Tôi đã bao lần lang thang trên mảnh đất xứ Đoài quê lụa nhưng cái tên K9 - Đá Chông (xã Quang Minh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội) vẫn "trượt" hành trình. Cho đến một ngày tình cờ theo chân nhóm bạn trẻ, tôi mới có dịp ghé thăm.
Những bậc đá cuội dưới rừng cây xanh mát
Sơn thủy hữu tình
Nơi đây dường như không gian suốt bốn mùa đều phủ một vẻ bình yên. Ngoài những đoàn du khách thỉnh thoảng đến rồi đi trong lặng lẽ thì âm thanh của cuộc sống đều nhường lại cho thiên nhiên. Những chiếc lá vàng rơi xào xạc, chim hót líu lo, dòng suối chảy róc rách như ru lòng người. Đến đây, tôi và nhiều người đều có chung cảm nghĩ: Không ngờ Hà Nội còn có một nơi bình yên đến thế!
Giữa một miền xanh bao la, ta được nghe câu chuyện truyền thuyết cũ đầy nhiệm mầu. Người ta kể rằng khu vực K9 - Đá Chông xưa kia là nơi chàng Sơn Tinh giao chiến long trời lở đất với "đối thủ tình trường" Thủy Tinh để giành lấy công chúa Mỵ Nương xinh đẹp. Ngày nay, đứng ở đây có thể nhìn thấy đỉnh núi Tản Lĩnh - nơi có đền thờ Bác Hồ và đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Viên (tức Sơn Tinh).
K9 - Đá Chông nằm sát khu vực hạ nguồn của dòng sông Đà kỳ vĩ. Đà Giang chảy vắt qua Tây Bắc hùng vĩ. Sau khi đổ vào hồ thủy điện Hòa Bình, con sông bất ngờ đổi hướng vòng lên phía Bắc qua K9 - Đá Chông với dáng vẻ hiền hòa. Cuối cùng, Đà Giang hợp lưu với sông Hồng tạo thành vùng thủy lưu mênh mông như đầu rồng về chầu đất Tổ - vua Hùng. Có lẽ vì thế mà Bác Hồ đã chọn vùng đất tọa sơn quan thủy, ẩn chứa long mạch linh thiêng ngàn đời của người Việt để dựng căn cứ, làm việc suốt 9 năm (1960-1969).
Vào K9 - Đá Chông, chúng ta sẽ có cảm giác như mình đang dạo ngắm một khu Ba Đình thứ hai nhưng có phần bao la, hoang sơ hơn "phiên bản chính" ở trung tâm TP Hà Nội. Nơi đây có vườn cây trái xanh tươi, trĩu quả, ao cá vàng. Đặc biệt là nơi làm việc của Bác được xây theo kiến trúc nhà sàn 2 tầng giống với ngôi nhà của Người ở trong Phủ Chủ tịch tại khu Ba Đình.
K9 - Đá Chông cũng từng là nơi đặt thi hài của Người sau khi mất, trong suốt 6 năm (1969-1975). Sau khi K9 - Đá Chông mở cửa cho du khách đến thăm thì những câu chuyện về Bác, về lịch sử dần dần được hé mở. Cũng từ đó, với những người con xứ Đoài nói riêng, người Việt nói chung đã coi K9 - Đá Chông như khu Ba Đình thứ hai.
Ao nhỏ nuôi cá vàng trong khu di tích
Câu chuyện trong từng viên đá
Đi giữa miền bình yên, trong sự tĩnh tâm, ta như trút bỏ được những buồn lo, vững tin vào cuộc sống. Nhiều du khách coi chuyến thăm K9 - Đá Chông như một hành trình về nguồn. Mọi người được lắng nghe, được cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh. Chỉ một câu chuyện nhỏ về những viên đá cuội rải khắp mặt sân, lối đi mà chị hướng dẫn viên người Hà Tây quê lụa nhẹ nhàng cất tiếng đã khiến nhiều du khách "à! ừ!" vỡ lẽ.
Chuyện rằng: "Khi xưa, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã rải khắp lối đi, sân vườn đá cuội không chỉ bởi tính trang trí của nó, mà nhiệm vụ quan trọng nhất là báo động khi có quân địch. Mọi người cứ thử xem, dù đi bằng bất cứ loại giày, dép nào và có cố nhẹ nhàng đến mấy thì khi bước trên đá cuội cũng phát ra âm thanh...".
Còn với hình ảnh 3 hòn đá xếp gần nhau chĩa mũi nhọn hoắt lên không trung được Bác gọi là Đá Chông. Bác Hồ và các đồng chí hay ra đây ngồi hóng mát, ăn cơm trong thời gian 9 năm làm việc.
Đi tham quan nhiều khu di tích lịch sử hay các điểm du lịch ở Hà Nội, chúng ta hay bắt gặp cảnh lộn xộn, "chặt chém"... Nhưng vào K9 - Đá Chông, bạn thực sự được an nhiên, tự tại không bị bất cứ ai làm phiền. Khách không phải mất tiền mua vé tham quan, được gửi xe miễn phí, còn đồ đạc, tư trang sẽ do các anh bộ đội trông coi cẩn thận...
Từ một khu căn cứ tuyệt mật, giờ đây K9 - Đá Chông đã dần dần gần gũi và được nhiều người dân biết đến hơn. Nằm giữa vùng thắng cảnh nổi tiếng với những: khoang Xanh, suối Tiên, đầm Long, núi Tản Lĩnh...thì K9 - Đá Chông như một điểm đến trải nghiệm lịch sử, văn hóa thú vị mà du khách nên ghé thăm. Ở đây, lắng đọng tâm hồn và dành một phút dâng hương thành kính lên ban thờ Bác, bạn sẽ thấy cõi lòng mình thêm an định, vững tin.
Bình luận (0)