Chị bạn là dân Đồng Tháp rủ chúng tôi làm tour "check in" vùng đất sen hồng và thưởng thức đặc sản dỡ chà bắt cá của người dân miền sông nước.
Chị nói người TP HCM về miền Tây chơi làng hoa Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung vào mùa rộ thì dễ vì bây giờ nhà vườn đã biết làm du lịch, tổ chức cho khách tham quan và mua sản phẩm tại chỗ nhưng đi coi dỡ chà bắt cá thì chẳng mấy khi. Sẵn đang có mấy đống chà sắp dỡ, tranh thủ làm 1 chuyến xả stress cuối năm và thưởng thức đặc sản sông nước.
Người ta thường dỡ chà bắt cá vào cuối năm để có tiền sắm Tết
Nghe quá hấp dẫn, cuối tuần chúng tôi thẳng tiến về Đồng Tháp. Đúng hẹn, khoảng 10 giờ sáng, cả nhóm có mặt tại bến thuyền ở xã Tân Long, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), chủ thuyền chờ sẵn để đưa chúng tôi đến vị trí đống chà đang dỡ hơn phân nửa trên 1 nhánh sông Hậu.
Tại đây, 1 vòng lưới rộng được quây tròn dưới nước, bên trong có 3 người lặn vớt chà chuyền cho 3 người khác đang ngồi trên xuồng để ném ra ngoài.
Đống chà trong lưới vơi dần, người dưới nước lẫn trên ghe thay phiên nhau nhổ cọc, tháo rượng, thu hẹp thêm vòng lưới. Thỉnh thoảng, trong lúc lôi những nhánh cây được cắm sâu dưới đáy sông lên, những người dỡ chà lặn bắt được con cá rô biển, cá lăng, cá chép hoặc con tôm càng ú nụ. Mỗi một "chiến lợi phẩm" giơ lên khỏi mặt nước là cả nhóm tôi lại nhao nhao, à ồ đầy phấn khích.
Sự háo hức càng gia tăng khi nghe người dưới nước kể với nhau "chà này nhiều tôm càng à nha", "có con cá lóc cỡ cùm tay, tui vừa bắt hụt", "có cá lăng, cá chốt nữa nè"… Cả chục đôi mắt mở to, hướng về vòng lưới chờ đợi.
Những chiến lợi phẩm được khoe nhanh trong lúc dỡ chà
Đến giữa trưa, lưới được kéo lên, để lộ hàng ngàn con cá đủ loại, đủ kích cỡ nhảy soi sói, lấp lánh ánh bạc dưới cái nắng cháy da. Nhóm chúng tôi lựa mua mấy ký tôm càng, mớ cá lăng, rô biển, rô đồng, cá ét, ít con cá he. Gần 100 kg còn lại, chủ chà cân bán cho mối khác.
Dỡ chà bắt cá là 1 nét sinh hoạt lâu đời của người dân miệt sông nước Tây Nam Bộ. Thông thường, người dân sẽ chọn những khúc sông gần bờ, sâu không quá 10 m để cắm chà là những thân cây chắc thịt, chịu nước như tràm, tre, trâm bầu…
Các nhánh cây được chất khít nhau với mật độ vừa phải để dẫn dụ cá, tôm vào trú ngụ. Trước khi dỡ khoảng 15 ngày, chủ chà sẽ thả mồi nhử là cám, cơm vắt, thức ăn chăn nuôi hoặc da bò… để dụ thêm tôm cá. Hoạt động này diễn ra hầu như quanh năm, đặc biệt đến cuối năm người dân thường dỡ chà để kiếm thêm ít tiền sắm Tết.
Ngon không thể tả!
Không chỉ đã mắt với cảnh dỡ chà bắt cá, chúng tôi còn được đã thèm với thực đơn toàn đặc sản tươi rói vừa bắt dưới sông lên. Tôm càng nướng mọi chắc thịt, vị ngọt đậm đà ; lẩu cá lăng ăn kèm với mấy loại rau dại như bông súng, rau muống, điên điển và khử mùi tanh cá bằng thật nhiều rau tần dày lá; cá lăng kho tộ; cá rô nấu canh khoai mỡ kèm thêm ít miếng khoai lang mật.
Nướng mọi là cách đơn giản nhất để giữ trọn hương vị của cá, tôm
Lẩu cá lăng
Chén canh khoai nóng hổi, húp muỗng nước canh ngọt lịm thơm tiêu, gắp miếng cá chấm nước mắm thiệt cay rồi hít hà tận hưởng vị ngon ngọt tự nhiên thấm qua từng tế bào trong khoang miệng. Lần đầu tiên, tôi được trải nghiệm "ngon như canh rô nấu nứt da" – nói theo ngôn ngữ của người dân xứ bạn – là ngon không thể tả.
Bình luận (0)