Trong tiết trời se lạnh, chiếc ôtô của chúng tôi dừng chân tại quán của chị Phượng ở số 56 Trần Đăng Ninh, TP Lạng Sơn. Trời chưa sáng rõ, mây mù sương sớm vẫn vương trên mái nhà phố núi mà quán đã sáng đèn, thơm mùi khói bếp để đón người dân và khách thập phương tấp nập tới thưởng thức.
Tôi chọn cho mình một vị trí khá đẹp, vừa nhìn ngắm phố phường mà cũng quan sát được gia chủ chế biến món ăn. Khác với phở bò Hà Nội, vịt quay đóng vai trò chủ đạo trong món đặc sản này.
Ở chính giữa quán ăn là 2 lò quay vịt đang hoạt động hết công suất. Từng miếng thịt vịt sau khi được quay vàng rộm, còn lách tách nóng hổi, được đưa lên giá cho nguội trước khi chặt thành từng miếng nhỏ để phục vụ thực khách.
Bát phở nóng hổi được bưng ra cho các thành viên trong đoàn. Ai nấy đều sôi bụng. Sau một đêm không được tẩm bổ, giờ ai cũng đói và thực sự bát phở vịt đầy đặn đủ dinh dưỡng này là một sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn. Dùng đôi đũa đảo nhẹ, mùi thơm phảng phất hương quế hồi nhẹ khiến tâm hồn sảng khoái hơn bao giờ hết.
Bát phở cũng bao gồm đầy đủ bánh phở, hành, gia vị, hạt tiêu nhưng thay vì thịt bò, thịt gà là những miếng thịt vịt quay nóng hổi với lớp da đỏ bóng, mỡ màng. Thịt vịt mềm, đậm đà các gia vị đặc trưng tẩm ướp hòa quyện với sợi bánh phở mỏng cùng rau húng, hành lá xanh tạo nên sự đậm đà pha lẫn vị ngọt khá lạ miệng nhưng không hề khó ăn.
Chị Phượng giải thích rằng chọn vịt và làm thịt là công đoạn khó khăn nhất. Vịt phải chọn loại to, khỏe được làm lông sạch sẽ, sau đó tẩm các hương liệu như hành, hạt tiêu, quả móc mật… Phần bên ngoài da phết mật ong.
Khi đã tẩm ướp xong để chừng 10 phút, vịt được quay trên bếp than đỏ hồng. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện để không cháy đen, bảo đảm độ nóng sao cho lớp da thấm màu nâu sẫm mật ong, có hương vị đậm đà của hương liệu. Mỗi lần quán quay trung bình là 10 - 20 con. Phần nước mỡ khi quay vịt xong sẽ được sử dụng để chan phở vịt.
Phở vịt quay tuy là món ăn cả ngày nhưng thực khách được khuyên nên dùng buổi sáng vì nhiều năng lượng, giúp bổ sung dinh dưỡng và khơi thông khí huyết cho một ngày làm việc hiệu quả. Khi ăn phở vịt quay nên dùng thêm chút măng chua hoặc rau húng, bạc hà để hương vị càng đưa đẩy. Vị chua chua của măng rừng, mùi thơm cay cay của lá húng cùng vị thanh đậm của thịt vịt chính là nét độc đáo vốn có, tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt cho vùng đất Lạng Sơn.
Bình luận (0)