Để thu hút khách du lịch đến TP Cần Thơ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) xây dựng kế hoạch truyền thông "Cần Thơ điểm đến an toàn"; đồng thời vận động các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ liên kết xây dựng các chương trình kích cầu du lịch. Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng liên kết với TP HCM và các tỉnh ĐBSCL xây dựng chương trình tour kích cầu. Đặc biệt, Cần Thơ sẽ tổ chức các sự kiện, điểm nhấn thu hút du khách như: Ngày hội du lịch văn hóa chợ nổi Cái Răng vào tháng 7; Ngày hội du lịch sinh thái Phong Điền vào tháng 9...
Miệt vườn tung nhiều sản phẩm độc đáo
Anh Trần Thanh Xuyên, thành viên tổ tư vấn du lịch cộng đồng Cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), cho biết: "Từ đầu tháng 5 đến nay, du khách đã trở lại Cồn Sơn, tuy không đông như thời điểm chưa xảy ra dịch nhưng hiện trung bình mỗi ngày đón hơn 100 khách. Để kích cầu du lịch, đối với khách lữ hành giảm 50% những dịch vụ cho một số đơn vị lữ hành thân thiết như: đút cá tai tượng ăn cơm và gói bánh tét nhân sâm, trải nghiệm đan võng, vót đũa và quết bánh phồng".
Du khách thích thú nướng cá lóc tại Cồn Sơn. Ảnh: CA LINH
Miền Tây đang vào mùa thu hoạch rộ nhiều loại trái cây như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dâu... Đây cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo để khách trải nghiệm. Theo ông Lê Minh Tâm, chủ vườn dâu Thiên Ân (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), dâu đang vào mùa nên ông mở cửa đón khách tham quan.
Từ cổng vào vườn được láng nhựa, hai bên đường là những cây dâu trĩu quả từ gốc đến ngọn làm ai cũng thích thú. Chị Lê Ngọc Bích, một khách từ Sóc Trăng, hồ hởi: "Từ sau Tết, do tình hình dịch Covid-19 nên gia đình tôi không đi đâu xa. Khi dịch đã tạm lắng, tôi cùng anh chị em trong gia đình đến vườn dâu Thiên Ân tham quan. Giữa trời nắng nóng oi ả thế này mà được bước vào vườn dâu trái sum sê, mát rượi thật thích".
Ông Tâm cho biết vé vào cổng đối với người lớn là 50.000 đồng/người, trẻ em là 20.000 đồng/người. "Mấy tháng trước, dâu chưa có và do tình hình dịch nên vườn không mở cửa. Với vé tham quan, du khách không được hái dâu dọc đường, chúng tôi có điểm để cho khách thưởng thức dâu riêng. Năm nay, sản lượng gấp đôi năm trước nhưng lượng khách lại sụt giảm. Khoảng 2 tuần nay, khách đã đến tham quan nhiều, trung bình mỗi ngày từ 50-70 khách, chủ yếu là khách đi gia đình. Còn khách tour thì không có". Để kích cầu du lịch, ông Tâm không thu vé trẻ em. Bên cạnh đó, chủ vườn này còn nâng chất lượng dịch vụ ăn uống, món ăn đa dạng và độc đáo hơn.
Du lịch tâm linh hút khách
Những ngày này, lượng khách du lịch không ngừng gia tăng tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang, nhất là tại các khu du lịch tâm linh như Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam hay khu vực trung tâm hành hương trên đỉnh núi Cấm.
Theo ông Huỳnh Văn Đường, Trưởng Ban Quản trị Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, nơi đây vừa tổ chức xong lễ rước tượng Bà Chúa Xứ trên đỉnh núi Sam theo nghi thức truyền thống để phục vụ khách du lịch khắp nơi đến cúng viếng. Mặc dù đã qua những ngày lễ chính nhưng lượng khách vẫn không ngừng tăng vào dịp cuối tuần. Ngoài việc phát loa liên tục trong ngày để khuyến cáo du khách tránh bị kẻ gian lừa đảo hoặc giật tài sản, ban quản trị còn yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi vào khu vực chánh điện để bảo đảm phòng ngừa dịch Covid-19.
Tại một số điểm du lịch nổi tiếng của An Giang như rừng tràm Trà Sư hay núi Cấm đang thu hút rất đông khách du lịch sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Cuối tuần rồi, hàng ngàn du khách từ khắp nơi tìm đến 2 khu du lịch này để vừa vãn cảnh vừa thư giãn với bầu không khí trong lành của núi rừng, sông nước.
Ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh An Giang, cho biết ngay từ khi An Giang được nới lỏng về giãn cách xã hội thì tỉnh này đã đón hơn 200.000 lượt khách. UBND tỉnh đã giao Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư
xây dựng kế hoạch truyền thông, quảng bá du lịch An Giang đến với du khách. Một trong những giải pháp mà ngành chức năng đưa ra là phối hợp các đơn vị kinh doanh du lịch xây dựng kế hoạch, chương trình khuyến mãi.
"Hiện nay, các doanh nghiệp cũng bắt đầu thực hiện khuyến mãi, giảm giá các sản phẩm, dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống và cả vé tham quan từ 20%-50% cũng như tăng giá trị các loại hình dịch vụ để kích cầu du lịch. An Giang cũng đã thực hiện liên kết với các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tạo ra các tour, tuyến, điểm du lịch mới nhằm thu hút khách giữa các địa phương trên tinh thần hỗ trợ nhau để cùng phát triển" - ông Hiệp chia sẻ.
Cũng theo ông Hiệp, ngoài những giải pháp đó, An Giang đang tích cực đẩy mạnh chương trình tuyên truyền "Người An Giang ưu tiên du lịch An Giang" đến người dân trên toàn tỉnh nhằm kích cầu du lịch nội tỉnh. An Giang muốn khai thác tốt hơn nữa đối với lượng khách du lịch có sẵn tại địa phương để qua đó kêu gọi người dân chung tay góp phần phát triển du lịch tỉnh nhà với phương châm "Mỗi người dân là hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình, thân thiện và dễ mến".
Bạc Liêu: Điểm đến mới nổi
Ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bạc Liêu, cho biết trước đây, hoạt động quảng bá là khâu yếu nhất của du lịch Bạc Liêu. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 càng khiến ngành công nghiệp không khói tuột dốc. "Đây là thời gian đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội để khắc phục điểm yếu này, làm sao để nhanh chóng hút khách trở lại Bạc Liêu" - ông Lưu trăn trở.
Dự kiến trong quý III và IV năm nay, Bạc Liêu sẽ phát động tháng cao điểm khuyến mãi để kích cầu mạnh cho du lịch. Riêng 2 tuần đầu của các tháng 5, tỉnh đã tung ra nhiều chuyến tham quan du lịch trong tỉnh với giá ưu đãi đặc biệt, giảm từ 20%-30% giá vé tham quan.
"Mục tiêu quan trọng không chỉ là tăng lượng khách và doanh thu dịch vụ mà qua đó còn tiếp tục xây dựng tình cảm, ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đất và người Bạc Liêu. Cùng với chính sách khuyến mãi, các doanh nghiệp sẽ tranh thủ thời gian này để nâng chất hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên, nghiên cứu những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn để cung ứng cho du khách trong và ngay sau khi kết thúc dịch bệnh" - ông Trịnh Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bạc Liêu, nhấn mạnh.
Hiện tỉnh Bạc Liêu có 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, trong đó có một số điểm đến độc đáo như Khu Lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, bãi biển nhân tạo - Khu Du lịch Nhà Mát, khu nhà công tử Bạc Liêu, khu điện gió Bạc Liêu. Trong đó, khu điện gió Bạc Liêu là điểm du lịch mới, được đánh giá là rất tiềm năng. Ở đây có 62 cột tháp và turbin đều đặt trên biển, mỗi turbin cao khoảng 80 m, cánh quạt dài 42 m... tạo ra khung cảnh hoành tráng, đẹp không khác gì các cánh đồng điện gió ở châu Âu.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-5
Kỳ tới: Đánh thức đại ngàn
Chị NGUYỄN THỊ KIM THOA (tỉnh Vĩnh Long):
Cách đây vài ngày, tôi cùng người thân đi núi Cấm ở An Giang, vừa du lịch vừa hành hương. Không khí trên núi thoáng đãng dù trời nắng gắt. Tôi rất thích đi cáp treo ở khu du lịch núi Cấm, giữa lưng chừng có thể ngắm toàn cảnh vùng đồng bằng bên dưới rất đẹp. Dịch vụ trên đây cũng không quá đắt, xung quanh rất sạch sẽ. Đặc biệt, tôi rất thích món bánh xèo trên núi Cấm vì ăn kèm có hơn 10 loại rau xanh.
Chị BÙI NGỌC HÂN (tỉnh Bình Dương):
Miền Tây Nam Bộ dù cảnh vật so với miền Trung hay miền Bắc không phải đẹp xuất sắc nhưng mang đến cho du khách cảm giác thanh bình, gần gũi. Vì vậy dù đã đi chơi ở nhiều tỉnh miền Tây nhưng tôi vẫn muốn trở lại. Theo tôi lợi thế ở vùng này là sông nước, miệt vườn mát mẻ cùng nhiều loại sản vật ngon lành, nhất là vào mùa hè, trái cây rộ. Nếu chú trọng khai thác điểm mạnh này thì sẽ rất hút khách vì ăn ngon là một phần quan trọng khi du lịch.
Ca Linh ghi
Bình luận (0)