Em không nghiện game, em nghiện nổi tiếng
Em là con gái út, trên em là chị gái hơn 7 tuổi, ba mẹ đều có công việc, đi làm công ty mỗi ngày. Ba mẹ em khá nghiêm khắc, chị gái thì lại lớn hơn nhiều tuổi nên hai chị em không "hợp cạ", ít nói chuyện và hay gây gỗ với nhau.
Chị gái vì lớn nên được ba mẹ mua cho điện thoại riêng, còn em thì không, nhưng em thường được mẹ cho mượn mỗi khi cần.
Mời tham gia diễn đàn "cai nghiện game"
Nghiện game, nghiện mạng xã hội đang là căn bệnh trầm kha của giới trẻ. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và việc học, nghiện ngập những thú vui này còn khiến giới trẻ có những hành vi sai lệch, thậm chí gây án mạng vì có xu hướng làm theo nhân vật trên game, trên mạng xã hội.
Nhân chia sẻ của một phụ huynh có con nghiện game, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Làm sao cai nghiện game cho con? Mời bạn đọc chia sẻ câu những câu chuyện về tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội trong giới trẻ, các giải pháp hiệu quả giúp con em mình cai nghiện.
Địa chỉ nhận bài: diendannghiengame@gmail.com (ghi rõ thông tin cá nhân và số tài khoản ngân hàng). Các bài viết được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút.
Trong những ngày học online do dịch COVID-19, mẹ gần như cho em toàn quyền sử dụng điện thoại. Vì thế, em luôn để điện thoại kề bên. Không đến lớp, không được đi ra khỏi nhà, em dùng điện thoại để kết nối với bạn bè, để học online và giải trí. Cứ lướt màn hình liên tục, em dần dần lún sâu vào thế giới của mạng xã hội. TikTok, Instagram, Zalo, Bingo, Facebook... em đều có tài khoản. Em bị hấp dẫn bởi cuộc sống hào nhoáng, những bức ảnh lung linh, và những câu chuyện thú vị trên các trang mạng xã hội.
Em dành hàng giờ đồng hồ chỉ để lướt liên tục các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… Ngón tay như theo quán tính, em lướt liên tục, nội dung nào hiện ra cũng xem.
Khi em bắt đầu chìm đắm vào mạng xã hội, không ai có thể ngờ rằng cuộc sống ảo lại cuốn hút em đến vậy. Thế giới ảo hấp dẫn đến mức quên làm em quên mất cả thế giới thực với những con người thực xung quanh và đánh mất luôn cả bản thân mình.
Có hàng loạt các "Idol" trên mạng xã hội. Nhiều người vụt sáng như ngôi sao chỉ qua một đêm. Họ nổi tiếng và nhận được sự yêu mến của cộng đồng chỉ thông qua những đoạn clip nhỏ, vài câu nói, vài điệu nhảy. Mỗi bài đăng của họ thu hút hàng ngàn view và bình luận.
Em mơ ước một ngày nào đó sẽ trở thành một người nổi tiếng trên mạng xã hội, giống như những người em ngưỡng mộ, những người xinh đẹp, thời thượng, liên tục nhận được lời mời quảng cáo và kiếm tiền dễ dàng từ những bài đăng trên các trang mạng xã hội.
Chuyện học là vô nghĩa
Mỗi ngày sau đó, em bắt đầu thức dậy với suy nghĩ về việc cập nhật trạng thái trên mạng xã hội. Em dành phần lớn thời gian để chụp ảnh, quay video, chỉnh sửa, cắt ghép nội dung, đăng tải và mong chờ từng lượt like và bình luận. Mỗi tương tác thu lại đều cho em một sự phấn khích.
Em học và làm theo các trào lưu, xin tiền ba mẹ mua sắm online nhiều hơn để luôn theo kịp xu hướng, phải "bắt trend" thì mới có thể được chú ý. Em không thiết tha gì chuyện học hành; với em, việc học trở nên thật vô nghĩa!
Em tự hỏi học để làm gì khi có rất nhiều người tốt nghiệp đại học mà vẫn không tìm được việc làm, hoặc làm việc với mức lương chỉ đủ sống? Trở thành một thần tượng trên mạng xã hội, em có thể sống trong xa hoa, kiếm được nhiều tiền, thời gian chủ động, và công việc lại hoàn toàn phù hợp với sở thích của mình.
Trên mạng xã hội, em có thể tự do thể hiện bản thân, có khi tâng bốc lên một chút, nói khác sự thật một chút cũng không ai bắt bẻ. Bất kể người lạ hay người quen, chỉ cần có tài khoản tương tác với em thì đều là bạn.
Nhiều bạn bè của em cũng có suy nghĩ như vậy. Kết thúc đợt giãn cách, khi quay trở lại trường, gặp bạn bè, nội dung trò chuyện của bọn em cũng quẩn quanh những dòng trạng thái, những videoclip, những Idol mạng xã hội. Em và bạn bè đều muốn xây dựng cho mình một hình tượng hoàn hảo trên mạng, bọn em đua với nhau xem ai là người nổi tiếng hơn. Giá trị của bọn em được tính qua từng lượt tương tác, càng nhiều - càng có quyền lực.
Không được như mấy đứa bạn cầm điện thoại riêng trên tay, em chỉ được mẹ cho mượn điện thoại mỗi lúc ở nhà. Ba mẹ em vẫn giữ quan điểm chỉ khi nào em lớn như chị thì mới được mua điện thoại riêng, dù em năn nỉ hay vòi vĩnh thế nào cũng không thay đổi.
Bị bạn bè khi dễ vì không có điện thoại, em tức tối thu mình, từ chối tham gia các hoạt động chung. Em chỉ mong được ở nhà, được tự do cầm điện thoại và thể hiện bản thân mình trên mạng xã hội. Bạn bè trong thế giới ảo đó, dù em sai hay đúng, dù không ai biết em là ai, nhưng luôn ủng hộ em.
Em đã mất dần đi khả năng tập trung vào học tập và thậm chí mất dần sự tự tin khi giao tiếp.
Phải chi không có smartphone
Ba mẹ cũng nhận thấy vấn đề không ổn của em và bắt đầu khuyên nhủ. Nghe ba mẹ khuyên, em cũng xiêu lòng. Em cũng cảm thấy dường như mình quá phụ thuộc vào mạng xã hội và muốn khống chế bớt. Em bắt đầu tự cai nghiện bằng cách nhờ mẹ giấu điện thoại đi. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không mang lại kết quả như mong đợi. Em cảm thấy bứt rứt, khó chịu và không lâu sau đó, em lại xin mẹ trả lại điện thoại. Em rơi vào một vòng lẩn quẩn của việc cố gắng cai nghiện và sau đó lại quay trở lại với thói quen cũ.
Dù em biết rằng mình phải quay về với thế giới thực nhưng quả thật thế giới ảo vui hơn nhiều, từ bỏ nó đối với những người còn trẻ dễ đam mê, dễ hấp dẫn bởi cái mới cái lạ như tụi em quả là điều không dễ dàng gì…
Đôi khi em ước giá như không có smartphone, không có mạng xã hội thì cuộc sống này đơn giản hơn nhiều.
Bình luận (0)