vietravel sẽ làm việc với các nước, dưới sự hướng dẫn của cơ quan chức năng để mở lại tour đi những điểm đến được đánh giá an toàn ở nước ngoài cũng như đưa khách quốc tế vào Việt Nam.
Trong khi đó, Công ty TST Tourist cũng phối hợp với các hãng hàng không xây dựng nhiều tour giảm giá cho du khách… Theo ông Lại Minh Duy, Chủ tịch HĐQT Công ty TST Tourist, trước đây, doanh số đi tour nội địa của khách tại TST gấp 2-3 lần khách đi nước ngoài, nhưng do doanh số không cao nên không trở thành mảng đứng đầu tại công ty. Thời điểm này, công ty đang chuyển hướng khai thác triệt để khách lẻ khởi hành hằng tuần để kích cầu du lịch nội địa.
Ngành du lịch TP HCM cũng đang chuẩn bị một chiến dịch kích cầu du lịch quy mô lớn. Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, một chiến dịch quảng bá du lịch TP sẽ được sở triển khai, tạo hình ảnh nhận diện mới cho điểm đến, nhấn mạnh sự an toàn, làm rõ sự sống động, tươi mới, trẻ trung, thân thiện… Trong chiến dịch này, các sản phẩm du lịch kích cầu cũng được doanh nghiệp triển khai nhằm giới thiệu tới du khách những gói tour hấp dẫn về chất lượng, giá cả...
"Ngay trên địa bàn TP, kích cầu để khoảng 10 triệu người dân TP đi du lịch ở "sân nhà", khám phá những điều hấp dẫn xung quanh mình cũng đã là thành công" - bà Thúy nhìn nhận.
Du khách thư giãn với biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ảnh: HOÀNG TUẤN
Cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để phục hồi thị trường du lịch cần nhiều việc làm cụ thể mà trong đó sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn theo hướng cộng hưởng, lan tỏa có ý nghĩa quan trọng. "Đây chính là thời điểm các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thể hiện vai trò dẫn dắt của mình bởi sự bắt tay của các doanh nghiệp sẽ góp phần hiệu quả vào việc kích cầu du lịch" - ông Khánh nhấn mạnh và đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch; hãng hàng không, doanh nghiệp vận tải cùng hợp tác xây dựng các chương trình khuyến mại, các sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách.
Cũng khẳng định tầm quan trọng của sự liên kết trong kích cầu du lịch nội địa, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, thông tin: "Tất cả doanh nghiệp hàng đầu đang dẫn dắt định hướng du lịch Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị đều có cam kết thực hiện xúc tiến thị trường nội địa".
Theo ông Tùng, trong bối cảnh hiện nay, mọi người phải đồng hành với nhau để không ai quá thiệt thòi bởi các doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ phá sản nếu giảm giá sâu. "Nếu tất cả cùng vào cuộc, đồng lòng thì sẽ không có chuyện ngành du lịch cô đơn" - ông Tùng tin tưởng.
. Ông LẠI MINH DUY, Chủ tịch HĐQT Công ty TST Tourist:
Cơ hội làm chuyên nghiệp du lịch nội địa
Thời điểm này là cơ hội làm chuyên nghiệp thị trường nội địa và làm tiền đề để phát triển thu hút khách quốc tế sau này.
Hiện tại, cơ quan quản lý nhà nước nên định hướng rõ vùng an toàn, mức độ an toàn cho từng điểm đến. Về lâu dài, cần có định hướng của cơ quan quản lý dành cho những đơn vị cung cấp dịch vụ từ nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan,… nhằm tạo sự khác biệt của từng vùng. Ví dụ như khách muốn đi du lịch biển, nghỉ dưỡng thì tới đâu là thích hợp. Cần định hướng theo chiến lược chung để nâng tầm, chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch để một mặt chúng ta mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách nội địa, mặt khác, sau khi hết dịch, du khách quốc tế trở lại, chúng ta sẽ phục vụ chuyên nghiệp hơn.
. Ông PHAN XUÂN ANH, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt:
Phải giữ nguồn nhân lực chất lượng cao
Hiện nhiều doanh nghiệp lữ hành đã tính bài toán chuyển hướng từ phục vụ khách quốc tế sang khách nội địa nhằm cầm cự, duy trì qua dịch, nuôi đội ngũ nhân sự, trong đó có hướng dẫn viên du lich.
Nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam đang bị sụt giảm trầm trọng, hướng dẫn viên cả nội địa lẫn quốc tế đều không có việc làm, chuyển nghề khác để sống… Nếu không có chính sách hỗ trợ đội ngũ hướng dẫn viên kịp thời sẽ là tổn thất rất lớn cho ngành trong tương lai, bởi việc đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng cao là rất khó khăn.
"Một điểm đến, một mức giá"
Trong những chính sách kích cầu của ngành du lịch nói chung và doanh nghiệp lữ hành nói riêng hiện nay dường như vẫn thiếu một chính sách thực sự hấp dẫn du khách nội địa.
Hiện các công ty du lịch, lữ hành, điểm đến cũng tung ra nhiều tour kích cầu, dịch vụ giảm giá nhưng du khách lại rất khó phân biệt đâu là tour thực sự rẻ với chất lượng không đổi.
Nhiều năm trước, khi Thái Lan làm chương trình quảng bá kích cầu du lịch "Amazing Thái Lan" đã đưa ra giá tour chung cho tất cả doanh nghiệp cùng khai thác, từ 199-299-399 USD/khách tùy chọn lịch trình 3, 4 hoặc 5 đêm.
Hiện tại, các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang cũng có thể triển khai cách này với mức giá đủ hấp dẫn. Công ty lữ hành sẽ bán chung một sản phẩm tour này, kèm theo các sản phẩm tour khác của họ nhằm tạo sự đa dạng nhưng vẫn hấp dẫn. Để triển khai được, phải có sự vào cuộc gắn kết của hàng không, lưu trú, thương mại, các điểm tham quan, nhà hàng…
Một sản phẩm, một giá tour cho một điểm đến, ít nhất từ giờ đến lúc công bố hết dịch bệnh và thị trường khách quốc tế khôi phục trở lại. Muốn vậy, vai trò của các địa phương và Tổng cục Du lịch phải là nhạc trưởng, cùng nỗ lực kích cầu nội địa và cùng vượt qua khó khăn.
Ông HUỲNH VĂN SƠN, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi sao biển Sài Gòn
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-5
Bình luận (0)