Từ tháng 2-2013 đến 4-2014, đoàn khảo sát của Hội Hang động Berlin và các nhà khoa học của Việt Nam đã khảo sát 11 hang dung nham với tổng chiều dài 1,8 km. Trong số này, 2 hang động ở huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nằm trong tốp 5 hang động dài nhất Đông Nam Á.
Đột nhập lãnh địa dơi
Lần theo thông tin trên mạng, nhóm chúng tôi tìm đến thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú. Rất may trong nhóm có thổ địa nên việc tìm kiếm điểm đến khá dễ. "Muốn đến hang dơi nào? Ở đây có nhiều hang dơi lắm" - Diệu, người bạn đồng hành của chúng tôi, gợi ý. Hang dơi là cách mà người dân địa phương dùng để gọi những hang dung nham.
Cửa hang Dơi 1 hình vòm cung và khá thoáng
Từ Quốc lộ 1, chúng tôi di chuyển bằng xe máy về phía xã Tà Lài, loáng cái đã đi hết đoạn đường rẫy dài 7 km. Dừng xe ở một vườn chôm chôm, cô bạn thổ địa nhanh nhảu thuyết minh: "Nổi tiếng nhất ở đây là hang dơi này. Hang được ngăn cách bởi sự sụp đổ, đứt gãy, tạo ra 2 hang là hang Dơi 1 và hang Dơi 2. Hang có 3 cửa, đoạn dài nhất là 426 m, tạo thành một dải hang liên tục, không đứt gãy. Nơi được ghi nhận rộng nhất có chiều cao tới 4 m, rộng 10 m. Nếu tính cả phần sụp đổ, hang dơi này dài đến 534 m".
Háo hức với những thông tin vừa nghe, nhóm chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến cửa hang. Một hố sâu như hố bom để lộ ra hai cửa hang. Diệu cho biết đây là đoạn hang bị sập. Ở đoạn hang này, vòm hang đoạn cao nhất khoảng 10 m, rộng khoảng 4 m, vách và vòm được cấu tạo từ đá tổ ong - loại đá hình thành từ dung nham núi lửa.
Thoạt đầu, chúng tôi hơi thất vọng vì chỉ thấy hang tối đen như mực. Phía dưới hang, do vào mùa mưa nên nước tràn vào ngập nửa hang, chỗ cao nhất khá ẩm ướt. Càng vào sâu, càng nghe tiếng nhái kêu râm ran, tiếng nước từ vách đá nhểu xuống, thêm vào đó là mùi khai từ phân dơi bốc lên nồng nặc.
Một người bạn trong nhóm kêu lên một tiếng để xóa tan không khí nặng trịch, bất ngờ, hàng ngàn con dơi bay tán loạn, lượn lờ như trêu ngươi, như làm xiếc cho những kẻ đột nhập xem. Quên đi cảm giác mệt mỏi, chúng tôi cười ồ lên trong sự thích thú và không quên lưu lại vài tấm hình kỷ niệm với nơi này.
Bức tường rêu xanh mướt bên trong hang Dơi
Cấm bắt dơi, bảo tồn sự hoang sơ
Diệu kể sau năm 1975, một số người đến vùng đất này khai hoang làm nương rẫy. Thời điểm đó, họ đã thấy nhiều cửa hang lộ thiên, tò mò vào thám hiểm, thậm chí có người còn dùng vợt bắt dơi.
Tuy nhiên, từ khi được công nhận là hang động dài nhất Đông Nam Á vào tháng 4-2014, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của hang động này và ngăn chặn việc săn bắt dơi. Du khách ở nơi khác nếu muốn vào hang phải đi cùng người địa phương, nếu không rất dễ bị lạc.
Hầu hết hang động ở đây có hình ống, một số nơi còn có ngã rẽ nối với nhau thành những vòng tròn. Bên trong hang chỉ có dương xỉ nhưng bên ngoài thảm thực vật khá phong phú.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến một hang dung nham khác. Với hang này, cửa hẹp, vào sâu bên trong mới mở rộng ra, có nơi chiều cao lên tới gần 10 m. Dơi vẫn là loài chiếm tỉ lệ lớn nhất ở đây.
Khám phá hang dung nham ở Đồng Nai
Hang dài nhất lên đến 1 km
Hang dung nham là hang động được hình thành trong quá trình kiến tạo của núi lửa. Khi dung nham phun lên, nguội ở bề mặt nhưng bên dưới vẫn nóng chảy đã tạo ra các đoạn hang động hình ống.
Sau khi hang dơi ở Đồng Nai được công nhận là hang dung nham dài nhất Đông Nam Á thì 8 tháng sau (tháng 12-2014), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả phát hiện hệ thống hang động tại tỉnh Đắk Nông. Trong đó có 3 hang là A1 (456,7 m), C3 (594,4 m) , C7 (hơn 1 km).
Kết quả này đã giúp Việt Nam xác nhận kỷ lục có 5 hang dung nham dài nhất Đông Nam Á. Riêng hệ thống hang Dơi 1 và Dơi 2 ở Đồng Nai từ vị trí thứ nhất xuống vị trí thứ 3 và thứ 4. Vị trí hang dung nham dài thứ 6 thuộc về hang Gua Lawah ở Indonesia, dài 400 m.
Bình luận (0)