Phim kinh dị "Tee Yod: Quỷ ăn tạng" phần 2 của điện ảnh Thái Lan đã gặt hái doanh thu cao tại thị trường Việt Nam sau thành công của phần 1. Trước đó, phim "Gia tài của ngoại" cũng bội thu phòng vé khi chiếu ở rạp Việt.
Liên tục xác lập kỷ lục
"Tee Yod: Quỷ ăn tạng" phần 2 kể về cuộc sống gia đình Yak (Nadech Kugimiya đóng) sau 3 năm bị quỷ chiếm thân xác và ăn mòn nội tạng. Dù gia đình khuyên can, anh vẫn ngày đêm truy tìm manh mối về linh hồn áo đen bí ẩn để trả thù cho em gái mình. Yak đã phát hiện quỷ ăn tạng được pháp sư quyền năng Puang nuôi dưỡng và điều khiển. Pháp sư này sống ẩn dật trong "khu rừng chết" Khamod...
"Tee Yod: Quỷ ăn tạng" do Taweewat Wantha đạo diễn, quy tụ các diễn viên: Nadech Kugimiya, Denise Jelilcha Kapaun, Nutthacha Jessica Padovan… Phần 1 phim này ra mắt khán giả Việt năm 2023, thu được 54 tỉ đồng, vượt qua "Hậu duệ tình người duyên ma" trước đó (35 tỉ đồng).
Phần 2 "Tee Yod: Quỷ ăn tạng" mở suất chiếu sớm từ ngày 10-10 và đã nhanh chóng thu về khoảng 25 tỉ đồng (tương đương 1 triệu USD) với hơn 333.000 vé được bán ra. Với kết quả này, tác phẩm xác lập kỷ lục phim Thái Lan có tốc độ cán mốc 1 triệu USD nhanh nhất tại Việt Nam tính đến nay. Thành tích này khiến nhà phát hành quyết định mở thêm suất chiếu sớm từ ngày 14 đến 17-10, trước khi chiếu chính thức từ ngày 18-10.
Kết quả, "Tee Yod: Quỷ ăn tạng" phần 2 thu được 52 tỉ đồng chỉ với những suất chiếu sớm. Theo thống kê từ trang Box Office Vietnam, tính đến trưa 27-10, phần 2 thu hơn 86,8 tỉ đồng và hiện vẫn trụ rạp - vượt qua phần 1 để trở thành phim kinh dị Thái Lan có doanh thu cao nhất tại Việt Nam.
Trong buổi giao lưu quảng bá phim phần 2 tại TP HCM mới đây, nói về lý do tác phẩm chinh phục khán giả Việt thành công, nam diễn viên Nadech Kugimiya nhìn nhận: "Tôi nghĩ Thái Lan và Việt Nam đều là hai nước trong khu vực Đông Nam Á, đời sống xã hội và văn hóa có sự tương đồng, đặc biệt là vấn đề tâm linh. Có lẽ đó cũng là lý do giúp phim này dễ chạm đến trái tim khán giả Việt hơn những phim khác".
Trước đó, phim Thái Lan "Gia tài của ngoại" - do Pat Boonnitipat đạo diễn, khai thác đề tài tình cảm gia đình - cũng gặt hái doanh thu ấn tượng. Ra rạp từ ngày 7-6, phim nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả Việt và đã thu hơn 89 tỉ đồng. Phim kể câu chuyện chàng trai tên M (Billkin đóng) tình cờ được mẹ thông tin rằng bà ngoại anh mắc bệnh ung thư. Nhớ đến cô em họ Mui được thừa kế một căn nhà từ ông nội, M hy vọng được thừa kế tài sản của ngoại nên quyết về quê chăm sóc bà những ngày cuối đời.
Trong quãng thời gian ít ỏi còn lại, M làm tất cả để trở thành "cháu cưng" của bà ngoại. Thế nhưng, nhận được nhiều bài học giá trị về tình thân, anh không còn ý định thừa kế tài sản như lúc đầu...
Có thể học hỏi nhiều điều
Trước sự phát triển của điện ảnh Thái Lan, nhiều người trong giới cho rằng điện ảnh Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều.
Chuyên viên truyền thông phim Châu Quang Phước cho biết "Gia tài của ngoại" đạt doanh thu toàn cầu là 50 triệu USD (Việt Nam hơn 89 tỉ đồng, Trung Quốc 14,8 triệu USD...) - vượt xa phim Việt có mức doanh thu kỷ lục là "Mai", với 21 triệu USD tại thị trường trong nước và 2 triệu USD ở nước ngoài.
"Có thể thấy một trong những yếu tố dẫn đến thành công về nguồn thu của "Gia tài của ngoại" là sự hiệu quả từ hệ thống kênh phân phối điện ảnh Thái Lan với thị trường quốc tế. Hiện nay, về phương diện phát hành quốc tế, phim Việt vẫn chưa thể sánh với phim Thái" - chuyên viên Châu Quang Phước nhật xét.
Ông Châu Quang Phước nói thêm: "Phim "Gia tài của ngoại" có thời lượng 125 phút. Trong khi đó, hầu hết phim Việt thuộc dòng thương mại (commercial) đều hạn chế kéo dài thời lượng như vậy. Có lúc, phim Việt chiếu rạp chỉ "khoanh vùng" thời lượng trong 90-95 phút trở lại, để hy vọng có thêm nhiều suất chiếu. Có lẽ vì thế mà phần lớn phim Việt khi ra rạp đã bị "hụt hơi" về mặt xúc cảm với người xem, cả trong lẫn ngoài nước".
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Điều hành Tổ hợp giải trí và truyền thông Mega GS, trăn trở: "Phim Thái Lan thường có câu chuyện hay, kịch bản tốt, diễn viên đẹp và chuyên nghiệp. Trong khi đó, điện ảnh Việt hiện vẫn còn hạn chế khâu kịch bản và diễn viên. Nhiều diễn viên ở ta lại không giữ gìn hình ảnh và không chuyên tâm với nghề. Khi tham gia vài phim, có một chút tiếng tăm, họ lại quay sang kinh doanh, bán hàng trên mạng hoặc mở nhà hàng, spa…; không tập trung vào việc trui rèn nghề nghiệp".
Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng thành công gần đây của phim Thái Lan tại thị trường Việt Nam là do các nhà làm phim của họ đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp quản lý nhà nước. Điển hình, nền tảng https://thai.film được phát triển với sự tham gia của Bộ Thương mại Thái Lan, Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế (DITP) và chương trình "Thailand Where Films Come Alive". Sự kết hợp này đã tạo nên một kênh hỗ trợ hiệu quả, giúp phim Thái Lan lan tỏa, kết nối với đối tác nước ngoài và dễ dàng tham gia thị trường phim toàn cầu.
Theo những người trong cuộc, điện ảnh Việt Nam rất cần sự vào cuộc từ các cơ quan quản lý để xây dựng những chương trình hỗ trợ dài hạn, không chỉ trong khâu sản xuất mà còn là hoạt động quảng bá tại các liên hoan phim và hội chợ quốc tế. Bên cạnh đó, các nhà làm phim Việt Nam nên tiếp tục khai thác yếu tố văn hóa đặc trưng, đầu tư vào chất lượng sản xuất, sáng tạo trong cách kể chuyện, tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế...
"Khi có sự đồng hành từ các cấp chính quyền, các nhà sản xuất và cả sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả, điện ảnh Việt sẽ có cơ hội vươn xa hơn, chinh phục thêm nhiều khán giả trên thế giới" - nhà sản xuất Hoàng Quân nhận định.
Bình luận (0)